Văn Lâm, Hưng Yên: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai đối tượng, chính quyền bất lực?

(PLO) -Qua đơn thư gửi tới báo Pháp luật và Thời đại, Bà Phạm Thị Vui (sinh năm 1945) khẳng định căn nhà cấp 4 trên thửa đất số 91, tờ bản đồ số 20, có diện tích 148m2 của bố mẹ bà đã ở hơn 70 năm. Thế nhưng, không hiểu vì sao ông Phạm Văn Dũng, người con riêng của bố bà Vui lại được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ)?
Chị em bà Phạm Thị Vui buồn rầu vì sự việc tranh chấp đất đai kéo dài.
Chị em bà Phạm Thị Vui buồn rầu vì sự việc tranh chấp đất đai kéo dài.

Giả mạo hồ sơ để đăng ký cấp GCNQSDĐ

Theo bà Phạm Thị Vui, trú tại thôn Cát Lữ, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) cho biết: Bố mẹ bà là cụ Phạm Văn Tuất (SN 1913) và cụ Hoàng Thị Hát (SN 1915) lấy nhau và sinh được 5 người con gái và đã xây dựng gia đình tại quê hương và các địa phương khác. Năm 1976, cụ Phạm Văn Tuất là bố bà Vui lấy vợ hai là cụ Nguyễn Thị Hà và sinh được 2 người con trai là: Phạm Văn Dũng và Phạm Văn Quí.

Được biết, khi cụ Phạm Văn Tuất còn sống đã chia đất cho hai người con trai làm nhà, xây dựng gia đình và ra ở riêng. Còn căn nhà cấp 4 trên thửa đất số 91, tờ bản đồ số 20, có diện tích 148m2 thì cụ Tuất và cụ Hát dùng để sinh sống với mong muốn sau này là nơi gia đình xum họp, con cháu quây quần.

Sau khi cụ Phạm Văn Tuất mất (năm 2000), cụ Hoàng Thị Hát đã có giấy ủy quyền cho bà Phạm Thị Vui để thay mặt cụ lo giải quyết mọi việc trong gia đình. Thực hiện ý nguyện của hai cụ là xây dựng lại căn nhà để làm nơi thờ tự và là nơi con cháu đi về hương khói tổ tiên sau này.

Đến năm 2012, ông Phạm Văn Dũng bất ngờ đuổi cụ Hát ra khỏi nhà, khi đó cụ đã 96 tuổi và đang ốm nặng. Lấy lý do có người ốm trong gia đình làm ăn sẽ không may và cũng là để sửa chữa lại căn nhà.

Khi biết sự việc, chị em bà Vui lập tức tới can thiệp, không cho sửa chữa và buộc ông Dũng phải đưa cụ Hát vào ở trong nhà. Lúc này, ông Dũng đưa ra một GCNQSDĐ mang tên Phạm Văn Dũng được cấp ngày 13/10/2008 trên chính thửa đất mà cụ Hát đang sống.

Sự việc trên làm chị em bà Vui hoàn toàn bất ngờ và không hiểu tại sao ông Dũng được cấp sổ đỏ và các cơ quan chức năng đã xét cấp trên căn cứ nào khi mà cụ Hoàng Thị Hát chưa hề chuyển quyền sử dụng đất cho bất kỳ ai.

Sau sự việc, chị em bà Vui đã có đơn đề nghị chính quyền địa phương đến giải quyết theo quy định của pháp luật. Ngày 23/8/2012, UBND xã Chỉ Đạo cùng các ban ngành, đoàn thể địa phương tổ chức buổi hòa giải. Tại đây, ông Dũng đã đồng ý trả lại GCNQSDĐ.

Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Vui bức xúc cho biết: “Ông Phạm Văn Dũng đã lợi dụng lúc mẹ già yếu, nhầm lẫn để kê khai sai sự thật, đồng thời giả mạo chữ ký của các hộ liền kề, lừa dối các cơ quan chức năng nhằm chiếm đoạt mảnh đất”. Mặt khác, ông Dũng tiếp tục có hành động chuyển nhượng GCNQSDĐ trên cho em trai là Phạm Văn Quí, GCNQSDĐ mới cấp mang số: BQ 148468 ngày 13/11/2014. 

Trước những việc làm coi thường pháp luật của ông Dũng, cũng như căn cứ vào nguồn gốc đất đai, quá trình giải quyết vụ việc của chính quyền địa phương, bà Phạm Thị Vui đã có đơn đề nghị gửi UBND huyện Văn Lâm ra quyết định thu hồi giấy CNQSDĐ đứng tên Phạm Văn Quí.

Bởi việc cấp giấy CNQSDĐ đối với thửa đất trên là cấp sai đối tượng. Việc chuyển nhượng giấy CNQSDĐ trong khi đất đang tranh chấp là trái quy định của pháp luật. Thế nhưng, sự việc từ đó cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Chính quyền bất lực hay cố tình tiếp tay cho sai phạm?

Trả lời bà Phạm Thị Vui, UBND xã Chỉ Đạo có văn bản nêu rõ: Cụ Hoàng Thị Hát đang sống tại ngôi nhà trên nhưng trong giấy CNQSDĐ cấp ngày 13/10/2008 lại đứng tên ông Phạm Văn Dũng và Ban Tư pháp xã Chỉ Đạo không đủ thẩm quyền giải quyết vì vậy UBND xã đã có báo cáo đề nghị Tòa án nhân dân huyện Văn Lâm giải quyết theo luật định.

Điều kỳ lạ rằng, mảnh đất tranh chấp vẫn chưa được tòa án giải quyết nhưng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Văn Lâm lại đồng ý chuyển nhượng GCNQSDĐ mang tên ông Phạm Văn Dũng sang cho ông Phạm Văn Quí. 

Để tìm hiểu rõ hơn về sự việc, Phóng viên báo Pháp luật và Thời đại đã có buổi làm việc với đại diện phòng Tài nguyên và Môi trường. Qua trao đổi, đại diện phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sự việc trên là tranh chấp đất đai giữa bà Phạm Thị Vui và ông Phạm Văn Dũng, sự việc đã được xã đứng ra hòa giải nhưng không thành.

Thiết nghĩ, nếu bà Vui đứng lên làm nhà thờ đi chăng nữa, thì bà Vui cũng không thể cấm con cháu nhà anh Dũng thắp hương. Ngược lại nếu anh Dũng muốn giữ ngôi nhà để xây dựng nơi thờ cúng, và anh Dũng cũng không có quyền cấm bà Vui cùng con cháu bà về để thắp hương.

Cuối cùng, mọi thứ cũng là để dành cho con cháu, nếu là một người đứng ra xây dựng chẳng phải chi phí sẽ rất lớn. Vì vậy, sự việc trên nếu hai bên chịu ngồi lại với nhau và hòa giải được vẫn là tốt nhất.

Tiếp tục trao đổi về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên mảnh đất hiện vẫn đang tranh chấp mang tên Phạm Văn Dũng sang cho em trai là Phạm Văn Quí.

Trả lời vụ việc trên vị đại diện cho biết: Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực năm 2014 thì kể cả mình chứng minh được việc cấp giấy chứng nhận là không đúng thì cũng không được thu hồi (tại điểm D, khoản 2, Điều 106 của Luật đất đai).

Và khoản 5 điều 87 nghị định số 43 của Chính phủ năm 2014 thì Nhà nước không thu hồi giấy đăng ký CNQSDĐ khi cấp không đúng đối với trường hợp đất mà đã chuyển quyền sử dụng cho người khác. Việc xử lý cơ quan cấp GCNQSDĐ không đúng thì thuộc trách nhiệm của Tòa án nhân dân chứ không phải là UBND huyện. 

Điều đáng nói ở đây là đã hơn bốn năm sự việc vẫn “giậm chân tại chỗ”, phải chăng nếu sự việc không được hòa giải thì các cơ quan chức năng cũng “bó tay” không hướng giải quyết? Báo Pháp luật và Thời đại sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc. 

>>> Hồi âm thư bạn đọc

Mong được giải quyết sớm thành tích kháng chiến và chế độ tai nạn lao động

Trong đơn gửi tới báo Pháp luật và Thời đại (báo Pháp luật Việt Nam), ông Nguyễn Văn Nước, 76 tuổi, hộ khẩu thường trú tại tổ 38 phường Kim Tân, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai, hiện đang sinh sống tại thôn Thọ Đức, xã Tam Đa, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) trình bày:

“Năm 1958, tôi đi làm công nhân lâm nghiệp khai thác gỗ ở lâm trường Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Đến năm 1964, nhà nước có lệnh tổng động viên thanh niên lên đường nhập ngũ chống Mỹ cứu nước. Tôi đã nhận lệnh nhập ngũ, sau một thời gian tôi trở về lâm trường Đồng Hỷ tiếp tục nhận nhiệm vụ khai thác gỗ phục vụ quốc phòng đến khi kết thúc chiến tranh.

Cuối năm 1975, tôi bị tai nạn lao động ở chân trái, lâm trường sau đó đã cho tôi nghỉ và giải quyết chế độ một lần. Đến năm 2000, tôi được biết nhà nước thông báo khen thưởng kháng chiến của ba thời kỳ đối với người có công với cách mạng.

Sau đó, tôi đã làm thủ tục kê khai, một là thành tích kháng chiến giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, hai là chế độ tai nạn lao động. Tôi đã nộp đầy đủ hai loại hồ sơ nêu trên cho UBND phường Kim Tân xét duyệt bản kê khai ngày 10.3.2000, UBND phường đã trình lên các cấp và Chủ tịch nước đã tặng huân chương hạng nhì nhưng đến nay tôi vẫn chưa nhận được huân chương và chế độ tai nạn lao động.

Đến năm 2014, tôi nhận được thông tin nhà nước có kế hoạch giải quyết khen thưởng huân chương kháng chiến còn tồn đọng. Tôi thấy đây là việc làm rất đúng, cần phải khen thưởng những người có công với đất nước, tránh để những trường hợp vì sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương mà phải chịu thiệt thòi.

Hiện nay, tuổi tác tôi đã cao. Sức khỏe đã yếu, rất mong cơ quan chức năng xem xét, giải quyết khen thưởng, cũng như chính sách tai nạn lao động sớm cho tôi”.

Báo Pháp luật và Thời đại xin chuyển đề nghị của ông Nguyễn Văn Nước đến Ban Thi đua, Khen thưởng tỉnh Lào Cai xem xét, trả lời ông Nguyễn Văn Nước và có hồi âm cho tòa soạn.

PL&TD

Đọc thêm