Làng nghề duy nhất chuyên phục vụ người hầu đồng

(PLO) -Làng Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội) là một làng thêu truyền thống có từ lâu đời. Nơi đây nổi tiếng với khăn chầu – áo ngự, là nơi duy nhất cung cấp đồ hầu đồng cho vua chúa và triều thần thời xưa.
Sản phẩm thêu hoàn thành
Sản phẩm thêu hoàn thành

Nằm bên hữu ngạn sông Nhuệ, làng Đông Cứu từ xa xưa đã nổi danh với nghề thêu các loại trang phục lễ hội truyền thống. Nhiều sản phẩm đặc trưng của làng như: nghi môn, câu đối, trướng, tán, lọng, áo lễ… có mặt khắp nơi. 

Thợ thêu cung đình

Tương truyền, ông tổ nghề thêu Đông Cứu là tiến sĩ Lê Công Hành (1606 - 1661). Ông học được nghề thêu khi đi sứ phương Bắc và đem về dạy cho người dân quê mình là làng Quất Động và các làng lân cận, trong đó có làng Đông Cứu. Căn cứ theo sắc phong của làng, Đông Cứu là làng nghề thêu có từ cách đây hơn 300 năm, thời vua Lê Cảnh Hưng (1746). 

Các cao niên của làng cho biết, công cụ dùng trong nghề thêu khá đơn giản, như: kim thêu, khung thêu các cỡ (kiểu tròn và kiểu chữ nhật), kéo, thước, bút lông, phấn mỡ, chỉ thêu các màu và vải thêu (vải trắng, sa tanh, lụa).

Nghề thêu ở làng Đông Cứu có nguồn gốc từ nghề bắt nét kim tuyến, thợ thêu ở đây từng được vua Nguyễn mời vào Huế lập thành một đội chuyên thêu các trang phục hoàng cung. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, qua nhiều đời vua, Đông Cứu là làng thêu duy nhất đất Bắc chuyên thêu long bào cho vua chúa, áo mão cho quan lại quý tộc trong triều.

Có thời điểm, họa tiết trang trí trên mũ đầu phượng tưởng như bị thất truyền, nhưng qua đôi tay của người thợ thêu Đông Cứu đã được phục hồi, làm nên một nét tinh hoa cho làng nghề này. 

Thêu hoa văn cổ trên trang phục truyền thống.
Thêu hoa văn cổ trên trang phục truyền thống.

Các nghệ nhân cho biết, trong kĩ thuật thêu, phối màu là khâu quan trọng tạo nên bức thêu đẹp, khẳng định được tay nghề người thợ. Sản phẩm thêu đẹp bao giờ cũng phải đảm bảo nghiêm ngặt chân mũi chỉ đều đặn, cánh chỉ như quyện lấy nhau, đường thêu mềm mại.

Những kiểu thêu trên trang phục cung đình có thể coi là đỉnh cao của nghệ thuật thêu truyền thống. Ngoài những lối thêu khó, việc thêu các trang phục này còn phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo. Với áo dành cho vua, tất cả các mũi chỉ phải đều nhau tăm tắp về khoảng cách, độ dài… 

Khi thêu, người thợ phải làm sao bắt nét thật nhịp nhàng vào sợi kim tuyến, chưa kể các sợi kim tuyến đều là vàng thật nên công việc bắt nét càng khó. Hơn nữa, bất kể họa tiết nào, các mũi chỉ đều phải thêu theo một hướng nhất định.

Chọn chỉ trong thêu áo cho vua và hoàng gia cũng phải tuân thủ những quy tắc khắt khe khác. Long bào của vua, bắt buộc phải chọn chỉ se hai chiều, trong khi áo hoàng hậu lại chỉ được dùng chỉ se một chiều… 

Cỡ chỉ cũng được quy định cho từng loại áo. Đặc biệt, mỗi hoạ tiết thêu trên long bào lại có những đòi hỏi về màu sắc riêng. Ví như màu lam thể hiện hình ảnh sóng nước trên áo vua, mỗi mảng lại đòi hỏi những màu lam khác nhau và trên mỗi mảng đó, bắt buộc phải có 5 sắc độ lam, từ đậm đến nhạt.

Xưa kia, thợ thêu chỉ làm các loại nghi môn, câu đối, chướng và các loại khăn chầu, áo ngự... Kỹ thuật thêu cũng đơn giản, màu sắc chưa thật phong phú như ngày nay.

Mãi đến đầu thế kỷ XX, nghề thêu mới tiến thêm một bước do có nguyên vật liệu nhập ngoại như các loại chỉ và màu công nghiệp của phương Tây. Theo năm tháng, nghề thêu ngày càng phát triển. Nhiều loại sản phẩm thêu thủ công đã đạt chất lượng và mỹ thuật cao. 

Mỗi tháng thu hàng chục triệu

Về làng Đông Cứu ngày nay, có thể thấy được sự nhộn nhịp của một làng nghề đang khởi sắc. Trong làng hiện có trên 40 cơ sở thêu với hàng trăm thợ. Có những người còn rất trẻ đã học theo nghề cha ông. Và nghề thêu là một trong những nghề mang lại thu nhập chính cho người dân. 

Người Đông Cứu có bàn tay rất khéo, chỉ cần vẽ phác những đường mẫu trên vải bằng phấn mờ là người thợ có thể cầm kim tái hiện các đường nét sinh động trên mặt vải. 

Làng Đông Cứu có hàng trăm thợ thêu, đủ các lứa tuổi.
Làng Đông Cứu có hàng trăm thợ thêu, đủ các lứa tuổi.

Chị Nguyễn Thị Sắn, một người sản xuất khăn chầu – áo ngự ở làng Đông Cứu, cho biết: Nhiều gia đình trong làng đang theo nghề truyền thống này, theo hai hướng làm thập cẩm (làm nhanh, làm nhiều) và làm kỹ.

Giá của một áo làm kỹ sẽ đắt gấp gần chục lần áo làm nhanh. Mức giá thêu cũng căn cứ theo từng loại vải. Một chiếc áo làm kỹ nếu trên loại vải tốt có giá 3 - 4 triệu, có khi còn hơn nữa. Thường những chiếc áo làm kĩ chỉ dùng loại vải gấm hạng tốt của Thượng Hải (Trung Quốc). Những gia đình làm lớn sẽ có nhiều loại vải khác nhau: gấm tốt, gấm thường và loại vải thường. 

Như nhà chị Sắn chủ yếu bán buôn nên phần lớn dùng hàng làm nhanh để kịp hàng cho khách. Lời lãi chị cho biết “ăn” theo số lượng, không phải theo chất lượng như những nhà làm kĩ và lẻ. Chị cho biết, nhà chị mỗi tháng mất gần trăm triệu chi phí mua nguyên vật liệu và thuê nhân công, trừ tất cả các chi phí khác cũng còn khoảng 5 - 6 chục triệu tiền lãi bán hàng.

Đối với một số hộ làm lẻ, chi phí bỏ ra ít hơn, phần lớn những hộ này làm kĩ nên có tháng chỉ sản xuất 10 - 15 chiếc áo, giá mỗi chiếc thông thường 2-3 triệu, thu lãi khoảng 10 - 12 triệu. 

“Cháy” hàng khăn chầu, áo ngự

Chị Sắn chia sẻ: “Năm nay, nhà tôi thường xuyên “cháy” hàng, không có hàng mà bán, nhiều khi khách cãi nhau để mua. Tôi là người sản xuất mà cũng không hiểu vì sao họ lại mua nhiều đến thế. Họ mua cả nghìn quả áo, có cả các ông Tây xếp hàng mua”.

Tương tự chia sẻ của chị Sắn, anh Nguyễn Đức Cường, cũng ở làng Đông Cứu, cho biết: “Hai năm nay, nghề thêu khăn chầu, áo ngự này phát triển rất nhanh, mọi mặt hàng đều bán chạy. Nhất là vào dịp 3 tháng đầu năm nhiều lễ hội, khách mua nhiều”. 

Gia đình anh Cường chuyên làm kĩ, chi phí nhân công khoảng 10 - 15 nghìn/giờ, chi phí mua vải khá lớn nhưng khi sản phẩm hoàn thành lại thu lãi gần gấp đôi. “Bây giờ kinh tế mở cửa nên việc nhập vải từ Trung Quốc cũng dễ dàng, hoặc mình có mối nhờ mua chuyển thẳng về, hoặc là đích thân sang mua lựa chọn kĩ càng hơn”, anh nói.

Anh Cường chia sẻ, người dân đều phấn khởi khi làng nghề truyền thống sau mấy trăm năm vẫn phát triển mạnh, vừa giữ được nghề, vừa có thu nhập giúp cuộc sống đầy đủ hơn. Thanh niên trong làng hiện cũng theo nghề rất nhiều. Có những em mới 14 - 15 tuổi đã học nghề. Anh cho biết, người chưa biết thêu chỉ cần học một tháng có thể thêu được, còn để thêu đẹp, thuần thục thì mất khoảng 2 - 3 tháng.

Trong lịch sử phát triển, không phải không có lúc làng nghề gặp khó khăn, có khi tưởng chừng mai một. Nhưng hiện nay, do sự phát triển của kinh tế thị trường đi kèm nhiều lễ hội, các mặt hàng thêu phục vụ tín ngưỡng lại được ưa chuộng, như khăn chầu, áo ngự...  

Người dân Đông Cứu cho biết, nghề thêu tuy vất vả nhưng đem lại khoản thu nhập không nhỏ. Nhiều nghệ nhân thêu Đông Cứu đang hướng đến việc bảo tồn và phát huy những mẫu thêu cổ. Và hướng đi mới của nhiều cơ sở thêu ở đây là hướng tới các mẫu hoa văn cổ trên những mặt hàng phục vụ hội hè, làm trang phục biểu diễn. Vì thế, vào mùa lễ hội, Đông Cứu lại tấp nập khách tìm mua hoặc đặt hàng thêu.

Đọc thêm