Tiền Giang: Vì đâu dân đi “kiện” UBND tỉnh?

(PLVN) - Từ năm 1985, phần đất của gia đình ông Ngô Tấn Lâm – ngụ tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang – bị trưng dụng cho  Công ty Thương Nghiệp Cai Lậy xây dựng nhà máy sấy chuối và cơ sở ép dầu dừa xuất khẩu. Sau vài năm, công ty này bị giải thể, nhưng ông Lâm vẫn không được nhận lại đất. Hành trình xin lại đất của gia đình ông Lâm cũng bắt đầu từ đó.

Tiền Giang: Vì đâu dân đi “kiện” UBND tỉnh?

Đất bị “lãng phí” nhiều năm trời

Năm 1985, diện tích 4.000m2 đất của gia đình Ông Ngô Tấn Lâm ngụ ấp Bình Thanh, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang bị trưng dụng để cho Công ty Thương nghiệp Cai Lậy xây dựng nhà máy sấy chuối và cơ sở ép dầu dừa xuất khẩu. Thế nhưng, Công ty này chỉ sử dụng một diện tích nhỏ để làm điểm thu mua chế biến nông sản. Vài năm sau, cơ sở bị giải thể nhưng gia đình ông Lâm vẫn không được trả lại đất. Sau nhiều lần gõ cửa khắp các cơ quan chính quyền, năm 1997 UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định số 2979 cho biết phần đất đã thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Công ty.

Ông Ngô Tấn Lâm cho biết, “UBND cùng lực lượng xuống chặt cây hết của tôi, chặt hết toàn bộ, trong khi lúc đó cây sầu riêng là đặc sản. Tôi kiện UBND tỉnh về vấn đề huỷ hoại tài sản của dân. Cuối cùng UBND thành lập hội đồng định giá tài sản phần đất của tôi, đền bù cho tôi 12 ngàn đồng, UBND tự chặt cây tôi chứ không thương lượng. Tôi còn có cả giấy bồi thường hoa màu ở đây.”

Thời gian sau đó phần đất tiếp tục bị bỏ hoang, cho đến năm 2000 thì được giao cho Huyện ủy Cai Lậy để xây dựng kho và bến đậu tàu. Thế nhưng một lần nữa kho và bến đậu của tàu thì không thấy đâu, chỉ thấy biệt thự và một số hạng mục khác lần lượt được xây dựng lên để làm kho chứa xăng dầu của một doanh nghiệp khác.

Sau đó, chủ doanh nghiệp này bị phạt tù vì chứa xăng dầu lậu. Phần đất lại tiếp tục “trống không” và chủ đất thì không được sử dụng. Có thể thấy, hết lần này đến lần khác phần đất trên đều không được sử dụng triệt để, đúng mục đích được giao, không chỉ gây lãng phí nghiêm trọng mà vô tình còn tạo điều kiện cho hoạt động buôn lậu. Liệu rằng việc “trưng dụng” đất này có đúng theo quy định của pháp luật?

Thêm một điều vô lý ở đây là suốt nhiều năm trời ông Lâm chỉ nhìn đất của mình được “ngang nhiên” sử dụng sai mục đích trưng dụng ban đầu, không một ngày được sử dụng nhưng ông Lâm vẫn phải đóng thuế đất cho nhà nước. Nếu ở Quyết định 2979 UBND Tỉnh cho rằng đất này thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Doanh nghiệp vậy việc vẫn bắt dân đóng thuế thì lý là do đâu?

Thay đổi như trở bàn tay

Năm 2014, ông Lâm khởi kiện Quyết định 2979 của UBND tỉnh Tiền Giang ra Tòa án tỉnh Tiền Giang. Tại buổi đối thoại, bên bị kiện là UBND Tỉnh đã đồng ý rút toàn bộ Quyết định 2979 để ra quyết định mới phù hợp quy định của pháp luật, cũng theo đó ông Lâm đồng ý rút đơn khởi kiện. Vụ án này được đình chỉ giải quyết từ ngày 03/06/2014. Án đã có hiệu lực, tuy nhiên mãi đến tận bây giờ ông Lâm vẫn đem đơn đi cầu cứu khắp nơi để yêu cầu thực hiện điều mà Ủy ban tỉnh đã đồng ý.

Trong khi vẫn chờ UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện điều mà cả hai bên đã thống nhất thì cuối năm 2015, UBND tỉnh Tiền Giang lại ra Công văn số 4800 theo đó cho biết ông Lâm đã nhận tiền bồi hoàn thành quả lao động đối với phần đất tranh chấp nên việc ông đòi lại là không hợp lý. Tại sao đất trưng dụng, hết mục đích trưng dụng nhưng không giao trả và cũng không được phép đòi lại? Vậy đất của ông Lâm cuối cùng bị trưng dụng hay bị thu hồi?

Không những thế, theo công văn này cho biết: Quyết định 2979 là quyết định lần hai nên theo quy định thì UBND tỉnh không có thẩm quyền tự xem xét lại.

Vấn đề được đặt ra ở đây: UBND tỉnh cho rằng mình “không có thẩm quyền tự xem xét lại” nhưng trước đó lại đồng ý rút toàn bộ quyết định, phải chăng điều này là quá vô lý? Hình như UBND tỉnh đang phân định sự khác biệt về “quyết định” và “thực hiện quyết định”, nếu không thực hiện được quyết định này, lại ra một công văn bất nhất khác? Đi đôi với quyền thì trách nhiệm của UBND tỉnh Tiền Giang là ở đâu? Không thể đồng ý một đường nhưng lại làm một nẻo.

Suốt nhiều năm qua, Ông Lâm đã tốn không ít thời gian và công sức gửi nhiều đơn vượt cấp đến cả Văn Phòng Chính Phủ và Uỷ ban Pháp luật của Quốc Hội để yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang phải thi hành quyết định của Tòa, trả lại đất cho gia đình ông theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, đến nay vụ việc vẫn chưa có tiến triển khả quan vì ở đâu cũng vẫn còn  “im hơi lặng tiếng”.

Đọc thêm