Tiếp bài “loài cây quý được kỳ vọng cứu Tây Nguyên”: Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn và niềm mong mỏi đã hóa sự thật

(PLVN) - Chỉ chưa đầy 24 tiếng sau khi PLVN đăng tải bài viết “Kỳ lạ loài cây quý được kỳ vọng cứu Tây Nguyên”, đường dây nóng của Báo đã nhận được hàng chục cuộc gọi của những người làm vườn, đặc biệt tại Tây Nguyên, hỏi cặn kẽ hơn về giống cây đàn hương, chứng tỏ mức độ quan tâm của nông dân và dư luận về tìm giống cây mang lại hiệu quả kinh tế và trồng cây gây rừng bảo vệ môi trường. 
Tiến sĩ Vũ Văn Thoại và ông Nguyễn Quang Tòa.

Trước đó, trong bài viết mà bạn đọc và dư luận đặc biệt quan tâm, đã thuật lại câu chuyện khởi nghiệp của ông Nguyễn Quang Tòa (SN 1971, người đầu tiên đưa đàn hương về Tây Nguyên, Giám đốc Công ty CP Phát triển cây đàn hương và thực vật quý hiếm Tây Nguyên, trụ sở tại số 143, đường Hùng Vương, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).

Sau khi đưa cây đàn hương về thử nghiệm trồng tại Tây Nguyên, ông Tòa đã thành công vượt bậc khi loài cây quý này đã chứng tỏ sức sống bền bỉ, tính hữu ích với môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để trả lời rõ hơn, khách quan hơn những vấn đề dư luận quan tâm, PLVN đã có cuộc trò chuyện với Tiến sỹ Vũ Văn Thoại, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm, thuộc Liên hiệp Các Hội KH&KT Việt Nam, một trong những người đầu tiên tại Việt Nam biết đến cây đàn hương. Bất ngờ hơn khi gần 20 năm trước, đây chính là loài cây mà nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã chỉ đạo đưa về Việt Nam, mong mỏi sẽ là “vàng ròng” của Việt Nam.

Giống cây tiềm năng giúp Tây Nguyên nguồn thu bền vững 

Xin ông có thể cho biết nguồn cơn nào khiến ông đến với cây đàn hương?

- Đầu những năm 2000, khi đó học tiến sĩ ở Ấn Độ, tôi được nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn “giao nhiệm vụ” cố gắng đưa cây đàn hương về Việt Nam, bởi Phó Thủ tướng khẳng định đây là giống cây quý đã có hàng nghìn năm. Các bộ phận của cây đều sử dụng được, từ dược liệu, hương liệu, mỹ nghệ... Nhất là trong ngành công nghiệp nước hoa vì có tinh dầu đàn hương giúp lưu hương.

Sau một thời gian dài nghiên cứu, năm 2014, Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm đã nhân giống thành công cây đàn hương ở Việt Nam và trồng khảo nghiệm ở một số vùng. 

Ông đánh giá thế nào về mô hình trồng đàn hương của ông Nguyễn Quang Tòa tại Tây Nguyên?

- Ông Nguyễn Quang Tòa là một trong những người đầu tiên tìm hiểu và trồng đàn hương tại Việt Nam. Còn ở Tây Nguyên, tôi khẳng định ông Tòa là người đi đầu.

Thực tế nhiều năm đã chứng minh đây là giống cây tiềm năng có thể giúp đồng bào Tây Nguyên có nguồn thu bền vững, thoát nỗi lo được mùa, mất giá như một số nông sản khác. 

Đàn hương sau 1 năm có thể thu búp lá làm trà, sau 3 năm thu hạt. Một kg hạt đàn hương giá trị bằng mấy chục kg cà phê, tiêu. Sau khoảng chục năm lại thu được gỗ, giá trị lớn, mỗi kg gỗ đàn hương hiện tại tính tiền triệu, tùy thuộc vào chất lượng lõi gỗ, tuổi cây.

 Trong vườn ươm của Công ty CP phát triển cây đàn hương và thực vật quý hiếm Tây Nguyên.

Mô hình trồng đàn hương của ông Tòa đến nay được giới chuyên gia đánh giá cao. Ngay từ đầu ông Tòa đã làm rất bài bản, đã tìm đến Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm để tìm hiểu, chọn nguồn giống tốt, có kỹ thuật chăm sóc tốt, cây phát triển và thu nguồn lợi.

Có năm ông trồng 2ha thu được 700 triệu tiền hạt để bán cho đơn vị thu mua ép dầu. Ngoài ra, ông còn trồng xen cây ăn quả nên có những nguồn thu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn trên những khu vực trồng.

Là “vàng ròng” nếu chọn giống cây tốt

Nghe ông nông dân Nguyễn Quang Tòa tâm sự câu chuyện từng trắng tay vì vườn ươm bị phá hoại, rất nhiều bạn đọc cho biết rất đau lòng. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

- Một vấn đề khiến những người đam mê tâm huyết với đàn hương đau đầu lâu nay là việc một số nông dân không biết phân biệt chất lượng nguồn giống, chọn cây giống không đảm bảo.

Cây đàn hương được ví như cây “vàng ròng” vì giá trị kinh tế rất cao, nhưng nếu người trồng chọn giống không tốt, sẽ “khóc ròng”.

Quy trình chọn giống cây “chuẩn” rất nghiêm ngặt: 1.000 cây đàn hương trưởng thành sau 8 – 10 năm, chỉ chọn 10% cây phát triển tốt nhất để khoan thăm dò lõi. Khi kích cỡ lõi cây đạt tiêu chuẩn mới chọn làm cây bố mẹ để nhân giống. Như vậy, một cây đàn hương đủ tiêu chuẩn nhân giống phải sau khoảng 10 năm. 

Với những cây chưa đủ điều kiện để nhân giống có thể cho lõi kém, thậm chí không có lõi. Chưa kể nguy cơ bị bệnh không chữa được là bệnh xoăn lá, bệnh này chỉ ở cây dưới 10 tuổi, vì vậy cây trên 10 tuổi đã miễn nhiễm bệnh và cây con được “thừa kế” khả năng kháng bệnh này.

Việt Nam hiện mới trồng đàn hương được 4-5 năm nhưng trên thị trường trôi nổi rất nhiều loại giống. Một số người ào ạt lấy hạt từ những cây non này để nhân giống. Điều này có thể gây hậu quả khủng khiếp nếu lấy giống từ cây non có nguồn gen không tốt, hoặc đang mang mầm bệnh. Đáng nói là tương lai mới nhìn, mới “ngấm” những hậu quả này, hiện tại không thể phát hiện.

Chính vì thế, các chuyên gia nhiều lần khuyến cáo người dân không trồng đàn hương từ hạt giống cây non mà không biết nguồn gốc cây bố mẹ.  

Cây mới trồng ở Việt Nam được 4-5 năm, những sản phẩm như lá, hạt chỉ thu hoạch phụ. Sản phẩm chính là gỗ thì phải sau 10 năm nên hậu quả bây giờ chưa nhìn thấy được. Sau này sẽ thấy rõ không phải hạt đàn hương nào gieo xuống cũng cho “vàng”.

Vậy ông có lời khuyên gì với những người có ý định trồng đàn hương?

- Hiện thị trường có nhiều nơi cung cấp nguồn giống. Với nguồn giống đàn hương từ Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm và các đơn vị liên quan như Công ty CP Phát triển cây đàn hương và thực vật quý hiếm Tây Nguyên, đều được cấp thẻ để khách hàng kiểm soát được chất lượng, biết nguồn gốc...

Ngoài ra, có nhiều cơ sở giống lấy hạt non từ Trung Quốc, hạt non từ những cây trồng từ chính Việt Nam (do cây 2 năm đã ra hạt). Những vườn ươm làm thương mại, mua hạt non từ những cây bố mẹ mới trồng ở Việt Nam. Đây là những địa chỉ không nên mua. 

Đàn hương vẫn rụng trái tái sinh trên đất khô cằn Tây Nguyên. 

Dù Việt Nam đã có Pháp lệnh về giống cây trồng nhưng chưa kiểm soát chặt. Nếu việc này không được kiểm soát chặt, sẽ không chỉ gây hậu quả cho chính người trồng mà còn tạo hệ lụy xấu với xã hội. Giống như cây mắc ca, khi về Việt Nam, người nào trồng đúng giống tốt, chăm sóc đúng thì thu lợi tốt. Còn trồng không đúng, chăm sóc không đúng thì “đổ” cho cây trồng ở Việt Nam không cho hoa, cho quả. Mất công mất của trồng 5-7 năm lại phải chặt cây.

Bộ NN&PTNT đã công nhận là giống cây được phép trồng ở Việt Nam

Như ông và những người có nhiều năm kinh nghiệm như ông Tòa đã khẳng định, đàn hương rất hữu ích với môi trường, hiệu quả kinh tế rất cao. Bản thân ông và những nông dân đam mê đàn hương đã biến chỉ đạo, kỳ vọng của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn thành sự thật. Vậy về phía cơ quan nhà nước đã hỗ trợ gì để giúp đỡ nông dân?

- Sau một chặng đường dài nghiên cứu và trồng khảo nghiệm, tháng 4/2019, cây đàn hương được Bộ NN&PTNT công nhận là giống cây được phép trồng ở Việt Nam. Bộ đã giao cho các đơn vị phối hợp với các tỉnh phổ biến trồng.

Tuy nhiên, hiện tại cây vẫn rất mới với Việt Nam. Về phía Bộ NN&PTNN, vẫn rất cần Bộ hỗ trợ đề tài nghiên cứu về sâu bệnh, chọn giống, phát triển những vùng trồng cho chất lượng tốt, tinh dầu tốt, để Việt Nam có những bộ giống đàn hương tốt cho sự phát triển bền vững.

Bộ NN&PTNN cũng cần khuyến cáo với người dân khi trồng đàn hương cần tìm hiểu kỹ từ nguồn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, chọn cây ký chủ, mật độ trồng...   

Về phía Bộ KH&CN, cũng đề xuất Bộ tạo điều kiện nghiên cứu công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chưng cất dầu, để tạo ra những sản phẩm giá trị nhất từ cây đàn hương.

Đây là giống cây mới ở Việt Nam nên rất cần các bộ, ngành chung tay hỗ trợ các nhà khoa học nghiên cứu.

Hiện tại, Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm đã đầu tư hàng chục tỷ để nghiên cứu nhưng đều là tiền túi của những người đam mê cây đầu tư, chưa có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Năm 2019, Viện đã đề xuất với Bộ NN&PTNT về nghiên cứu vùng trồng, nghiên cứu chế biến sản phẩm sau thu hoạch. Đề tài của Viện là 8 trong 40 đề tài chọn vào vòng cuối cùng để đánh giá nhưng cuối cùng vẫn “trượt”. Đại diện Bộ cho rằng đây là giống cây mới nên cần chờ thời gian nữa mới có thể hỗ trợ kinh phí nghiên cứu. 

Xin cảm ơn ông và chúc những khát vọng chính đáng của ông sớm thành hiện thực!

TS Lê Quang Úy, Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh Hà Tĩnh:

“Đàn hương là một loại cây đa năng, vừa có giá trị kinh tế vừa tốt cho môi trường, là loại cây kinh tế sinh thái cần được phát triển theo quy hoạch, có kế hoạch. Đặc biệt phải gắn với thị trường để phát triển.

Những người như ông Tòa cần được biểu dương, dám đầu tư trồng cây nhập ngoại để làm kinh tế sinh thái, nhưng cần gắn với công nghiệp chế biến mới phát triển bền vững.

Nhà nước nên hỗ trợ trong quy hoạch phát triển cây đàn hương, hướng dẫn người nông dân cụ thể và tạo điều kiện cho các nhà khoa học nghiên cứu để có thể khai thác tốt nhất giá trị của loại cây này”.

Đọc thêm