Tiếng kêu cứu của một cô giáo về hưu

Về hưu sau hơn 33 năm cống hiến cho ngành giáo dục, cô giáo Lê Thị Hiếu ngụ tại 261/1 Phan Đình Phùng, TP Đà Lạt nhiều năm qua phải cầm đơn khiếu nại việc bị thu hồi nhà đất thiếu trái pháp luật …

Về hưu sau hơn 33 năm cống hiến cho ngành giáo dục, cô giáo Lê Thị Hiếu ngụ tại 261/1 Phan Đình Phùng, TP Đà Lạt nhiều năm qua phải cầm đơn khiếu nại việc bị thu hồi nhà đất thiếu trái pháp luật.

Theo các tài liệu, năm 1936, ông Nguyễn Hữu Má mua đấu giá 3 lô đất thổ cư rộng 1.642m2 do chính quyền chế độ cũ bán, có đủ giấy tờ. Năm 1955, được chính quyền cho phép, ông Má nhượng cho bà Võ Thị Sâm. Năm 1968, bà Sâm bán lại diện tích trên cho bà Phạm Thị Nghị (mẹ chồng cô Hiếu), được chính quyền chế độ cũ chứng thực, cho sang tên trước bạ thổ trạch (đất ở). Mấy chục năm qua, gia đình cô Hiếu nộp thuế nhà đất đầy đủ, trong biên lai thu thuế ghi rõ “Thuế thổ trạch”.

Năm 1995, bà Nghị lập di chúc có công chứng chia nhà đất nói trên cho các con, trong đó vợ chồng cô Hiếu được chia một lô đất để làm nhà ở. Như vậy, nguồn gốc đất của gia đình cô Hiếu là đất ở hợp pháp nằm trong khu dân cư, được công nhận theo Điều 50 Luật Đất đai 2003.

Thế nhưng, đột nhiên gia đình cô Hiếu bị thu hồi nhà đất. Dựa vào nội dung trong bản đồ địa chính được đo vẽ năm 1996 và sổ mục kê của UBND phường 2 ghi đất của gia đình cô Hiếu là “đất màu”, cán bộ đền bù, giải tỏa liền “tham mưu” cho UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số 133 ngày 20/1/2005 thu hồi đất bổ sung giao cho UBND TP Đà Lạt quản lý để triển khai quy hoạch chi tiết khu dân cư Hai Bà Trưng- Phan Đình Phùng, trong đó có 337,75m2 đất ở thuộc thửa 55, tờ bản đồ số 10, phường 2 của gia đình cô Hiếu.

Ngày 30/8/2007, UBND tỉnh ra QĐ số 2195 phê duyệt bồi thường cho gia đình cô Hiếu 245.696.000đ; trong đó có 200m2 được bồi thường theo giá đất ở tỉ lệ 49%, 137,75m2 bồi thường theo giá đất nông nghiệp liền kề, 34,83m2 nhà cấp 4 hạng B; đồng thời tái định cư cho gia đình cô Hiếu gồm 3 thế hệ 1 lô đất ở.

Trong khi đó, những hộ có cùng nguồn gốc đất nằm tiếp giáp nhà cô Hiếu, cùng có tên trong QĐ thu hồi đất với gia đình cô Hiếu như hộ Nguyễn Thị Ngọc Trâm bị thu hồi 939m2 lại được bồi thường 100% đất ở và được bố trí tái định cư tại chỗ 8 lô đất xây dựng nhà liên kế tổng diện tích 644,38m2. Ông Lê Ích Đà bị thu hồi 3.277,88m2, sau đó được cơ quan chức năng trả lại toàn bộ diện tích đất nói trên.

Gia đình cô Hiếu khiếu nại, ngày 21/12/2010 Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Trần Đình Văn ra QĐ số 4832 “Không chấp nhận”. Ngày 23/3/2011, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hoàng Sĩ Sơn ra QĐ số 693 cho rằng: “Theo biên bản kiểm định, đo đạc ngày 20/1/2006 của Ban đền bù giải phóng mặt bằng TP Đà Lạt thì diện tích đất thu hồi của bà Hiếu là 337,75m2, còn 21,8 m2 nằm ngoài ranh giới thu hồi không tính toán bồi thường. Như vậy về mặt pháp lý thì diện tích đất của gia đình bà Hiếu sử dụng là đất sản xuất nông nghiệp. Không chấp nhận khiếu nại của bà Hiếu”.

Cô Hiếu tiếp tục khiếu nại, ngày 7/5/2011, Thanh tra Chính phủ có văn bản hướng dẫn cô đến UBND TP Đà Lạt và UBND tỉnh Lâm Đồng để được giải quyết. Nhưng rồi “đâu vẫn hoàn đó”, trong khi ấy, cán bộ liên tục giục “Cứ lên nhận tiền đền bù và nhận 1 lô đất tái định cư đi rồi khiếu nại sau cũng được!”

Dư luận cho rằng, việc thu hồi và đền bù nhà đất đối với gia đình cô Hiếu không những trái với Luật Đất đai, Nghị định 197, Nghị định 69 của Chính phủ về đền bù, giải tỏa mà còn thể hiện sự bất công, cách hành xử tùy tiện của một số cán bộ địa phương. Thiết nghĩ, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt cần sớm xem xét và giải quyết đúng pháp luật tránh khiếu kiện kéo dài.

Phúc Ân



 

Đọc thêm