Hy vọng với Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7 tới đây sẽ khắc phục triệt để được tình trạng này.
Trước Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, lĩnh vực bán đấu giá được điều chỉnh bởi Nghị định số 05/2005/NĐ-CP. Với những quy định hết sức thông thoáng của Nghị định 05, nhiều tư nhân đã “bung” ra lập doanh nghiệp bán đấu giá, “phấn đấu” được cấp thẻ đấu giá viên dù họ không hành nghề đấu giá chuyên nghiệp. Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, tại thời điểm cuối năm 2010, trong cả nước có hơn 100 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản (BĐGTS), tập trung chủ yếu ở một số thành phố lớn: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng... Một số địa phương có 2 doanh nghiệp, còn lại chủ yếu 1 doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong số này chỉ có 6 doanh nghiệp BĐGTS chuyên nghiệp, số còn lại là các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, tính chuyên nghiệp chưa cao.
Còn sau 04 năm thi hành Nghị định 17, việc xã hội hóa hoạt động đấu giá tài sản bước đầu có kết quả với sự ra đời 190 doanh nghiệp đấu giá tài sản. Tính đến ngày 31/12/2014 cả nước có 619 đấu giá viên đang làm việc tại các tổ chức đấu giá trong tổng số 1.259 người được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá, 63 Trung tâm dịch vụ BĐGTS được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, hoạt động của nhiều doanh nghiệp đấu giá thiếu tính chuyên nghiệp, còn tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, vi phạm pháp luật về BĐGTS…
Bên cạnh đó, trước đây, việc cấp thẻ đấu giá theo Nghị định 05 là khá đơn giản (có bằng tốt nghiệp đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành học từ hai năm trở lên; có phẩm chất đạo đức tốt; không phải là người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự…) nên dẫn đến tình trạng cấp tràn lan, ồ ạt. Nghị định 17/2010/NĐ-CP cơ bản đã khắc phục tình trạng này với quy định muốn cấp thẻ phải đáp ứng những yêu cầu cao hơn. Nhưng lại có một quy định khác nảy sinh bất cập là doanh nghiệp đấu giá chuyên nghiệp có thể cấp thẻ đấu giá viên cho đấu giá viên để sử dụng. Quy định “tự mình cấp thẻ cho mình” theo nhiều đấu giá viên là chưa phù hợp, dẫn đến sự dễ dãi, tùy tiện.
Đơn cử, cuối năm 2011, một công dân trú tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam đã đứng tên “tố” một Giám đốc Công ty tư vấn tài chính trên địa bàn về “tội” ông này không phải là đấu giá viên, không đủ tư cách chủ thể nhận ủy quyền BĐGTS nhưng đã ký hợp đồng nhận ủy quyền bán hàng trăm tài sản gây thiệt hại cho Nhà nước và công dân.
Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam sau đó đã vào cuộc và có kết luận nội dung tố cáo là có cơ sở. Theo đó, thời gian từ ngày 1/7/2010 đến ngày 15/9/2011, ông T. (tên người bị tố cáo) là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp BĐGTS nhưng không phải là đấu giá viên, không đủ tư cách chủ thể tham gia các giao dịch dân sự về BĐGTS mà vẫn BĐGTS là trái quy định của pháp luật (Nghị định 17 quy định: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp BĐGTS phải là đấu giá viên).
Có lẽ, vụ việc ở Quảng Nam không phải là hy hữu vì kể từ khi xã hội hóa, doanh nghiệp BĐGTS đua nhau mọc lên như “nấm sau mưa” song tính chuyên nghiệp không cao như phản ánh ở trên. Điều đáng nói là có những đấu giá viên của doanh nghiệp BĐG thừa nhận họ chưa bao giờ đi làm đấu giá mà chỉ nhận thẻ… cho oai, hoặc phục vụ những mục đích khác. Thậm chí, dư luận cũng có đợt ồn ào về thông tin có đấu giá viên còn cho thuê cả thẻ hành nghề.
Tăng cường quản lý đối với các tổ chức hành nghề đấu giá, Luật Đấu giá tài sản đã có những quy định chặt chẽ để việc cấp thẻ đấu giá đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, hạn chế tình trạng đấu giá viên dùng “danh” của mình vào những việc làm bất minh.
Theo đó, sau khi được Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, người có chứng chỉ hành nghề đấu giá được Sở Tư pháp cấp thẻ đấu giá viên theo đề nghị của tổ chức đấu giá tài sản nơi người đó hành nghề. Tổ chức đấu giá tài sản có nghĩa vụ báo cáo Sở Tư pháp nơi tổ chức có trụ sở danh sách đấu giá viên đang hành nghề, người tập sự hành nghề đấu giá tại tổ chức; báo cáo Sở Tư pháp nơi tổ chức có trụ sở về tổ chức, hoạt động hàng năm hoặc trong trường hợp đột xuất theo yêu cầu; đối với doanh nghiệp có chi nhánh thì còn phải báo cáo Sở Tư pháp nơi chi nhánh của doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Mục đích của quy định này để Sở Tư pháp nắm thông tin đầy đủ về các đấu giá viên hành nghề tại địa phương, siết chặt hơn công tác quản lý Nhà nước.