Tham dự Hội thảo có đại diện các Cục THADS, một số Chi cục THADS của 17 địa phương khu vực phía Nam cùng đại diện VKSND và TAND tỉnh Long An. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 Tổng cục THADS Lê Thị Kim Dung và bà Kamada Sakiko - Chuyên gia Dự án JICA đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn nêu rõ, sau 10 năm thực hiện Luật THADS năm 2008 và hơn 3 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014, bên cạnh những mặt tích cực thì qua khảo sát, tổng hợp, Tổng cục nhận thấy có rất nhiều nội dung còn khó khăn, vướng mắc (85 vướng mắc liên quan đến Luật và 58 vướng mắc liên quan đến Nghị định).
Ngoài ra, gần đây, việc áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng cũng phát sinh nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ. Do vậy, Hội thảo là dịp để các đại biểu trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án.
Tại Hội thảo, bà Lê Thị Thu Hiền, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục THADS đã trình bày Báo cáo kết quả khảo sát “Đánh giá pháp luật và thực tiễn áp dụng Luật THADS, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn” đã thực hiện tại 05 địa phương (Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai, Gia Lai, Phú Yên); Ông Trần Hải Hưng, Thẩm tra viên chính, Vụ Nghiệp vụ 1 trình bày Chuyên đề tổng hợp “Thực tiễn thi hành Luật THADS, Nghị định số 62/NĐ-CP và một số khó khăn, vướng mắc và dự kiến phương án giải quyết”.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Nghiệp, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bến Tre phản ánh về những bất cập trong việc xác định án chưa có điều kiện thi hành, việc giao cho Chấp hành viên phân chia tài sản chung của vợ chồng.
Đại diện Cục THADS TP Hồ Chí Minh chia sẻ những vướng mắc về việc ủy thác thi hành án, thứ tự ưu tiên thanh toán tiền thi hành án và việc xem xét trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lại Anh Thắng thì đề cập đến công tác thi hành án liên quan đến án tín dụng ngân hàng.
Xuất phát từ chính quá trình áp dụng pháp luật THADS trên thực tế trong thời gian qua nên các ý kiến phát biểu trên đều được đánh giá là trọng tâm, thực chất và có chất lượng cao.
Ngoài ra, các đại biểu cũng được nghe 02 tham luận gồm: Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác THADS (do đại diện Vụ Nghiệp vụ 1 trình bày); Thực trạng và một số khó khăn, vướng mắc khi thi hành quyết định của Toà án về phá sản (do đại diện Vụ Nghiệp vụ 2 trình bày).
Chuyên gia Dự án JICA Nhật Bản cũng có nhiều ý kiến thảo luận góp ý, trao đổi kinh nghiệm tại Hội thảo.