Tiền bồi thường thiệt hại sẽ được ưu tiên thanh toán

(PLO) - Trong quá trình nghiên cứu soạn thảo Dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi, đã có đề xuất mạnh dạn xây dựng chế định quyền ưu tiên với tính chất là một mục mới trong Phần vật quyền. Đáng chú ý, tiền bồi thường thiệt hại sẽ là một trong những khoản chi phí được ưu tiên thanh toán -  một quy định chưa hề được đề cập trong Bộ luật hiện hành.
Quyền ưu tiên còn nằm rải rác
Theo bà Lê Thị Hoàng Thanh, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, thành viên Tổ biên tập Dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi, quyền ưu tiên không phải vấn đề mới trong Bộ luật Dân sự của nhiều nước trên thế giới. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, quyền ưu tiên cũng đã được thể hiện rải rác trong Bộ luật Dân sự 2005 và nhiều văn bản pháp luật thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. “Bộ luật Dân sự Việt Nam được sửa đổi, bổ sung với nhiều thay đổi về cấu trúc, trong đó quyền ưu tiên dự kiến được xây dựng tập trung với tính chất là một mục mới trong chế định vật quyền” - bà Lê Thị Hoàng Thanh cho biết.
Tổ biên tập đề xuất, xây dựng quyền ưu tiên là quyền của một chủ thể được thanh toán nghĩa vụ về tài sản trước những chủ thể có quyền khác theo quy định của Bộ luật Dân sự và luật khác có liên quan. Quyền ưu tiên được phân thành quyền ưu tiên chung và quyền ưu tiên đặc biệt. Trong đó, quyền ưu tiên chung được áp dụng đối với các tài sản của bên có nghĩa vụ; trường hợp người có nghĩa vụ có tài sản gồm cả động sản và bất động sản thì phải xử lý động sản trước, nếu không đủ thì xử lý bất động sản để thực hiện nghĩa vụ. 
Kinh nghiệm của các nước cho thấy, mục đích của việc xây dựng các quy định về quyền ưu tiên trong pháp luật dân sự là bảo đảm công bằng giữa những người có quyền; cân nhắc về chính sách xã hội; bảo hộ quyền của chủ thể có quyền thông thường và để bảo hộ những ngành nghề đặc biệt. Riêng Bộ luật Dân sự của Pháp thì liệt kê các quyền ưu tiên chung (đối với toàn bộ các tài sản là động sản của người có nghĩa vụ) và các quyền ưu tiên đặc biệt (đối với một số tài sản là động sản được xác định cụ thể của người có nghĩa vụ). 
Cần xác định thứ tự ưu tiên thanh toán
Bàn về chế định quyền ưu tiên, theo các chuyên gia luật, quyền này chỉ phát sinh khi có tranh chấp diễn ra mà các bên không thỏa thuận được. Vì vậy, không ít chuyên gia băn khoăn có nên “ép” quyền ưu tiên vào Phần vật quyền bởi quyền ưu tiên có thể được áp dụng đối với cả vật quyền và trái quyền. 
Giúp hiểu rõ hơn chế định quyền ưu tiên, Cố vấn trưởng Dự án JICA (Nhật Bản) Nishioka đưa ra ví dụ: “Tôi có một chiếc ô tô, thế chấp với ngân hàng và vẫn sử dụng, khi hỏng tôi mang đi sửa. Tôi bị phá sản, ngân hàng và người sửa xe đều muốn bán chiếc xe ô tô để thanh toán khoản tiền thế chấp với tiền sửa xe. Vấn đề đặt ra, nếu chiếc xe bán không đủ tiền thanh toán cho ngân hàng và người sửa xe thì như thế nào? Trong trường hợp này, người sửa xe chỉ đồng ý giao xe khi được thanh toán đủ tiền sửa xe và trên thực tế người sửa xe sẽ được thanh toán đủ tiền. Đây được gọi là quyền ưu tiên thanh toán trên thực tế cho người cầm giữ”. 
Để cụ thể hóa quyền ưu tiên, ngày 9/6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho rằng, cần thanh toán các nghĩa vụ về tài sản và các khoản chi phí liên quan theo thứ tự ưu tiên nhất định. Trước hết là chi phí liên quan đến bảo quản, xử lý, phân chia, thanh lý tài sản của người có nghĩa vụ, chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng. Tiếp ngay sau là tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động, bảo hiểm xã hội cho người lao động, tiền cấp dưỡng, tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất tinh thần. Rồi mới đến án phí; chi phí liên quan đến việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người có nghĩa vụ; thuế và các khoản nợ khác đối với Nhà nước; các khoản nợ khác đối với các chủ thể khác.
Nếu đề xuất trên được thông qua thì ngoài những chi phí vì lợi ích chung, trong trường hợp phát sinh tranh chấp về nghĩa vụ tài sản, những khoản chi phí liên quan đến quyền lợi của người lao động, người dân sẽ được ưu tiên thanh toán. Đây cũng chính là cách thức hiệu quả đảm bảo triển khai thi hành những quy định của Hiến pháp. 

Đọc thêm