Tiếp vụ con kiện mẹ ở Hưng Yên: Cả làng ký thư minh oan gửi Phó thủ tướng Trương Hòa Bình

(PLO) -Việc cơ quan CSĐT, Viện KSND huyện Khoái Châu khởi tố vụ án Hình sự “Hủy hoại tài sản” xảy ra ngày 9/3/2015 tại thôn Nghi Xuyên, xã Chí Tân, huyện Khoái Châu có nhiều dấu hiệu trái pháp luật. Vậy nhưng, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20/7, TAND huyện Khoái Châu vẫn bỏ ngoài tai “cả lý, cả tình” tuyên phạt 3 bị cáo 9 tháng tù treo.
Bà Rộng đau xót kể về việc bị con tố ra tòa

“Phớt lờ” các nguyên tắc định giá

Ngày 2/3/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2005/NĐ-CP về Hội đồng định giá tài sản (HĐ ĐGTS) trong tố tụng hình sự. Đây được xem là căn cứ, là “kim chỉ Nam” để các cơ quan chức năng tiến hành định giá tài sản theo đúng trình tự, quy định của pháp luật. Thế nhưng, dường như các cơ quan của huyện Khoái Châu đã “phớt lờ” các quy định này của Chính phủ.

Cụ thể, ngay tại điều 2 của Nghị định quy định về nguyên tắc định giá tài sản: “1. Phù hợp với giá thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm; 2. Trung thực, khách quan, công khai và kịp thời”.  

Sau khi xảy ra sự việc, chính quyền địa phương xã Chí Tân, đại diện HTX DV Nông nghiệp Chí Tân đã làm giấy xác nhận và đặc biệt là mới đây, gần 500 người dân xã Chí Tân đã cùng ký tên vào bản xác nhận và kiến nghị gửi Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: Chi phí cho 1 sào (360m2) lạc chỉ khoảng 500-600 nghìn đồng. 

“Nhiều người dân chúng tôi đã trực tiếp tham dự các lần xét xử. Qua các phiên tòa này, chúng tôi hết sức bất bình trước những căn cứ luận tội thiếu thuyết phục, vi phạm pháp luật của các cơ quan tố tụng. Kết luận của HĐ ĐGTS huyện Khoái Châu chi phí cho 932m2 trồng lạc lên đến hơn 3 triệu đồng hoàn toàn không phù hợp với thực tế”, đơn thư của người dân viết.

Như vậy nguyên tắc thứ nhất về định giá tài sản đã không được tuân thủ. Nguyên tắc thứ hai về tính “trung thực, khách quan” cũng có vấn đề. Như đã nêu trong các bài viết trước, và ngay tại phiên tòa ngày 20/7, ông Đỗ Bá Cường (người có tên trong biên bản của HĐ ĐGTS huyện Khoái Châu) một lần nữa khẳng định, ông chỉ được “nhờ ký” và không hề biết việc mình tham gia HĐ ĐGTS. 

“Khi tôi ký vào tờ giấy do công an đưa cho thì trong đó chỉ có nội dung xác định diện tích ruộng lạc, thời gian trồng lạc và độ phát triển của cây lạc chứ không hề có giá trị của ruộng lạc như biên bản định giá mà hội đồng thẩm phán đưa ra trong phiên tòa”, ông Cường trình bày tại tòa.

Quá trình tìm hiểu, PV còn phát hiện ra rằng, diện tích thửa ruộng từ 828,0m2 (chưa trừ đi phần diện tích làm miếu) trong tài liệu của địa chính xã, không hiểu bằng cách nào đã trở thành hơn 932m2 trong biên bản và kết luận định giá của HĐ ĐGTS huyện Khoái Châu.

“Bỏ ngoài tai” các quy định của Chính phủ

Điều 5 của Nghị định 26/2005 quy định: “Hội đồng định giá tài sản ở cấp tỉnh, cấp huyện do Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định thành lập...”. Thế nhưng trong biên bản và kết luận định giá tài sản của HĐ ĐGTS Huyện Khoái Châu lại không hề nêu căn cứ vào quyết định thành lập HĐ ĐGTS. 

Để làm rõ có hay không quyết định thành lập HĐ ĐGTS huyện Khoái Châu, ngày 12/7, PV đã làm việc với bà Trần Thị Thanh Hằng, trưởng phòng Tài chính huyện Khoái Châu. Bà Hằng cho biết, chủ tịch huyện đã có QĐ thành lập HĐ ĐG “1 lần” số 1672/QĐ-UBND ngày 3/6/2015 do bà làm chủ tịch. 

Như vậy, có thể tạm coi “sai sót” trên thuộc về “người đánh máy” trong quá trình soạn thảo văn bản. Nhưng hàng loạt sai sót khác về mặt nghiệp vụ, quy trình định giá thì thật khó để lý giải? 

Cụ thể: Điều 6, Nghị định 26/2005 quy định thành phần của HĐ ĐGTS cấp huyện phải bao gồm “đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn là thành viên hội đồng”.

Trong biên bản định giá TS ngoài bà Hằng là chủ tịch hội đồng, bà Ngô Thị Minh Quyên (chuyên viên phòng Tài chính – PV) làm Ủy viên, còn có hai người mời là ông Đỗ Bá Cường (SN 1975, ở thôn Nghi Xuyên, xã Chí Tân - trưởng thôn) và ông Hoàng Văn Phúc (SN 1965, ở thôn Toàn Thắng, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu).

Tại buổi làm việc, bà Hằng “nại” ra rằng: “Ông Phúc đại diện cho hội nông dân” và đưa ra 1 tờ giấy xác nhận hội viên hội nông dân của ông chủ tịch hội xã Tân Châu. Thế nhưng khi PV đặt câu hỏi: “Bà có biết ở địa phương ông Phúc làm nghề gì không?” thì bà Hằng lại “tắc tịt” không biết và phải bấm số gọi cho cho nhân viên Quyên hỏi. 

Trả lời câu hỏi: “ông Phúc có chuyên môn để định giá lạc không?” thì bà Hằng quanh co nói: “ông ấy làm nông dân tất nhiên phải biết” và còn bảo: “người ta đã tham gia định giá thì phải có chuyên môn, mình hỏi vậy người ta tự ái”.

Bà Chủ tịch HĐ ĐGTS đã không hề biết rằng, từ nhiều năm nay, gia đình ông Phúc chuyên kinh doanh cây ăn quả, không có bất cứ hoạt động nào liên quan đến “cây lạc” và như đã nói ông ký tên chỉ vì có “người nhờ”.

Việc làm trên đã vi phạm khoản 2, điều 12 Nghị định 26/2005 quy định: “Chủ tịch HĐ ĐGTS lựa chọn những người có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm về loại tài sản cần định giá”. 

Trách nhiệm trong sai phạm của bà Hằng chưa dừng lại ở đó!

Cũng trong buổi làm việc, bà Hằng có đưa ra Quyết định về việc trưng cầu ông Phúc và ông Cường làm thành phần của HĐ ĐGTS (QĐ số 03/QĐ-HĐĐG ngày 10/8/2015). Thế nhưng khi được hỏi, QĐ này có được thông báo cho ông Phúc, ông Cường không? Thì bà Hằng không biết và lại cho rằng: “Có chữ ký của họ trong biên bản định giá thì chắc là họ phải biết”.

Quá trình xác minh, PV tiếp tục phát hiện ra những sai phạm trong biên bản ĐGTS số 32/BB-ĐG của HĐ ĐGTS Huyện Khoái Châu. Biên bản này không hề có kết quả khảo sát giá trị của tài sản; ý kiến của các thành viên của HĐ ĐGTS và những người tham dự phiên họp định giá; kết quả biểu quyết của HĐ ĐGTS về giá trị của tài sản, vi phạm quy định tại điều 17 Nghị định 26/2005.

Hàng trăm người dân ký vào đơn kiến nghị gửi Phó thủ tướng.

Sai phạm đặc biệt nghiêm trọng khi tại Kết luận định giá số 32/KL-ĐG, thành phần của HĐĐG từ 4 người theo biên bản định giá nói trên đã bị “tụt xuống” chỉ còn 2 người là bà Hằng (chủ tịch hội đồng) và bà Quyên (ủy viên). Địa điểm định giá tài sản cũng đã được “chuyển” từ trụ sở Công an huyện Khoái Châu về Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Khoái Châu?! 

Rõ ràng, kết luận định giá không thống nhất với biên bản định giá tài sản, hành vi trái pháp luật phải chăng đã rõ. Có sự bất minh, khuất tất nào ở đây? đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

Bản án chưa nhận được đồng thuận

Hiếm có phiên xét xử công khai nào mà các bị cáo lại nhận được sự cảm thông, ủng hộ của người dân địa phương đến thế. Ngay từ sáng sớm, trước khi phiên tòa bắt đầu khoảng hơn 1 tiếng, phòng xét xử của tòa án nhân dân huyện Khoái Châu đã chật kín người tham dự, đó là bà con hàng xóm, người thân, người dân địa phương.

Trong suốt phiên tòa, người đáng thương nhất là bà Rộng – người mẹ già đã ở tuổi gần đất xa trời nay lại phải đứng trước vành móng ngựa để hầu tòa bởi sự kiện tụng của con cái. Bà cụ gầy guộc, tóc bạc trắng, lưng còng ngồi ngay phía dưới, cạnh vành móng ngựa liên tục vỗ ngực kêu trời đòi lại sự công bằng cho mình, cho người con trai thứ hai đang vướng vòng lao lý.

Mặc dù những sai phạm của HĐ ĐGTS huyện Khoái Châu và những vi phạm tố tụng khác đã được nêu rõ tại phiên tòa cũng như được luật sư bào chữa cho bị cáo Quý trình bày thế nhưng HĐXX lại bác bỏ hoàn toàn những luận cứ này.

Kết thúc phiên tòa, TAND huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên vẫn tuyên phạt anh Chu Văn Quý, bà Nguyễn Thị Rộng và anh Nguyễn Văn Tập mỗi người 9 tháng án treo. Riêng anh Tập còn phải nộp lại cho hội đồng xét xử 1,5 triệu đồng (một nửa số tiền mà anh Tập đã bán chiếc máy cày trực tiếp cày ruộng lạc của vợ chồng anh Hải chị Én), 150.000 đồng tiền công lồng ruộng lạc. 

Khi HĐXX công bố kết quả của phiên tòa đã khiến rất nhiều người dân bức xúc, phản đối rất dữ dội. “Việc tòa sơ thẩm tuyên án với một bản án trái pháp luật, trái đạo lý như trên khiến chúng tôi mất niềm tin vào khẩu hiệu “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” của những người làm công tác xét xử.

Chúng tôi có suy nghĩ rằng, vì sợ bị kỷ luật, vì tham quyền cố vị nên các cơ quan điều tra, tố tụng không dám dũng cảm nhận sai sót, dũng cảm nhận lỗi với nhân dân để sửa chữa”, một người dân dự tòa chia sẻ. 

Đọc thêm