Sụt giảm độ tuổi dậy thì
Những báo cáo đầu tiên về sự sụt giảm mạnh của tuổi dậy bắt đầu xuất hiện tại Hoa Kỳ từ khoảng hai thập kỷ trước. Nhiều nhà khoa học chỉ ra rằng, chính lối sống tại quốc gia này - tỷ lệ trẻ bị béo phì cao, thường xuyên xem tivi và ngồi trước máy vi tính cũng như ăn quá nhiều thịt bò được tiêm hoóc môn tăng trưởng là nguyên nhân khiến cho độ tuổi dậy thì của trẻ sụt giảm mạnh.
Một nghiên cứu tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch) do một số chuyên gia có uy tín thực hiện, kết luận rằng độ tuổi bắt đầu trưởng thành về thể chất của bé gái và bé trai đã giảm xuống trong một khoảng thời gian ngắn.
Ở bé gái, tuổi dậy thì giảm xuống 1 năm - từ 11 xuống 10. Đối với bé trai, sự thay đổi này ít nghiêm trọng hơn, nhưng vẫn có thật - bây giờ các bé bắt đầu dậy thì sớm hơn khoảng 4 tháng so với trước đây, trung bình là 10 tuổi thay vì 11 tuổi.
Tiến sĩ Richard Stanhope, có hơn 20 năm làm việc tại bệnh viện nhi Great Ormond Street London (Anh) cho rằng những đứa trẻ trưởng thành về thể chất quá sớm có nguy cơ dễ bị lạm dụng tình dục và mang thai ở tuổi vị thành niên hơn.
Nghiên cứu ở những bé trai dậy thì sớm cho thấy chúng có khả năng xuất hiện hành vi nguy hiểm như dùng ma túy, uống rượu và vi phạm pháp luật. Gia tăng lượng testosterone sớm có thể dẫn đến sự hung hăng ở bé trai khi còn quá nhỏ khiến chúng không thể kiểm soát được sự bốc đồng của mình.
Theo Linda Blair, nhà tâm lý học người Anh có 30 năm kinh nghiệm, mong muốn được giống mọi người là điều rất quan trọng đối với trẻ em.
Tara Lamey, 18 tuổi, hiện là một điều phối viên dịch vụ. Cô sống ở Bắc London cùng với mẹ Susan làm trợ giảng. Tara nhớ lại những dấu hiệu dậy thì đầu tiên khi mới 7 tuổi.
“Tôi thấy mình mọc lông nách và tôi đã rất kinh hoàng. Hồi đó, khi vừa mới vào tiểu học, tôi chưa được học về tuổi dậy thì và không hiểu chuyện gì đã xảy ra với cơ thể mình. Nhưng tôi biết rằng điều đó thật khó chịu. Tôi còn nhớ cảm giác khi thay đồ để học bơi và cảm thấy xấu hổ. Tôi mong muốn được hòa nhập và không có lông nách như những người bạn của mình”, cô nói.
Không lâu sau đó, khi vẫn chỉ mới bảy tuổi, Tara tưởng như “hồn xiêu phách lạc” khi cô bắt đầu mọc lông mu. “Tôi chỉ muốn giả bộ rằng điều đó không xảy ra với mình. Một buổi tối, khi tôi đang tắm, mẹ bật khóc và tôi nhớ rằng bà đã hỏi tôi là tôi có lông như vậy được bao lâu. Tôi cảm thấy xấu hổ nhưng nhẹ nhõm khi mẹ biết”, Tara chia sẻ.
May mắn cho Tara, mẹ cô đã phản ứng bình tĩnh. Những lần đến bệnh viện để kiểm tra cho thấy rằng mặc dù cô đã bắt đầu dậy thì sớm, nhưng mức độ hooc môn của cô vẫn nằm trong phạm vi được coi là bình thường - vì vậy cô không cần điều trị.
“Tôi nhớ mẹ không có phản ứng bị sốc, nhưng trong thâm tâm hẳn bà phải kinh ngạc khi thấy con gái bé bỏng của mình phát triển quá sớm. Cũng trong thời gian đó, tôi bắt đầu thay đổi tâm lý. Tôi không thể nhớ nhiều về nó, nhưng tôi vẫn nhớ cảm giác khóc không vì lý do gì”.
Hooc môn có hại không?
Hiện nay, trên thế giới, đối với dậy thì sớm trung ương, phương pháp điều trị tiêu chuẩn là sử dụng các loại thuốc có tên GnRH analog (tạm dịch thuốc tương tự GnRH). Chúng có tác dụng ngăn chặn các hoóc môn kích thích dậy thì do tuyến yên tiết ra. Hầu hết trẻ em cần điều trị đều được cho dùng thuốc này dưới dạng tiêm hoặc cấy ghép.
Thuốc có thể được tiêm vào cơ nếu tiêm theo tháng hoặc tiêm ngay dưới da nếu tiêm theo ngày. Thuốc dạng cấy ghép là những ống rất nhỏ, dài khoảng 2,5 cm - được đặt dưới da, thường là ở bắp tay. Chúng sẽ dần dần đưa thuốc vào cơ thể. Thuốc dạng xịt qua đường mũi được dùng hàng ngày.
Các thuốc tương tự GnRH có tác dụng rất tốt. Trong tháng điều trị đầu tiên, các dấu hiệu dậy thì có thể trở nên rõ ràng hơn, nhưng sau đó, chúng sẽ biến mất. Bác sĩ, tiến sĩ Paul Kaplowitz, trưởng khoa nội tiết tại Trung tâm Y tế Quốc gia dành cho Trẻ em ở Washington D.C. (Hoa Kỳ) cho biết: “Ở bé gái, ngực sẽ thu nhỏ lại sau 6-12 tháng điều trị. Trong một số trường hợp, các dấu hiệu dậy thì gần như biến mất”.
Nhìn chung, tác dụng phụ của các thuốc tương tự GnRH là nhẹ, bao gồm nhức đầu, triệu chứng mãn kinh (như trào huyết) và áp xe tại chỗ tiêm. Đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy tác dụng phụ lâu dài của việc sử dụng GnRH tương tự.
Một phương pháp điều trị dậy thì sớm trung ương khác nữa là tiêm progestin. Đây từng là phương pháp tiêu chuẩn để điều trị dậy thì sớm trung ương. Nhưng chúng ít hiệu quả hơn các thuốc tương tự GnRH.
Ngoài ra, có thể còn phải phẫu thuật và xạ trị trong trường hợp dậy thì sớm trung ương bị kích thích bởi một khối u não. Loại bỏ khối u không phải lúc nào cũng có thể giải quyết mọi triệu chứng.
Những phương pháp điều trị nói trên đều làm trễ tuổi dậy thì khi được áp dụng. Vậy, cần điều trị dậy thì sớm trung ương trong bao đâu? Điều đó tùy thuộc vào từng đứa trẻ và mức độ phát triển của bé. Một khi đã bắt đầu điều trị, cần khám theo dõi từ 1-3 tháng một lần. Mức độ đáp ứng với điều trị thay đổi tùy theo tuổi bắt đầu. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em điều trị sau 11 tuổi sẽ không có tác dụng.
Điều trị dậy thì ngoại biên lại tương đối khác. Nó phụ thuộc vào nguyên nhân của việc dậy thì sớm. Trong một số trường hợp, có thể cần phải phẫu thuật để loại bỏ khối u hoặc u nang khỏi buồng trứng hoặc tinh hoàn. Trong một số trường hợp dùng thuốc cũng có thể có tác dụng.