Tiền nhiều để làm gì?

(PLVN) - Những ngày gần đây, cuộc ly hôn ồn ào giữa vợ chồng đại gia phố núi tốn nhiều giấy mực của báo giới và dư luận. Nhiều câu nói "gây bão" , đặc biệt là khi nói về cuộc hôn nhân đã gắn bó gần 20 năm
Hình minh họa
Hình minh họa

Đối với việc cấp dưỡng nuôi con, bà vợ yêu cầu ông chồng để cho mỗi người con 5% cổ phần của ông tại doanh nghiệp: "Em khẩn nguyện anh cho các con được gìn giữ sản nghiệp của gia đình và kế thừa phát triển tâm huyết của ba mẹ". "Ở đây không có ai vì tiền. Không ai đụng đến tiền. 20 năm nay, số tiền nó lớn lắm. Các ngân hàng chỉ ra trong đây chỉ là bề nổi mà thôi, không phải là bề chìm. Bao nhiêu năm nay tôi không còn quan tâm đến chuyện tiền bạc. Tiền nhiều để làm gì để bây giờ phải ngồi như thế này, ra tòa như thế này..", đáp lại khẩn cầu của người vợ từng “má ấp tay kề” mắt ông chồng vằn lửa.

Tiền nhiều để làm gì?

Cũng trong mấy ngày vừa qua, ngay chiều thứ 7, dư luận “rúng động” với tin: Khởi tố, bắt tạm giam để điều tra đối với 2 quan chức cấp cao, từng là Bộ trưởng; một người “cựu”, một người “nguyên” về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 2015. Không có ai công bố chuyện “tiền” sau tội danh này, nhưng chắc chắn cũng vì tiền, không phải cho “hạn chế về năng lực nhận thức”, điều mà các quan chức phải hầu tòa với nhóm tội tham nhũng không một ai quên câu này.

Tiền rất quan trọng, nhưng thái độ đối với đồng tiền còn quan trọng hơn. Điều đó không chỉ hình thành nên một sự nghiệp, mà nó còn hình thành nên cả một nhân cách của mỗi con người. Tiền là tài sản, người ít tiền có nghĩa ít tài sản, nhiều tiền nghĩa là nhiều tài sản. Với người thông minh, có “văn hóa tiền” từ đồng tiền có được có thể dùng để sáng tạo nhiều của cải hơn, từ đó đem đến cho mình sự tự do lớn hơn.

Đáng tiếc, xã hội ngày nay, xã hội thực dụng, nhiều người dường như trở thành “nô lệ” của đồng tiền. Không phải ai cũng nhận ra mục đích và số phận của mỗi người là khác nhau. Cuộc sống của người giàu ám ảnh người nghèo, người có biệt thự, trang trại ám ảnh người ở nhà chung cư… Cộng đồng tôn thờ vật chất, “giàu đổi bạn, sang đổi vợ”... 

Không ai để ý rằng, một người đi chiếc xe đạp điện 6 triệu, nhưng họ có thể có 60 triệu gửi ngân hàng. Họ sống một cuộc sống an nhàn. Người đi xe đạp điện ngưỡng mộ người có xe Hyundai, người có Hyundai ngưỡng mộ người có Mercedes-Benz, người có Mercedes-Benz lại mong muốn có được cuộc sống như người đi xe đạp điện. Vì ai biết có thể người lái chiếc xe Mercedes-Benz giá 4 tỷ, nhưng họ có thể vay ngân hàng tới 20 tỷ, cuộc sống của họ thực sự đang rất khốn đốn. Một người đi chiếc xe Hyundai 500 triệu, nhưng họ có thể đang nợ ngân hàng tới 2 tỷ đồng, cũng đang ở trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng về nợ nần.

Tiền nhiều để làm gì? Nếu con người biến thành “nô lệ” của ham muốn!

Đọc thêm