Quảng Bình là tỉnh ven biển với đường bờ biển bài 116 km, ngư trường và vùng đặc quyền kinh tế hơn 20.000 km2. Vì thế, kinh tế biển đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cơ cấu kinh tế của toàn tỉnh này, với sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 60.000 tấn.
Sắp hoàn thành chi trả bồi thường đợt 1 và 2
Trao đổi với PLVN, ông Phan Văn Khoa - Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá thiệt hại do sự cố môi trường biển tại tỉnh Quảng Bình cho biết, sự cố xảy ra hồi tháng 4/2016 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân, đồng thời tác động đến tình hình kinh tế - xã hội cũng như an ninh trật tự trên địa bàn. Thống kê đã có 7/8 huyện, thành phố, thị xã, với 62 xã, phường có đối tượng bị thiệt hại.
Theo đó, đến ngày 7/2/2017, các địa phương đã phê duyệt đối tượng chi trả tiền bồi thường với số tiền 1.837 tỷ đồng, và đã tiến hành chi trả 1.541 tỷ đồng/1.860 tỷ đồng - đạt 83% con số mà Trung ương tạm cấp cho tỉnh này.
Cụ thể, đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành chi trả đợt 1 (1.100 tỷ đồng) và một phần của đợt 2 trước, qua đó góp phần giải quyết khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh cho người dân. Đặc biệt, ở Lệ Thủy - một huyện phía Nam tỉnh đã cơ bản chi trả hết số tiền tỉnh tạm cấp bao gồm cả đợt 1 và đợt 2.
Theo ông Phan Văn Khoa, do số tiền chi trả bồi thường lớn, thiệt hại trên nhiều lĩnh vực, đối tượng bị thiệt hại lại nhiều, trong khi đó, một bộ phận người dân bị thiệt hại thuộc địa bàn các xã, phường ở khu vực cửa sông, ven sông; đối tượng bán hàng phục vụ đời sống dân sinh (rau, thịt, tạp hoá,...) không thuộc đối tượng được hỗ trợ, bồi thường theo quy định tại Quyết định 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên có biểu hiện bức xúc - khiến công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ chưa hoàn thành.
Sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu, lãnh đạo UBND tỉnh này đã kiểm tra, làm việc với các ngành, địa phương để chỉ đạo tiếp tục chi trả tiền đền bù. Theo kế hoạch, đến ngày 25/2 tới, sẽ chi trả hết số tiền Trung ương tạm cấp cho Quảng Bình (gồm cả đợt 1 và 2).
Đánh bắt thủy sản phục hồi nhanh hơn nghề khác
Số người đánh bắt, kinh doanh, nuôi trồng, chế biển thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, kinh doanh dịch vụ du lịch... bị ảnh hưởng bởi sự cố nói trên đã tái sản xuất như thế nào và mức độ phục hồi của những ngành nghề này ra sao sau khi nhận được kinh phí bồi thường, hỗ trợ?
Ông Phan Văn Khoa: Ngay sau khi các cơ quan Trung ương công bố về chất lượng nước biển và các loại hải sản tầng nổi, hải sản nuôi tại các tỉnh miền Trung an toàn, việc khai thác hải sản của ngư dân Quảng Bình cơ bản đã thực hiện trở lại, nhất là các tàu đánh bắt ở vùng biển xa.
Theo đánh giá, mức độ phục hồi, tái sản xuất của nghề đánh bắt nhanh hơn các nghề khác, do ngư trường và thị trường cuối năm cũ, đầu năm mới có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, do tâm lý còn e ngại sử dụng hải sản biển nên việc tiêu thụ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, một số cơ sở thu mua còn có hải sản tồn kho không thiêu thụ được.
Đối với sản xuất nuôi trồng thủy sản, chủ yếu bà con đang làm công tác chuẩn bị, gia cố, sửa sang cơ sở hạ tầng kỹ thuật do chưa đến chính vụ.
|
Sau khi nhận đền bù, bà con ngư dân đã mua, sửa phương tiện, ngư, lưới cụ... chuẩn bị cho mùa sản xuất đầu năm 2017. |
Riêng đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch thì đang còn chịu ảnh hưởng khá nặng nề. Theo thông tin chúng tôi nắm được, khách du lịch trong tháng 1/2017 chỉ đạt 57,9 ngàn lượt - giảm 42,7% so với cùng kỳ. UBND tỉnh Quảng Bình đã tập trung các giải pháp để phát triển du lịch trong năm nay, như quảng bá, quảng cáo hình ảnh du lịch Quảng Bình trên các website du lịch hàng đầu thế giới, các phương tiện thông tin đại chúng, phát triển các sản phẩm du lịch mới, tổ chức lễ hội hang động...
Cần nói thêm, trong quá trình chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ do sự cố môi trường biển gây ra, các ngành, các địa phương đã hướng dẫn, khuyến cáo bà con ngư dân sử dụng tiền bồi thường, hỗ trợ đúng mục đích, trong đó tập trung cho việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh như mua sắm, sửa sang phương tiện, lưới, ngư cụ, kể cả máy móc thông tin liên lạc để chuẩn bị cho mùa sản xuất đầu năm mới 2017.
Trong thời gian tới, ngoài việc tập trung chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ theo Quyết định 1880/QĐ-TTg, UBND tỉnh sẽ tổ chức thực hiện các nội dung của Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 6/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế” trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung liên quan việc hỗ trợ khôi phục sản xuất kinh doanh của người dân.
Tin từ Bộ Tài chính cho hay, trong đợt 2, Quảng Bình được cấp thêm gần 800 tỷ đồng để chi trả bồi thường. Tiến độ chi trả khoản này đang diễn ra như thế nào, thưa ông?
Ông Phan Văn Khoa: Ngày 19/1/2017, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 571/VPCP-KTTH về việc tạm cấp kinh phí bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung lần 2, và tỉnh Quảng Bình được tạm cấp 760 tỷ đồng.
Tỉnh đã có Quyết định cấp 736 tỷ đồng cho các địa phương để tiến hành chi trả đợt 2 cho các đối tượng bị thiệt hại. Đến ngày 11/2, các địa phương đã chi trả được 395,5 tỷ đồng - đạt 52% số tiền Trung ương cấp đợt 2 cho địa phương. UBND tỉnh Quảng Bình đã chi đạo các địa phương phải hoàn thành việc chi trả số tiền này trước ngày 25/2/2017.
Cảm ơn ông!
Võ Tuấn
Quảng bá du lịch trên các website nổi tiếng thế giới
Lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch của Quảng Bình đang còn chịu ảnh hưởng nặng nề sau sự cố môi trường biển. Cụ thể, khách du lịch trong tháng 1/2017 chỉ đạt 57,9 ngàn lượt - giảm 42,7% so với cùng kỳ. UBND tỉnh Quảng Bình đã, đang tập trung các giải pháp để phát triển du lịch trong năm 2017 như quảng bá, quảng cáo hình ảnh du lịch Quảng Bình trên các website du lịch hàng đầu thế giới, các phương tiện thông tin đại chúng, phát triển các sản phẩm du lịch mới, tổ chức lễ hội hang động...