Tiết giảm công sức xã hội, mở cơ hội cho nhân tài

(PLO) - Tổ chức một kỳ thi nhằm góp phần giảm áp lực cho học sinh, giảm tốn kém cho xã hội nhưng việc kết hợp hai kỳ thi có hiệu quả không vẫn là vấn đề còn nhiều băn khoăn khi một số điểm yếu đã bộc lộ rõ.
Ảnh minh họa
Đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá là một trong những điểm mới để thực hiện giải pháp đổi mới trong qui trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, việc xét thi đại học và cao đẳng theo hướng một kỳ thi quốc gia vẫn khiến dư luận cảm thấy bất an vì những điểm “lờ mờ”, chưa rõ ràng của phương án này. 
Do đó, sáng qua (23/9), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức để Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có phiên giải trình nhằm làm rõ hơn những điểm còn khiến dư luận băn khoăn trước khi bắt đầu triển khai  phương án một kỳ thi quốc gia.
Chấm dứt tình trạng “mua” thí sinh
Với hai kỳ thi hiện nay có nhiều thuận lợi cho học sinh là “muốn thi là vào” và kỳ vọng rất cao để tuyển được nhân tài bước qua các cánh cổng đại học. Tuy nhiên, nhiều trường hợp các kỳ thi đại học lại “lấy mất cơ hội của học sinh” vì nếu trượt đại học, các em sẽ phải có “lối rẽ” khác. Do đó, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức một kỳ thi quốc gia. Đối với những học sinh muốn vào đại học thì có thể được xét điểm từ 4 môn thi tốt nghiệp (trong đó có 3 môn bắt buộc) hoặc thi thêm môn theo yêu cầu của trường đại học. 
Bộ GD&ĐT cho biết, dự kiến sẽ có 20 cụm thi trên cả nước. Đề thi sẽ đáp ứng cả 4 nhu cầu, dễ hiểu, thông dụng, vận dụng và vận dụng cao, có sự kế thừa của việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp 2014 vừa qua, có phân giải mức độ khó, dễ. Với đề thi như vậy, học sinh và phụ huynh không phải lo lắng sau khi thi và sẽ có tác động ngược trở lại trong quá trình dạy và học.
Bản thân đổi mới giáo dục là phải đổi mới tận gốc về giáo dục nên theo đa số các đại biểu, quyết định tổ chức một kỳ thi thay vì hai kỳ thi như hiện hành là “tiết kiệm lớn công sức, giảm áp lực mà đáng lẽ phải được thực hiện từ lâu để đổi mới toàn diện giáo dục”, nhưng dư luận còn băn khoăn làm thế nào để đảm bảo có chất lượng cho việc tổ chức kỳ thi quốc gia. 
Thời gian qua có thực tế các trường phổ thông tổ chức thi thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, nhưng khi thi đại học làm chặt thì số đỗ thấp nên những lo ngại dồn vào việc tổ chức kỳ thi do trường đại học phối hợp với Sở GD&ĐT tại một số địa phương không có cụm thi do các trường đại học tổ chức thì khó đảm bảo về mặt chất lượng đầu vào các trường đại học. 
Do đó, các trường đại học phải có phương án riêng để đạt chuẩn, không thể để tình trạng “mua” thí sinh bằng các hình thức “khuyến mại” như một số trường đã làm để có sinh viên. Và có đại biểu đặt vấn đề: “Sao không tạo điều kiện để tất cả thi cùng một hệ chuẩn, cùng một sự quản lý để được hưởng sự công bằng như nhau”.
Độ tin cậy là do công tác chấm thi
Tuy nhiên, từ góc độ xã hội hóa giáo dục, một số đại biểu cho rằng, đầu vào “càng mở càng tốt” chứ không nên hạn chế thí sinh vào đại học để các em có khả năng lựa chọn, quan trọng là phương thức đào tạo, đánh giá sinh viên. Vấn đề quan tâm là để các trường cạnh tranh bình đẳng, tự vươn lên về chất lượng. 
Đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ “chưa tin cậy lắm khi bộ máy địa phương tổ chức thi vì vẫn có thể xảy ra tiêu cực nên phải làm tốt khâu này”. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh, dù do trường hay địa phương tổ chức thi thì vẫn phải đảm bảo mặt bằng giống nhau, nhưng khó tránh khỏi cá biệt có vi phạm và sẽ phải giải quyết bằng nhiều giải pháp chứ không phải bằng một cơ chế thống nhất được. 
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, độ tin cậy của kỳ thi đại học là do công tác chấm thi chứ không thể là hướng phải tổ chức kỳ thi ở tất cả các chỗ mới đảm bảo công bằng. Lý do để đưa ra phương án giao cho các trường tổ chức cụm thi là để có sự kiểm tra, đánh giá, thanh tra. Tuy nhiên, Bộ cũng sẽ tính toán về việc thí sinh phải di chuyển sang địa phương khác để tham gia thi tại cụm, nhất là ở những địa phương khó khăn về giao thông, nhưng không có chuyện dễ dãi.
Bộ trưởng cũng làm rõ, “cơ hội vào đại học đối với các cháu chỉ thi ở cụm địa phương không đóng lại vì có nhiều trường xét tuyển kết quả của lớp 12 như nhiều trường đã làm, còn trường tuyển theo kết quả cụm thi địa phương, Bộ không ngăn cấm”. Nhiều đại biểu lưu ý, vấn đề không chỉ ở cách tổ chức thi hay mấy kỳ thi mà phải đổi mới, chấm dứt cách dạy và học “truyền thụ kiến thức một chiều đã đi vào máu thịt” hiện nay.

Đọc thêm