Tiến độ… trăm năm

(PLVN) - “TP HCM, Hà Nội muốn hoàn thành 8 - 9 tuyến metro phải mất 100 năm nữa nếu vẫn theo cách cũ”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT nói tại Hội nghị do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì mới đây, với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, 6 tỉnh, thành trong khu vực gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh.
Ảnh minh họa

TP HCM được quy hoạch 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất (hoặc đường sắt 1 ray) tổng chiều dài khoảng 220km, vốn đầu tư ước tính gần 25 tỷ USD. Hiện, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương) tổng chiều dài hơn 30km đã được triển khai từ vốn ODA theo cơ chế cấp phát từ ngân sách trung ương. Các tuyến còn lại chưa được đầu tư.

Riêng tuyến số 1 dài gần 20km kết nối phía Đông TP HCM với khu trung tâm đã trễ hẹn 5 năm. Trong đó, nguyên nhân chính là dự án liên tục gặp khó khăn về nguồn vốn, khiến công trình lâm vào cảnh “giật gấu vá vai” thời gian dài. Để duy trì dự án, TP nhiều lần tạm ứng ngân sách thanh toán cho nhà thầu, nhân viên... Thậm chí, cuối năm 2018, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã gửi văn bản đến lãnh đạo TP HCM cảnh báo nguy cơ dự án phải ngừng thi công.

Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, 16 năm qua TP HCM chưa làm xong 20km thuộc tuyến Metro số 1, trong khi tuyến số 2 vẫn đang loay hoay giải phóng mặt bằng. Tiến độ này là quá chậm nên TP cần giải pháp sớm hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị. “TP cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế được vay khoản tiền khoảng 20 tỷ USD để sớm xây dựng, hoàn thành đồng bộ các tuyến metro còn lại”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng nếu có thể huy động được nguồn lực, khai thác các nguồn lực mới, cơ hội mới, sẽ là đòn bẩy đẩy nhanh tiến trình đầu tư, thúc đẩy liên vùng cùng phát triển.

So sánh từ việc đầu tư hạ tầng tại Trung Quốc, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho hay các năm 1997 - 1998 quốc gia này chỉ có khoảng 10.000km cao tốc, sau 20 năm đã phát triển lên 168.000km, trong tốp đầu thế giới. Kết quả này đạt được do thực hiện nhiều giải pháp bao gồm cả chính sách quản lý cũng như tìm kiếm nguồn lực.

Song song đó, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng cho rằng TP HCM cần mở rộng thêm không gian phát triển bằng cách kéo dài mạng lưới đường sắt đô thị sang các địa phương lân cận trong vùng, để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư. Việc này cũng góp phần quan trọng phát triển các đô thị vệ tinh, tận dụng không gian ngầm cũng như phát triển đô thị gắn với giao thông (mô hình TOD).

Đánh giá của lãnh đạo Bộ KH&ĐT như trên là hoàn toàn đúng. Nhưng thực tế nhiều năm qua cho thấy, các địa phương cũng có một số vấn đề rất khó thực hiện nếu như thực sự không có cơ sở pháp lý rõ ràng, cơ chế rõ ràng và đột phá. Chính vì vậy, tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để thúc đẩy phát triển Đông Nam Bộ, ngoài cơ chế chính sách đặc thù cho TP HCM theo Nghị quyết 98, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế đột phá cho toàn vùng tập trung vào một số lĩnh vực theo đề xuất các bộ, ngành và địa phương. “Đã đột phá thì phải có cơ chế ưu tiên mới làm được”, Thủ tướng chỉ rõ nếu khó khăn về tài chính, không có tiền thì phải xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để huy động được nguồn lực.

Vùng Đông Nam Bộ xưa nay được xem là vùng kinh tế năng động nhất nước, đóng góp hơn 30% GDP, khoảng 45% tổng thu ngân sách theo thống kê năm 2021. Nếu được cơ chế đặc thù phát triển, nhất định khu vực này còn nhiều đóng góp hơn nữa và sẽ không còn tình trạng dự án nguy cơ trăm năm như trong quá khứ.

Đọc thêm