Tiếng kêu cứu trên “thủ phủ” chè Tây Nguyên

(PLO) - Những ngày đầu tháng 11/2015, trở lại thăm “thủ phủ” trồng chè nổi tiếng của Tây Nguyên là Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Cầu Đất (Lâm Đồng), đi đến đâu chúng tôi cũng nghe tiếng thở dài, lời than vãn của nông dân và doanh nghiệp chế biến chè xuất khẩu…
Tỉnh Lâm Đồng sẽ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấm việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa chất Fipronil để bón cho cây chè
Thực trạng ảm đạm
Lâm Đồng hiện có 21.961ha chè, trong đó có 5.635ha cao cấp được phân bổ tại 11 huyện, thành phố trong tỉnh, tập trung chủ yếu ở Bảo Lâm, Bảo Lộc, Di Linh và Cầu Đất. Diện tích cho thu hoạch lên tới 20.524ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm ước đạt 230.000 tấn. 
Tuy nhiên, trong mấy năm trở lại đây, sản lượng chè xuất khẩu đã giảm liên tục. Cụ thể năm 2010 Lâm Đồng xuất khẩu 13.691 tấn, thu về 29,632 triệu USD, đến năm 2014 lượng chè xuất khẩu chỉ còn 1.173 tấn với giá trị xuất khẩu hơn 2,660 triệu USD.
Bước sang năm 2015, ngành chè Lâm Đồng lâm vào cảnh điêu đứng thực sự. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh còn có khoảng 5.000 tấn chè các loại bị tồn kho; trong đó, có 2.500 tấn chè đen, còn lại là chè xanh và chè Ô Long. Trước tình hình này, 9 doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè xanh và chè đen đã ngừng hoạt động. 
Riêng đối với chè Ô Long, hiện các doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng. Do khó khăn đó, buộc các doanh nghiệp phải hạ giá thu mua chè nguyên liệu xuống từ 5 - 10% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giá chè Ô Long búp tươi giảm xuống mạnh, chỉ còn từ 15 – 17.000 đồng/kg (năm 2014 là 20 - 24 ngàn đồng/kg).
Đâu là nguyên nhân?
Theo ông Đoàn Trọng Phương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, do thị trường chè thế giới những năm qua có nhiều biến động, một mặt Trung Quốc tăng diện tích sản lượng và đẩy mạnh xuất khẩu, mặt khác thị trường truyền thống của ngành chè ở Trung Đông luôn có biến cố, vì vậy giá bán có phần sụt giảm. 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chỉ ra thêm một nguyên nhân quan trọng khác, đó là một số quốc gia, vùng lãnh thổ tăng cường áp dụng các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước. Riêng các doanh nghiệp xuất khẩu chè tại Lâm Đồng bị tồn đọng hơn 2.000 tấn chè Ô Long thành phẩm vì từ cuối năm 2014, các doanh nghiệp Đài Loan tự đưa ra tiêu chuẩn về hoạt chất fibronil trên chè Ô Long chỉ ở mức 0,002ppm, cao gấp nhiều lần mức chung của thị trường châu Âu và các thị trường khác (0,005ppm) nhằm hạn chế đến mức tối đa lượng chè Ô Long Lâm Đồng vào thị trường này. 
Đó là chưa nói việc một vài cơ quan truyền thông đưa tin thất thiệt chè Lâm Đồng nhiễm chất độc dioxin. Hậu quả là hiện nay trong số 28 doanh nghiệp Đài Loan đầu tư trồng chè tại Lâm Đồng đã có ít nhất 2 doanh nghiệp bị phá sản, người trồng chè lao đao. 
Ông Teng Chao Chuan (Đặng Triệu Toàn), Trưởng Thư ký Chi hội Thương mại Chè Đài Loan tại Việt Nam giải thích: Sản phẩm chè Ô Long sản xuất tại Việt Nam khi xuất qua thị trường Đài Loan phải qua 3 lần kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nghiêm ngặt, gồm: Công ty trực tiếp thu mua, Hải quan Đài Loan và khách hàng nhập khẩu chè tại Đài Loan. 
Trong khi ở Đài Loan đã cấm sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa chất Fipronil để bón cho cây trồng (trong đó có cây chè) thì Việt Nam vẫn chưa loại khỏi danh sách được phép sử dụng. Vì vậy, trong khi chờ đợi câu trả lời từ các cơ quan có thẩm quyền về biện pháp để hạn chế dư lượng thuốc có trong sản phẩm chè, buộc các doanh nghiệp Đài Loan phải dừng việc thu mua nguyên liệu chè Ô Long của người dân.  
Đi tìm giải pháp
Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, để giải quyết khó khăn trước mắt và lâu dài cho sản phẩm chè Ô Long, Lâm Đồng cần đặc biệt quan tâm, định hướng để người sản xuất chè tuân thủ các quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu chè Ô Long ra nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là thị trường châu Âu. 
Theo ông Teng Chao Chuan, ngoài việc đảm bảo chất lượng sản phẩm chè Ô Long không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt quy định thì việc tuyên truyền, thuyết phục để phía đối tác Đài Loan hiểu về chất lượng của sản phẩm chè Ô Long Việt Nam cũng cần được thực hiện sâu rộng. 
Vấn đề này đã được Chi hội Thương mại Chè Đài Loan tiến hành nhiều lần, nhưng đến nay hiệu quả chưa cao. Nếu điều này không được giải quyết sớm, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè Ô Long Đài Loan tại Việt Nam sẽ tiếp tục gặp nhiều trở ngại.
Trước tình hình đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S kết luận: Để tháo gỡ những khó khăn trước mắt, tỉnh Lâm Đồng sẽ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấm việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa chất Fipronil để bón cho cây chè. 
Đồng thời, các ngành chức năng và các địa phương cần có biện pháp tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức và sản xuất chè theo hướng an toàn; cần tăng cường đầu tư cơ giới vào sản xuất chè (nhất là việc thu hái) nhằm giảm chi phí công lao động; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm chè. 
Riêng đối với chè Ô Long, hiện thị trường tiêu thụ quá nhỏ hẹp (95% sản phẩm xuất khẩu qua Đài Loan), nên cần phải mở rộng thị trường xuất khẩu qua các nước châu Âu; cần phát triển thương hiệu Trà B’Lao qua các thị trường tiềm năng, như: Nhật, Mỹ, Canada, Nga, Singapore, Hà Lan và các nước Trung Đông. Các ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở phải thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm và tái vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm khi sản xuất chè. 

Đọc thêm