Tại buổi tiếp xúc, cử tri đánh giá cao sự đổi mới, tinh thần trách nhiệm, đoàn kết của Quốc hội để đưa ra những quyết sách quan trọng trong kỳ họp vừa qua. Cử tri trong lực lượng công an đã kiến nghị một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực công tác, kiến nghị QH nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật…
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao ý kiến, kiến nghị của cử tri, thể hiện sự chuyên sâu trong quá trình thực hiện công tác chuyên môn của ngành Công an. Đối với vấn đề an ninh mạng, Phó Thủ tướng cho biết, việc xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng đã được các cơ quan liên quan họp bàn nhiều lần nhưng Chính phủ nhận thấy cần phải tiếp tục nghiên cứu, xem xét kỹ để Luật sẽ phát huy hiệu quả tối đa.
Thông tin tới cử tri về tình hình phát triển kinh tế của đất nước, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng dương. Việt Nam được các nước, các tổ chức quốc tế đánh giá cao về duy trì tăng trưởng kinh tế giữa lúc nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm.
Thu hút đầu tư nước ngoài vào nước ta vẫn ổn định và Việt Nam được nhiều nước chọn để chuyển dịch nguồn vốn đầu tư… Nhiều doanh nghiệp lớn của thế giới bày tỏ mong muốn mở rộng hoặc tăng cường đầu tư vào Việt Nam sau đại dịch Covid-19 vì sự ổn định của đất nước và hiệu quả đồng vốn đầu tư.
Theo Phó Thủ tướng, hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong năm 2020 đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó có việc thực hiện nhiệm vụ kép vừa là Chủ tịch ASEAN vừa là Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc. Do đại dịch Covid-19, Việt Nam đã nhanh chóng chuyển phương thức tổ chức các hoạt động của ASEAN sang hình thức trực tuyến. Cho đến nay, hầu hết các hoạt động của trong Năm Chủ tịch đã hoàn tất và chúng ta đã gắn kết được các nước thành viên ASEAN để cùng nhau thích ứng, hành động mạnh mẽ nhất để từ đó đưa ra biện pháp hỗ trợ lẫn nhau, kiềm chế đại dịch và phục hồi kinh tế.
Tuy đại dịch khiến cho các hoạt động đối ngoại bị ngưng trệ trên toàn cầu nhưng Việt Nam vẫn duy trì giao thiệp ngoại giao rộng khắp với các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác chủ chốt, với trên 30 cuộc điện đàm cấp cao nhằm trực tiếp giải quyết nhiều vấn đề trong quan hệ song phương và trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.