|
Dịch bệnh khiến các tour du lịch giáo dục cho đối tượng học sinh, sinh viên trở nên “vắng bóng”. |
Không chỉ là du lịch giải trí
Rất nhiều bậc phụ huynh vẫn cho rằng, du lịch giáo dục chỉ là một hình thức du lịch cho trẻ em giải trí, vui chơi, và không có nhiều giá trị học tập. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn ngược lại so với quan điểm của các nhà giáo dục tại nhiều nước trên thế giới. Theo họ, các mô hình du lịch giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong nền giáo dục nước nhà.
Điển hình là mô hình vừa học vừa trải nghiệm dựa vào triết lý nền giáo dục cộng đồng (Community education) được coi là một mảng giáo dục riêng lẻ trên thế giới, mà tại đó nền giáo dục nhà trường trở nên gắn bó sâu sắc với giáo dục gia đình và xã hội. Nền giáo dục cộng đồng tùy theo xu hướng văn hóa tinh thần của từng quốc gia sẽ có những nét đặc trưng nổi bật.
Ví dụ tại Pháp, nền văn hoá nước này nhấn mạnh sự gắn kết trên sự đóng góp của từng cá nhân – tinh thần “một người vì mọi người” như trong tiểu thuyết “Ba người lính ngự lâm”. Yếu tố này sẽ giúp định hướng tư duy tổ chức của các nhà làm tour và nhà trường. Theo đó, có một số mô hình tổ chức giáo dục cộng đồng phổ biến như: học trên thực địa hoặc còn gọi học “ngoài cánh cửa nhà trường”; du lịch giáo dục; tổ chức các câu lạc bộ trao đổi kiến thức theo từng chuyên đề.
Để hiệu quả hơn, cần chia đối tượng và xác định rõ mục đích cho các em học sinh trước mối chuyển đi. Đối tượng học sinh mẫu giáo và tiểu học sẽ phù hợp với mô hình du lịch giáo dục, tức là trẻ “học trong chơi, chơi trong học” trong một môi trường dễ chịu về thiên nhiên và con người. Mặt khác, đối tượng học sinh trung học có thể được áp dục cả mô hình thực địa và du lịch để hiểu sâu sắc hơn các bài giảng lý thuyết trong nhà trường.
Như nhà bác học Albert Einstein đã từng nói “chỉ có trải nghiệm mới là hiểu biết còn tất cả các thứ khác chỉ là thông tin”, hay nói cách khác “học đi đôi với hành”, mà du lịch trải nghiệm chính là một phần của thực hành. Một chuyến đi trải nghiệm sẽ là một quá trình tích nhiều kiến thức của cả các môn tự nhiên và xã hội để giải quyết một vấn đề cụ thể được đặt ra trước chuyến đi cho học sinh mà thầy cô, phụ huynh đã giao cho các em.
Mặt khác, Báo cáo của UNESCO về định hướng giáo dục cho thế kỷ 21 đã nhấn mạnh vào 4 trụ cột của giáo dục là: Học để biết – Học để làm – Học để tồn tại – Học để chung sống. Theo các nhà nghiên cứu, phương pháp dạy và học truyền thống hay còn gọi phương pháp chính thống như hiện nay với cách thuyết giảng một chiều kể cả dùng các phương tiện nghe nhìn, học sinh chỉ nhớ được cao nhất là 50% bài giảng, nhưng nếu được trải nghiệm, hiệu quả ít nhất là được 60% và có thể cao hơn.
|
Tiềm năng bỏ ngỏ ở Việt Nam
Theo TS. Ngô Kiều Oanh - Giám đốc Trang trại Đồng quê Ba Vì, đây là một hướng giáo dục mang đậm tính thực tiễn nên rất cần xây dựng một số các mô hình mang tính khảo nghiệm tại một số vùng có tiềm năng đáp ứng được yêu cầu của việc áp dụng các hoạt động học trải nghiệm, đồng thời xây dựng các chiến lược quảng bá các tour du lịch giáo dục cộng đồng.
Tại một quốc gia đậm chất văn hoá Á Đông như Việt Nam, có thể thấy, yếu tố chính được nhấn mạnh là truyền thống gia đình, làng xóm. Do vậy, không ngạc nhiên khi rất nhiều tour du lịch giáo dục cộng đồng ở Việt Nam thường gắn bó với nông thôn, đồng ruộng,… Theo đó, du lịch kết hợp với học trải nghiệm giúp học sinh thu nhận kiến thức một cách rất hiệu quả bằng việc tận dụng sự vận động tối đa trí tuệ cùng với các giác quan của thân thể. Học sinh cũng có thể chủ động cùng giáo viên tìm ra cách thức giải quyết một chủ đề học hay một vấn đề trong cuộc sống.
Bà Oanh cũng cho biết, học trải nghiệm chính là học phương pháp tư duy xử lý các tình huống, các thách thức luôn luôn hiện hữu trong cuộc sống. Về phía người dạy là “dạy phương pháp”, nghĩa là giáo viên đóng vai trò hướng dẫn cho học sinh phương pháp để nâng cao năng lực giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Trong cách dạy và học này, học sinh đóng vai trò trung tâm, khác với phương pháp giáo dục truyền thống là “dạy kiến thức” – với việc giáo viên đóng vai trò trung tâm để dạy kiến thức càng nhiều càng tốt và học sinh luôn đóng vai trò bị động. Nói đơn giản hơn, học sinh sẽ được dạy tư duy để đề ra phương pháp tự tìm hiểu, tự sàng lọc và sử dụng kiến thức.
Nhìn chung, đúng với cái tên và ý nghĩa “cộng đồng”, việc xây dựng nền giáo dục cộng đồng không những cần thiết mà là bắt buộc phải có sự đóng góp và tham gia của toàn xã hội để tạo ra một môi trường học tập và giảng dạy hiệu quả nhất cho các em học sinh. Trong đó, du lịch giáo dục trên nền tảng cộng đồng theo hình thức “vừa học vừa chơi”, giúp các em giải toả căng thẳng sau những giờ học lý thuyết, đặc biệt trong mùa dịch phải học online ở nhà, từ đó phát huy khả năng tư duy, trí tưởng tượng, tích lũy các kỹ năng sống và giao lưu văn hóa.