Gặp và làm việc với các hiệp hội nghề luật của Pháp
Hội đồng công chứng tối cao Pháp
Tiếp và làm việc với Đoàn có Bà Chủ tịch Sophie SABOT-BARCET và một số thành viên của Hiệp hội Công chứng tối cao Pháp. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh và Bà Sophie SABOT-BARCET đều đánh giá cao quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Pháp, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực công chứng. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh Hội đồng Công chứng tối cao Pháp là Hiệp hội nghề luật có hoạt động hợp tác lâu dài trực tiếp, thường xuyên và bài bản với Bộ Tư pháp Việt Nam và Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam.
Đoàn công tác do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh làm Trưởng đoàn làm việc Hội đồng công chứng tối cao |
Trong giai đoạn tới, Thứ trưởng mong muốn Hiệp hội Công chứng tối cao Pháp tiếp tục tăng cường hơn nữa hợp tác công chứng với Việt Nam, trong đó có việc phối hợp với Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam ký kết và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hợp tác giai đoạn 2023-2025 giữa hai Hiệp hội; chia sẻ kinh nghiệm hoàn thiện pháp luật công chứng của Pháp phục vụ việc sửa đổi Luật Công chứng của Việt Nam; thúc đẩy hợp tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chứng viên Việt Nam, bao gồm cả việc nghiên cứu khả năng ký kết văn kiện hợp tác với Học viện Tư pháp và Trường Đại học Luật Hà Nội; làm đầu mối kết nối hợp tác công chứng giữa các địa phương của hai nước Việt Nam và Pháp. Trong khuôn khổ hợp tác đa phương, Thứ trưởng cảm ơn Hiệp hội Công chứng tối cao Pháp đã hỗ trợ Việt Nam trong việc gia nhập Liên minh Công chứng quốc tế và hi vọng Hiệp hội Công chứng tối cao Pháp sẽ tiếp tục ủng hộ, phối hợp tích cực với Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam trong các hoạt động của tổ chức này.
Bà Chủ tịch Hiệp hội Công chứng tối cao Pháp cho biết hiện nay ở Pháp có khoảng 17.000 Công chứng viên hoạt động trong khoảng 8.000 Văn phòng công chứng trên toàn quốc, trung bình 8 km có 1 Văn phòng công chứng và doanh thu từ hoạt động công chứng đạt 34 tỷ euro/năm. Phía Hiệp hội Công chứng tối cao Pháp cũng đã chia sẻ thông tin về vấn đề đào tạo, điều kiện trở thành công chứng viên tại Pháp theo Luật Công chứng 2016, việc xây dựng bản đồ công chứng và khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác công chứng với Việt Nam, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với việc thành lập Trung tâm pháp luật Pháp tại Trường Đại học Luật Hà Nội.
Hội đồng thừa phát lại và đấu giá viên quốc gia Pháp (CNCJ)
Tại buổi gặp, Đoàn công tác đã được nghe ông Benoit Santoire – Chủ tịch CNCJ giới thiệu sơ bộ về CNCJ. Đây là một tổ chức vừa được thành lập từ tháng 1/2022 trên cơ sở hợp nhất quản lý thừa phát lại và đấu giá viên nhằm mục đích tăng cường tính kỷ luật và trách nhiệm nghề nghiệp của các chức danh tư pháp này. CNCJ sẽ kế thừa các hoạt động hợp tác với Bộ Tư pháp Việt Nam của Văn phòng Thừa phát lại quốc gia Pháp.
Lễ ký Chương trình hợp tác 2024-2025 giữa Bộ Tư pháp và Hội đồng thừa phát lại và đấu giá viên Pháp |
Đoàn làm việc với Hội đồng thừa phát lại và đấu giá viên |
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao hoạt động hợp tác giữa Bộ Tư pháp, Học viện Tư pháp với Văn phòng thừa phát lại quốc gia (tiền thân của CNCJ) trong giai đoạn trước đây, trong đó có việc triển khai Chương trình hợp tác năm 2022-2023 ký tháng 11/2021. Thứ trưởng bày tỏ vui mừng về việc Bộ Tư pháp Việt Nam và CNCJ đã thống nhất và đi đến ký kết Chương trình hợp tác năm 2024-2025; đồng thời đề nghị các đơn vị đầu mối của 2 Bên tích cực phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động đã được thống nhất trong Chương trình hợp tác nêu trên; mong muốn CNCJ cùng với Học viện Tư pháp của Việt Nam tăng cường trao đổi về việc triển khai thực hiện Thoả thuận hợp tác đã ký giữa Văn phòng Thừa phát lại quốc gia Pháp và Học viện Tư pháp năm 2013 với những nội dung và cách thức phù hợp với tình hình mới.
Liên quan đến việc thành lập Trung tâm pháp luật Pháp tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Chủ tịch CNCJ hoàn toàn ủng hộ sáng kiến này và sẵn sàng tham gia các hoạt động của Trung tâm.
Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cùng ông Benoit Santoire, Chủ tịch CNCJ đã ký Chương trình hợp tác năm 2024-2025 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và CNCJ.
Hội đồng luật sư quốc gia Pháp
Trong buổi làm việc, Đoàn công tác đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của Việt Nam về tổ chức và hoạt động của luật sư, tổ chức luật sư ở Việt Nam, trong đó có luật sư nước ngoài và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài ở Việt Nam, vấn đề đào tạo luật sư. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao các hoạt động hợp tác giữa Hiệp hội luật sư quốc gia Pháp với các cơ sở đào tạo của Việt Nam, nhưng cũng lấy làm tiếc là chưa có hoạt động hợp tác với các cơ sở đào tạo luật thuộc Bộ Tư pháp.
Thứ trưởng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Hiệp hội luật sư quốc gia Pháp và Học viện Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ thiết lập và thúc đẩy hợp tác đào tạo luật sư, tập trung vào các nội dung như: kỹ năng hành nghề luật sư, hoàn thiện và chuẩn hóa các chương trình đào tạo luật sư, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về luật sư. Bộ Tư pháp sẵn sàng hỗ trợ, thúc đẩy sự hợp tác, giao lưu giữa đội ngũ luật sư của hai nước cũng như việc ký kết và thực hiện văn kiện hợp tác giữa Hội đồng luật sư quốc gia Pháp với Học viện Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội.
Về phía Hội đồng luật sư quốc gia Pháp, ông Jérôme Gauvaudan - Chủ tịch và các thành viên thường trực của Hội đồng khẳng định sẵn sàng hợp tác, phối hợp trong các nội dung liên quan đến đào tạo luật sư, sẵn sàng ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Trường Đại học luật Hà Nội và Học viện Tư pháp; đồng thời mong muốn cử luật sư đến thực tập tại các văn phòng luật sư Việt Nam, tổ chức các đoàn công tác để trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin, thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam.
Gặp và làm việc với các cơ sở đào tạo luật và các chức danh tư pháp
Trường đào tạo thẩm phán quốc gia Pháp
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh và Bà Nathalie Roret – Giám đốc Trường Đào tạo thẩm phán quốc gia Pháp chia sẻ quan điểm chung về tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực pháp luật trong việc thực hiện cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Trường Đào tạo thẩm phán quốc gia Pháp và Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp Việt Nam trong khuôn khổ Bản Thỏa thuận hợp tác giữa hai trường ký năm 2012.
Đoàn làm việc với Trường đào tạo thẩm phán quốc gia Pháp |
Đối với hoạt động hợp tác trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị Trường đào tạo Thẩm phán quốc gia Pháp và Học viện Tư pháp của Việt Nam cần tích cực trao đổi, xây dựng và sớm ký kết Kế hoạch/Chương trình hợp tác hàng năm nhằm triển khai thực hiện Bản thỏa thuận hợp tác năm 2012; đề nghị Trường đào tạo Thẩm phán quốc gia Pháp tiếp tục hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm phục vụ việc hoàn thiện chương trình, giáo trình đào tạo, kỹ năng đào tạo thẩm phán và các chức danh tư pháp, chia sẻ kinh nghiệm về đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, phối hợp tổ chức các hội thảo, nghiên cứu chuyên môn, cân nhắc khả năng thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu chung tầm khu vực.
Phía Pháp hoàn toàn nhất trí với những lĩnh vực hợp tác mà Thứ trưởng gợi ý, khẳng định sẵn sàng đẩy mạnh hơn nữa hợp tác với Bộ Tư pháp Việt Nam nói chung, Học viện Tư pháp nói riêng, và mong muốn sớm nhận được dự thảo Chương trình/Kế hoạch hợp tác do phía Việt Nam soạn thảo. Bà Hiệu trưởng đặc biệt vui mừng nếu Trung tâm Pháp luật Pháp tại Trường Đại học Luật Hà Nội được thành lập và sẵn sàng cử các cán bộ, chuyên gia của Trường tham gia các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Trung tâm này.
Trường Đại học Paris II Panthéon-Assas
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, hiện nay Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành trường trọng điểm quốc gia về về đào tạo cán bộ pháp luật” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thứ trưởng lấy làm tiếc vì hợp tác giữa Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Paris II Panthéon-Assas có thời gian tạm thời gián đoạn và mong muốn hai Trường khởi động việc trao đổi để sớm đi đến ký kết Bản ghi nhớ hợp tác nhằm tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy các hoạt động hợp tác đào tạo, trao đổi giảng viên, sinh viên, liên kết đào tạo, phối hợp tổ chức hội thảo, nghiên cứu khoa học chung... giữa hai Trường phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn hiện nay. Thứ trưởng cũng mong muốn Trường Đại học Paris II Panthéon-Assas tham gia các hoạt động của Trung tâm Pháp luật Pháp tại Trường Đại học Luật Hà Nội – hiện đang được Bộ Tư pháp hai nước và Quỹ Luật Lục địa Pháp nghiên cứu thành lập.
Đoàn làm việc với Trường Đại học Paris II |
Tiếp lời Thứ trưởng, ông Stephance Braconnier - Chủ tịch Trường Đại học Paris II Panthéon-Assas bày tỏ vui mừng được đón tiếp đoàn, khẳng định sẵn sàng phối hợp với Trường Đại học luật Hà Nội ký văn kiện hợp tác trong giai đoạn mới hướng tới việc phát triển quan hệ hợp tác bền chặt, có tầm nhìn, kết hợp giữa các hoạt động hợp tác trong đào tạo luật, mà còn thúc đẩy đào tạo Pháp ngữ, trong đó có tiếng Pháp pháp lý tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Trường Đại học Paris II Panthéon-Assas cũng sẵn sàng tham gia các hoạt động của Trung tâm Pháp luật Pháp tại Việt Nam.
Đoàn làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hoà Pháp. |
Trong thời gian làm việc tại Pháp, Đoàn công tác do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh dẫn đầu đã có buổi thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hoà Pháp
Có thể nhận thấy các cuộc gặp và làm việc của Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh và Đoàn công tác với các đối tác của Pháp đã thành công tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai. Ngày 23/7/2023, Đoàn kết thúc chuyến công tác tại Pháp và bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Anh.
Vụ Hợp tác quốc tế đưa tin từ Paris, Cộng hòa Pháp.