Tiếp tục kiểm soát hiệu quả việc đấu giá tài sản

(PLVN) - Trong thời gian qua, nhất là sau khi thực hiện Luật Đấu giá tài sản năm 2016, hoạt động đấu giá tài sản đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, cũng còn một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Một phiên bán đấu giá tài sản, ảnh MH
Một phiên bán đấu giá tài sản, ảnh MH

Nâng cao tính công khai, minh bạch trong xử lý tài sản

Thực hiện Luật Đấu giá tài sản, Chỉ thị số 40/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản, thời gian qua, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quan tâm, chỉ đạo hoạt động đấu giá tài sản tại địa phương, đạt được một số kết quả tích cực. Theo đó, pháp luật về đấu giá tài sản ngày càng hoàn thiện đảm bảo tính thống nhất trong hoạt động đấu giá, góp phần giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật. Hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, được xã hội hóa một cách mạnh mẽ với các tổ chức đấu giá tài sản phát triển rộng khắp trên cả nước đáp ứng yêu cầu xử lý tài sản của tổ chức, cá nhân.

Các loại tài sản đấu giá ngày càng mở rộng, đa dạng với nhiều loại tài sản mới bắt buộc phải bán thông qua đấu giá như kho số viễn thông, tài nguyên Internet, phổ tần số vô tuyến điện... Qua đó nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản, đặc biệt là tài sản công; giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều so với giá khởi điểm, đóng góp vào việc thu ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội địa phương; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động đấu giá tài sản trong một số trường hợp vẫn còn tồn tại, hạn chế, yếu kém. Chẳng hạn, việc xác định giá để làm giá khởi điểm tài sản đấu giá còn chưa sát với giá thị trường; việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản còn chưa khách quan, còn trường hợp lựa chọn các tổ chức đấu giá tài sản “sân sau” để đấu giá. Việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá ở một số nơi chưa thường xuyên, thậm chí có biểu hiện buông lỏng; chất lượng, năng lực của đội ngũ đấu giá viên còn hạn chế; xuất hiện hiện tượng thông đồng, dìm giá, băng nhóm “xã hội đen” gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại một số địa phương…

Đặc biệt, gần đây, Bộ Tư pháp nhận được phản ánh về hiện tượng một số tổ chức đấu giá tài sản gây khó khăn, cản trở người có nhu cầu tham gia đấu giá trong việc mua, tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá (như tổ chức đấu giá tài sản có văn bản thông báo dừng nhận hồ sơ nhưng trên thực tế vẫn tiếp nhận của một số tổ chức, cá nhân; không bán ngay hồ sơ cho người đăng ký tham gia đấu giá đến mua mà yêu cầu xem tài sản trước; bán giới hạn số lượng hồ sơ trong ngày; bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá ngoài giờ hành chính, không liên tục, không đảm bảo đủ thời gian quy định nhằm mục đích cản trở, hạn chế, gây khó khăn cho khách hàng…). Tình trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực, hạn chế người có nhu cầu tham gia đấu giá, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người đăng ký tham gia đấu giá, lợi ích của cá nhân, tổ chức và Nhà nước.

Đảm bảo đúng bản chất của việc đấu giá tài sản

Để tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, Bộ Tư pháp đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm góp phần kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả việc bán đấu giá tài sản, nhất là các tài sản công, hạn chế thất thoát tài sản của Nhà nước. Nổi bật là tiếp tục hoàn thiện thể chế về đấu giá tài sản, trong đó thể chế hoá đầy đủ các chế tài xử lý về hành chính và hình sự đối với các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý công tác nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản; đưa vào sử dụng và vận hành hiệu quả Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, khuyến khích đấu giá trực tuyến đối với một số tài sản có giá trị lớn, đặc thù, phức tạp tại địa phương. Tổ chức kiểm tra, thanh tra, kịp thời chấn chỉnh xử lý vi phạm; tiếp tục nâng cao chất lượng của các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nhiệm vụ, kỹ năng hành nghề của đội ngũ đấu giá viên…

Ngoài ra, từ thực tiễn triển khai thi hành Luật, Bộ Tư pháp đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt người có tài sản khi xây dựng phương án đấu giá không đặt thêm yêu cầu, điều kiện không có cơ sở đối với người tham gia đấu giá làm hạn chế việc đăng ký tham gia đấu giá; chỉ đạo Sở Tư pháp rà soát, kịp thời phát hiện các trường hợp người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người đăng ký tham gia đấu giá ngoài quy định của pháp luật để xem xét, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật; cần quán triệt người có tài sản tại địa phương giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức đấu giá, kịp thời có ý kiến, yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản tuân thủ đúng quy định về bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút đông đảo các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá, đảm bảo đúng bản chất của việc đấu giá tài sản.

Đọc thêm