Tiếp tục hoàn thiện quy trình tổ chức thi hành án

(PLO) - Quy trình tổ chức thi hành án dân sự (THADS) đã quy định thống nhất trách nhiệm, nội dung công việc, hạn chế phần nào sự tùy tiện của Chấp hành viên (CHV) thông qua việc khẳng định trách nhiệm quản lý của Thủ trưởng cơ quan THADS. Tuy nhiên, thực tế áp dụng quy trình này còn nhiều khó khăn, đòi hỏi cần tiếp tục hoàn thiện.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với góc độ cơ quan THADS, quy trình đã quy định rõ thời gian thực hiện nhằm đảm bảo việc tổ chức thi hành án (THA) kịp thời, đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và công dân; giúp cơ quan THADS địa phương quản lý hiệu quả các hoạt động.

Việc tổ chức triển khai quy trình đã mang lại nhiều kết quả cho cơ quan THADS  như nâng cao tính chuyên nghiệp, tính tự chủ, khả năng chuyên môn hóa cao; tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, tăng khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin, tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân lực, nâng cao năng lực, trách nhiệm và hiệu quả công việc. Việc áp dụng đúng quy trình tổ chức THADS đã góp phần phân loại án được nhanh chóng, chính xác, thuận tiện cho việc theo dõi, tổ chức thực hiện THA.

Dưới góc độ đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, quy trình tổ chức THADS được đánh giá là khá rõ ràng, dễ thực hiện. Việc biết đến quy trình thời hạn đã giúp đương sự, cá nhân, tổ chức liên quan nắm bắt được quy trình tổ chức thi hành vụ việc, thuận lợi trong tiếp cận, yêu cầu, tham gia giám sát cơ quan THADS tổ chức THA, nếu xảy ra sai sót có thể nhanh chóng khắc phục, đảm bảo quyền và lợi ích của đương sự.

Song, thực tế áp dụng quy trình này hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc bởi quy trình chưa được phổ biến rộng rãi tới đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nhiều trường hợp đương sự chưa nắm được cách thức áp dụng quy trình hoặc do vẫn còn tâm lý yêu cầu CHV hướng dẫn. Đặc biệt, quy trình lập hồ sơ, thông báo và gửi quyết định THA, thời hạn xác minh hiện nay đều có thời hạn ngắn, gây khó khăn cho CHV bởi thực tế hiện nay mỗi CHV thụ lý rất nhiều vụ việc. 

Về việc kê biên tài sản, nhiều trường hợp, bản án đã tuyên rõ xử lý tài sản của người phải THA, việc CHV tiếp tục thực hiện xác minh, kê biên tài sản mất nhiều thời gian. Một số bản án, quyết định của Tòa án tuyên chưa rõ dẫn đến việc thi hành khó khăn như diện tích, số đo, mốc giới đất, tài sản trên đất khác so với thực tế; chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất của người phải THA trong khối tài sản chung do bản án của Tòa án không phân định rõ.

Công tác bán đấu giá tài sản cũng đang gặp rất nhiều khó khăn từ khâu thẩm định giá, xác định giá khởi điểm đến khâu giao tài sản cho người mua trúng đấu giá. Hiện chưa có tiêu chí cụ thể để đánh giá chất lượng của các tổ chức thẩm định giá nên khi lựa chọn các tổ chức thẩm định giá để ký hợp đồng chủ yếu dựa trên cảm tính. Do đó, vẫn còn tồn tại hiện tượng các tổ chức thẩm định giá đưa ra giá quá cao hoặc quá thấp dẫn đến đương sự khiếu nại về giá hoặc tài sản phải giảm giá nhiều lần nhưng không bán được.Việc quy định lựa chọn tổ chức thẩm định giá thực hiện sau quá trình kê biên dẫn  đến việc chênh lệch đáng kể về giá tài sản kê biên.

Không những vậy, việc áp dụng quy trình tổ chức THADS đối với doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xác minh điều kiện THA của doanh nghiệp, vấn đề người đại diện, chưa có cơ chế tiếp cận, cung cấp thông tin hiệu quả từ các cơ quan quản lý kinh doanh, cơ quan thuế nhằm cung cấp đầy đủ tình trạng về hoạt động kinh doanh hoặc tình hình tài chính của doanh nghiệp. Biện pháp xử lý hành chính đối với doanh nghiệp không thực hiện yêu cầu của CHV về cung cấp tài sản, sổ sách quản lý vốn và tài sản của doanh nghiệp còn hạn chế, chưa phát huy tác dụng trên thực tế.

Do vậy, thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng hoàn chỉnh quy trình tổ chức THA theo hướng đảm bảo sự đồng bộ trong quy định của pháp luật THADS và quy định pháp luật liên quan như Luật Đấu giá tài sản, Nghị quyết số 42/2017/QH14… Đề xuất xây dựng quy trình riêng về tổ chức THA đối với doanh nghiệp, án kinh doanh, thương mại theo hướng rút gọn để việc tổ chức THA nhanh chóng hơn. Đồng thời cần có các quy định chặt chẽ về đăng ký vốn, tài sản và tài khoản tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng; quy định về chế tài kiểm tra, xử lý đối với doanh nghiệp không chấp hành nghĩa vụ THA.

Cùng với đó, cần bổ sung thêm quy định để CHV hoặc cán bộ, công chức cơ quan THADS được tham gia hoặc thông tin về quá trình xét xử nhằm tiếp cận ngay từ đầu để nắm bắt thông tin, tìm hiểu nội dung vụ việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc THA sau này. Đề xuất tăng thời hạn xác minh điều kiện THA nói chung cũng như đối với án kinh doanh, thương mại nói riêng; quy định rõ trường hợp nào phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng… 

Đọc thêm