“Sự dư thừa trống rỗng” là tiêu đề của một cuốn sách do Tim McCarthy, một ông chủ người Mỹ chấp bút. Điều đáng nói là cuốn sách này được Tim McCarthy viết như một sự đúc kết trải nghiệm của chính bản thân ông, rằng cuộc sống của những người nhiều tiền không phải lúc nào cũng vui, mà thay vào đó sự phiền muộn mới chính là bạn đồng hành của họ
Hội chứng mất niềm vui
Khi đã bước vào tuổi cần nghỉ ngơi, Tim McCarthy quyết định bán công ty tiếp thị của mình với mức giá 45 triệu đô. Những tưởng giờ đây với số tiền ấy trong tay, Tim McCarthy sẽ có cuộc đời sung sướng, vô lo. Nhưng không, trong cuốn sách “Sự dư thừa trống rỗng”, Tim cho biết sau khi có được 45 triệu USD trong tay, ông thật sự cảm thấy hoang mang.
Trong đầu ông đã xuất hiện rất nhiều câu hỏi: “Liệu mình có xứng đáng với số tiền này không? Mình sẽ dùng số tiền này đúng đắn chứ? Mình sẽ không lãng phí chứ?”. Suốt những năm đi làm, Tim đã từng nghĩ rằng mình hẳn sẽ hạnh phúc lắm khi có gia tài vài chục tỷ đô như vậy nhưng khi nó xảy ra thì ông không cảm nhận được niềm vui.
Tim đã suy nghĩ xem mình sẽ làm gì với số tiền này. Mua một chiếc du thuyền khổng lồ? Không, chẳng mấy khi ông dùng đến và một chiếc du thuyền như thế lại cần có cả một đội nhân công để bảo trì và chuẩn bị cho những chuyến đi, kể cả những chuyến đi ngắn.
Mua thêm một ngôi nhà tại Pháp? Không, ông đã có một ngôi nhà rất đẹp rồi. Mua một chiếc xe siêu sang? Không, ông lo nó sẽ bị hỏng hay bị lấy cắp bất cứ lúc nào.
Cuộc sống hiện tại của ông quá đủ đầy, thậm chí là giấc mơ của rất nhiều người. Ông sống trong một ngôi nhà xinh đẹp nằm bên hồ. Ông lái một chiếc Cadillac và ghé thăm các con cháu bất cứ khi khi nào muốn.
Ông đưa con gái đi mua sắm để chúc mừng cô tìm được việc mới và tặng cho con 4 bộ đồ hàng hiệu. Ông thường cùng vợ con ra nước ngoài du lịch, thăm người thân. Nhưng cảm giác ở lại cuối cùng chính là sự chán chường, trống rỗng cứ mãi đeo đẳng ông.
Đó là chưa nói đến phát hiện của Tim McCarthy về chính bản thân mình và các đồng nghiệp về triệu chứng có tên gọi là “đánh mất niềm vui”. Số là, sau khi bán công ty tiếp thị của mình, Tim McCarthy đã đóng góp 8 triệu USD vào thuế của Chính phủ và ông cũng chi 8 triệu USD để chia cho các nhân viên đắc lực đã cống hiến cho công ty.
Thậm chí, ông còn mời các quản lý cấp cao tham gia một chuyến dạo chơi bằng du thuyền ở New York, tặng vé cao cấp nhất cho họ ở Broadway, đưa thẻ tín dụng để họ mua sắm thoải mái ở Tiffany’s. Nhưng những gì ông nhận lại thì chẳng có ai hạnh phúc, hài lòng như ông mong đợi. Cả chuyến đi họ dành để cãi cọ, than thở và phàn nàn.
Ông chia sẻ: “Những người xung quanh tôi đều tỏ vẻ cáu kỉnh, còn tôi thì cảm thấy thất vọng. Nhưng tôi cũng không hiểu tại sao”. Trong khi đó theo ông biết công ty cũ của ông đang trên đà phát triển lớn hơn và mọi thứ dường như đều trên đà tốt hơn dưới sự chỉ huy của lãnh đạo mới và điều này đồng nghĩa với việc các nhân viên cũ của ông sẽ tiếp tục có cơ hội tốt hơn.
Và cuối cùng, Tim McCarthy đã tìm ra câu trả lời rằng: cả ông và những người đồng nghiệp, bạn bè giàu có của mình đang mắc hội chứng mất niềm vui. Đó là triệu chứng con người không cảm thấy vui từ các hoạt động mà vốn họ vẫn hứng thú.
Tiền nhiều có mang lại hạnh phúc?
Câu hỏi này xưa như trái đất, nhưng câu trả lời của nó thì luôn mới mẻ bởi giá trị sống của mỗi thời kỳ là khác nhau. Ở giai đoạn hiện nay, tài chính là vấn đề cấp bách có ảnh huởng nghiêm trọng đến hạnh phúc của tất cả chúng ta.
Tờ báo Los Angeles Times đã khảo sát và đưa ra nhận định: Có tới 70% người Mỹ nói rằng: “Họ bị nợ nần quá nhiều và điều đó ảnh hưởng rất lớn đến không khí căng thẳng trong gia đình” và đó cũng là nguyên nhân của sự đổ vỡ trong các gia đình trung lưu; Tiền bạc là nguyên nhân số một cho những xung đột của các cặp vợ chồng mới cưới; Người thất nghiệp có hành vi bạo lực cao gấp 6 lần người bình thường; Sự căng thẳng trong vấn đề tài chính, bắt nguồn từ sự thất nghiệp, sẽ làm tăng tâm trạng chán nản thất vọng trong gia đình và đồng thời tác động xấu đến những mối quan hệ khác; Thất nghiệp có thể gây ảnh huởng xấu đến tình trạng sức khỏe của vợ hoặc chồng và tất nhiên những thành viên còn lại cũng khó tránh khỏi tác động xấu đó; Người vợ sẽ bị stress nặng hơn khi chồng của họ bị thất nghiệp...
Cần tiền và tiền là quan trọng, nhưng đã sống qua thì ai cũng hiểu tiền có thể mua được một ngôi nhà nhưng không thể mua được một tổ ấm; tiền có thể mua một chiếc giường nhưng không thể mua một giấc ngủ; tiền có thể mua được một chiếc đồng hồ nhưng không thể mua được thời gian; tiền có thể mua đuợc một cuốn sách nhưng không thể mua được kiến thức; tiền có thể mua được máu, được thuốc nhưng không thể mua đuợc sức khỏe; tiền có thể mua được người bạn thương cảm nhưng không thể mua được tình yêu của người ấy; tiền có thể mua được bảo hiểm nhưng không thể mua được sự an toàn.
Như vậy, tiền có thể mua được tất cả những gì thuộc về vật chất nhưng có những thứ tiền không thể mua được. Đó là những giá trị thuộc về tinh thần. Có nhiều người nghĩ rằng, tiền sẽ tạo ra cơm no, áo ấm, của cải vật chất và cho họ một cuộc sống thật sự trọn vẹn. Thật ra những điều ấy cho ta thấy rằng tiền bạc chỉ là một chất xúc tác giúp ta tạo ra hạnh phúc.
Việc một cá nhân có thật sự hạnh phúc hay không khi có tiền phụ thuộc vào cách mà cá nhân ấy kiếm tiền như thế nào, cách cá nhân đó dùng tiền trong cuộc sống của mình ra sao, và có thật sự hiểu đúng được giá trị đích thực của đồng tiền hay không.
Tiền nhiều để tự tạo ra hạnh phúc cho người, cho mình
Quay lại với câu chuyện của Tim McCarthy. Sau khi nhận thấy cuộc sống của mình quá đỗi chán nản thì ông đã dành nhiều thời gian hơn để thấu hiểu bản thân mình cũng như những người xung quanh. Trong hành trình ấy, ông đã gặp được ba người đã khiến ông thật sự có cái nhìn khác về cuộc đời. Một người là giáo viên cả tuần luôn phải mệt nhoài với các em học sinh, nhưng vẫn say mê tham gia tình nguyện ở trường học dành cho những em có hoàn cảnh đặc biệt vào cuối tuần.
Một người là giám đốc kiếm được 150.000 USD/năm nhưng lại chấp nhận ngồi trên một chiếc tàu đi tình nguyện mà anh phải mất tới 5h mỗi tuần và một số tiền đáng kể để di chuyển tới địa điểm đó. Một người là bạn của vợ ông tuy bận rộn với công việc lau dọn mỗi ngày nhưng sẵn sàng nhường nơi ở cho những người già neo đơn vô gia cư.
Với Tim, đó là ba người hạnh phúc nhất mà ông biết trong khi những người bạn giàu có của ông lại hoàn toàn không tìm được niềm vui sau quá trình theo đuổi con đường công danh, tiền bạc. Từ đó, ông quyết định chọn chỉ theo đuổi những gì mình cảm thấy quan trọng: dùng tiền để làm những điều hữu ích cho đời, giúp đỡ những người khác, xây dựng các mối quan hệ thân thiết thực sự và trải nghiệm cuộc sống trong từng phút giây...
Trải nghiệm này của Tim McCarthy cũng phù hợp với nghiên cứu của Đại học California, Berkeley. Nghiên cứu đó chỉ ra rằng sự giàu có và hạnh phúc không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau. Nghiên cứu đưa cho những người tham gia mỗi người 10 USD và gợi ý là nên dùng số tiền ấy đóng góp cho người khác.
Kết quả là những người giàu có chỉ đóng góp 40% số tiền được đưa vì sự giàu có dường như làm người ta ít hào phóng hơn. Càng giàu có thì họ càng hẹp hòi, bằng cách hạ thấp những người nghèo hơn mình và cho rằng mình ở vị trí áp đảo hơn.. Người giàu có thường cô độc hơn và chính vì thế, họ cũng thường cảm thấy không hạnh phúc.
Có nhiều tiền không hẳn đã là hạnh phúc, nhưng việc một cá nhân mang tiền giúp đỡ cho người khác khi họ thật sự cần sự giúp đỡ thì cá nhân đó đã mang lại hạnh phúc cho người khác. Vì vậy, nếu bạn có hỏi tôi rằng tiền có thể mua được hạnh phúc hay không thì theo tôi, tiền không bao giờ có thể mua được hạnh phúc. Nhưng tiền có thể giúp chúng ta tự tạo ra hạnh phúc, nếu biết cách sử dụng đồng tiền của mình vào những điều tốt đẹp nhất với những tấm lòng chân thật nhất.