Tiết lộ bí quyết trường sinh lạ kỳ của cụ bà hơn trăm tuổi

(PLO) -Có lẽ bất kỳ ai gặp cụ Nguyễn Thị Cam, SN 1910, hiện ở thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội đều thấy ngạc nhiên trước những bước chân vẫn còn nhanh nhẹn, đôi mắt vẫn sáng và trí nhớ tuyệt vời của cụ. 
 
Tiết lộ bí quyết trường sinh lạ kỳ của cụ bà hơn trăm tuổi

Cụ có thể nhớ được hàng chục trang giấy viết những bài ví, những câu thơ, truyện Kiều. Hỏi về bí quyết sống thọ của cụ Cam, cụ cười nói: “Mỗi ngày tôi uống 2-3 lít nước chè xanh, ngoài ra, tôi còn yêu thơ ca, tinh thần luôn yêu đời, thoải mái vô tư sống cùng con cái, không biết có phải thế mà tôi sống mạnh khỏe đến giờ không”.

Cụ bà 107 tuổi lẩy Kiều, ngâm thơ

Trên con đường đê vào nhà cụ Cam, chúng tôi đi ngang qua một chợ làng. Vừa cất tiếng hỏi đường vào nhà cụ, những người hàng xén ở chợ đã râm ran, sôi nổi hẳn lên.

Bà Hà, một người bán rau nhanh nhẹn trả lời: “Tôi sống cùng thôn với cụ Cam. Miền quê này nghèo lắm, chúng tôi quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng nhờ có không khí trong lành nên trong thôn cũng có một số cụ trên dưới trăm tuổi nhưng cụ Cam là cao tuổi nhất. Các cụ khác còn yếu chứ cụ Cam vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát và giúp con cháu được nhiều việc lắm. Đặc biệt, cụ còn là kho văn thơ, ca dao truyền thống đấy”.

Theo lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi rẽ vào con đường nhỏ. Thấy có khách tới chơi, cụ Cam vội đứng dậy, ra chiếc bàn quen thuộc, rót cho chúng tôi cốc nước chè xanh và mời chúng tôi uống “để vơi đi sự mệt mỏi” - cụ vui vẻ trêu đùa.

Hình ảnh một cụ bà với mái tóc bạc phơ, trắng như cước, nụ cười thân thiện, một tay cầm chén nước mời khách, một tay như đang múa. Chưa cần nghe lời đề nghị, cụ Cam đã hát mấy câu ví với chất giọng lảnh lót, làng nghề dệt lụa Cổ Đô một thời lừng lẫy qua giọng của cụ hiện lên thật thanh bình: “Lụa này thật lụa Cổ Đô/ Lụa này lụa cống các cô ưa dùng”...

Cụ Cam vẫn giúp con cháu làm việc nhà
Cụ Cam vẫn giúp con cháu làm việc nhà

Theo lời kể của người dân địa phương, cụ Cam thời trẻ dệt lụa đẹp nhất nhì trong thôn ngoài xóm. Giọng hát của cụ cũng là “cây văn nghệ” một thời của làng. Ai cũng thích cách luyến láy của cụ. Vừa ngâm thơ, lảy Kiều, đôi bàn tay gầy gò nhăn nheo của cụ vừa gõ nhè nhẹ trên chiếc trường kỷ cũ kỹ.

Gia đình hạnh phúc, yên ấm

Kể về cuộc đời mình, cụ sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Tuổi thơ là những tháng ngày lam lũ trên đồng ruộng, quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất bán lưng cho trời, chắt chiu từng củ khoai củ sắn lo cho cuộc sống nhưng cái đói, cái nghèo vẫn bủa vây. Cụ phải bươn chải mưu sinh, hàng ngày đi làm thuê cuốc mướn ở các địa phương lân cận để kiếm được ca gạo đem về cho gia đình.

Lớn lên bước vào tuổi đôi mươi, được sự mai mối, cụ lấy ông Nguyễn Văn Dị, người cùng quê. Ông Dị kém cụ Cam vài tuổi bởi ngày xưa các cụ thường có câu “gái hơn hai trai hơn một”. Cuộc hôn nhân của ông Dị và bà Cam lúc đầu là một sự sắp đặt nhưng càng sống với nhau, tình yêu giữa hai người càng ngày càng đằm thắm, mặn nồng.

Kết quả của tình yêu là sự chào đời của 6 cô con gái. Tuy thiếu con trai nối dõi tông đường như lệ làng vẫn thường xét nét nhưng gia đình cụ vẫn hạnh phúc êm đềm. Sau này, một phần vì lo cho chồng không có con trai, phần vì không chịu được dư luận, cụ Cam quyết định đi hỏi vợ lẽ cho chồng.

Gia đình nhà gái đã đồng ý sau khi được cụ Cam ngỏ lời nhưng bất ngờ đã xảy ra khi cụ Cam nói chuyện lấy vợ hai với chồng. Cụ Cam kể lại: “Tôi nghĩ chỉ cần thông báo là ông ấy vui vẻ chấp thuận, không ngờ ông giãy nảy lên không đồng ý. Ông bảo ông không cần con trai, chỉ cần gia đình hạnh phúc như hiện thời là đủ”.

Mặc cho Cụ Cam hết lời khuyên chồng nên đồng ý, hàng xóm, anh em cũng vun vào nhưng chồng cụ dứt khoát không lấy thêm vợ. Kể đến đây, cụ Cam xúc động, đôi mắt rưng rưng lệ, cụ nhìn vào bức ảnh của người chồng được treo trên gian thờ, chia sẻ: “Tôi biết ơn chồng tôi lắm. Nếu ngày ấy ông lấy vợ hai, không biết cuộc sống của tôi sẽ như thế nào”.

Nhìn ánh mắt cụ rưng rưng khi kể về người chồng đã quá cố của mình, chúng tôi hiểu rằng, hai cụ đã có một cuộc hôn nhân trọn vẹn, hạnh phúc. Và chắc hẳn, chồng cụ Cam phải yêu thương cụ lắm mới có thể vượt qua sức ép có con trai để cùng cụ thủy chung trọn đời.

Bí quyết trường sinh lạ lùng

Cụ Cam kể, ngày lấy chồng, cụ cũng vất vả không kém khi còn ở nhà mẹ đẻ. Bởi chồng cụ làm xây dựng, thường xuyên phải đi làm xa. Một mình cụ Cam nuôi nấng dạy dỗ các con. Chồng vắng nhà cụ phải làm công việc của hai người, vừa làm hàng sáo chạy chợ vừa phải làm hợp tác tính công điểm.

Mỗi khi màn đêm buông xuống, mọi người đã chìm vào giấc ngủ, cụ Cam vẫn đang cùng những nhịp chày giã gạo, để buổi sớm mai đòn gánh trên vai, đem gạo đi bán, chắt chiu từng đồng nuôi con ăn học. Khi các con lớn khôn, cũng là lúc ông Dị nhận công tác về gần nhà. Hạnh phúc tình yêu càng được bền chặt trong ngôi nhà nhỏ bé yên bình ấy.

Mặc dù đã bước sang tuổi một trăm có lẻ nhưng cụ Cam vẫn luôn yêu thích lao động, phụ giúp con cháu trong nhà được nhiều việc như nhổ cỏ trong vườn, dọn dẹp nhà cửa, trông chắt cho con cháu đi làm.

Anh Phan Oanh, cháu ngoại của cụ Cam cho biết, những năm trước gia đình mở cửa hàng may quần áo, mỗi lần khách hàng đặt may đông, anh thường nhờ cụ khâu giúp cúc quần và cúc áo cho khách hàng. Cụ khéo tay nên khâu quần áo rất đẹp. Giờ đây đôi mắt cụ vẫn sáng nhưng cụ Cam không khâu quần áo nữa vì con cháu muốn cụ được nghỉ ngơi, muốn đôi mắt của cụ vẫn giữ được sự tinh anh hiếm có.

Khi được hỏi về bí quyết trường sinh của cụ, bà Ánh con gái cụ nói với chúng tôi: “Làm gì có bí quyết đâu cô. Mẹ tôi chỉ thích uống nước chè xanh, có những đợt cụ uống hết khoảng 3 lít nước mỗi ngày. Cụ thích nhất là món cá rô om tương nấu bằng chấu, mấy năm trước cụ vẫn tự tay nấu món ăn này. Đặc biệt, mẹ tôi rất thích ăn cơm nguội với nước chè xanh”.

Thiếp chúc thọ cụ Cam của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Thiếp chúc thọ cụ Cam của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Nghe bà Ánh nói, chúng tôi chợt nhớ, các nhà khoa học cũng cho rằng , chè xanh cũng là một thứ thuốc, giúp con người kéo dài tuổi thọ. Nước chè xanh là một trong những thứ cụ Cam không bao giờ thiếu hàng ngày suốt hơn 100 năm nay.

Được biết cụ Cam rất ít khi phải dùng đến thuốc tây, ít khi bị ốm, bị đau. Sức khỏe cụ ổn định, xương khớp rất dẻo dai và rắn chắc. Con gái cụ cho biết, đã có lần cụ bị ngã từ trên bậc thềm khá cao xuống đất, mà cụ không hề bị làm sao.

Trong cuộc nói chuyện với cụ Cam, có lẽ điều khiến tôi ngạc nhiên nhất trước cụ bà 107 tuổi chính là một trí nhớ rất tốt của cụ. Hàng chục câu chuyện thơ của dân tộc, trong đó có cả truyện Kiều, cụ cũng thuộc làu. Những lời ngân nga của cụ khiến chúng tôi nhớ đến những hình ảnh thời thơ ấu, những lời ru của mẹ bên cánh võng đung đưa và chiếc quạt phe phẩy để các con chìm trong giấc ngủ trưa... Có lẽ chính lối sống giản dị đã giúp cụ Cam sống thọ./.

Đọc thêm