Mẹ ăn xin chữa bệnh cho con
Năm 2005, Vương Kiện (ngụ TP.Lũy Hà, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) sau khi tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Nhẹ Tây Bắc liền đi tìm việc làm, hi vọng có thể đem tri thức của mình báo đáp xã hội. Thật không may, thời gian này Kiện thường xuyên sốt cao nhưng cậu lại cho rằng mình chỉ bệnh bình thường. Tháng 7/2006, Kiện mới đi khám, kết quả kiểm tra cho thấy cậu bị mắc bệnh máu trắng cấp tính.
Sau đó, Kiện vay mượn được 6 ngàn tệ tới Bệnh viện Quân y Bắc Kinh để điều trị. Tuy nhiên chi phí khống chế bệnh giai đoạn đầu đã hết 30 ngàn tệ. Bạn bè, người thân biết chuyện mỗi người một ít cuối cùng cũng gom đủ số tiền trên cho Kiện. Mặc dù vậy, số tiền ấy cũng nhanh chóng đội nón ra đi. Cha mẹ cậu đành phải đưa cậu về nhà, mỗi tháng tiền hóa trị hết hơn 4 ngàn tệ.
Bác sĩ cho biết, cách duy nhất để chữa khỏi căn bệnh này là ghép tủy. Ngày 25/9/2007, cha mẹ Kiện đưa cậu tới bệnh viện làm xét nghiệm nhưng tủy của họ đều không phù hợp để hiến cho con trai. Vì vậy, mẫu tủy của Kiện được gửi tới kho tủy quốc gia. 10 ngày sau họ cho biết có nguồn tủy phù hợp có thể ghép cho Kiện.
Cuối cùng cũng đã có hướng để cứu mạng con, cha mẹ Kiện vui mừng khôn xiết. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang bởi ngay ngày hôm sau họ dò hỏi thì biết chi phí ghép tủy cần tới 500 ngàn nhân dân tệ. Với hoàn cảnh gia đình hiện tại, họ sao có thể lo được số tiền lớn đến như vậy.
Cha mẹ Kiện đều đã ngoài 50, lại chỉ là công nhân bình thường, lương của họ gộp lại chưa quá 900 nhân dân tệ. Tiền tích cóp bấy lâu thì khi Kiện học đại học đã bỏ ra hết. Mẹ Kiện tỏ ý quyết tâm, dù khó khăn đến mấy cũng phải lo được cho con phẫu thuật. Tuy nói vậy nhưng đi mượn tới mượn lui họ cũng chỉ gom được hơn 20 ngàn tệ.
Không còn cách nào khác, mẹ Kiện đành phải tới khu trung tâm thương mại Lũy Hà quỳ gối ăn xin, nhưng cả ngày chỉ được 200 tệ. Kiện biết chuyện trong lòng chua xót vô hạn. May mắn là rất nhiều người thân và bạn bè của Kiện đã giúp đỡ quyên góp cho cậu được 60 ngàn tệ. Số tiền này sau khi chi trả việc trị liệu hàng ngày vẫn còn dư 20 ngàn tệ. Kiện không muốn tiếp tục tiêu số tiền này nữa.
Do bệnh tật dày vò, người nhà vất vả khiến hi vọng đến nhưng không thể thực hiện khiến Kiện cảm thấy tuyệt vọng, quyết định từ bỏ việc trị liệu. Anh muốn dùng số tiền này để hoàn thành một tâm nguyện có ích. Kiện nói ý định cho cha mẹ biết nhưng họ kịch liệt phản đối. Vì vậy Kiện tự không tới bệnh viện hóa trị nữa.
Ngày 9/1/2007, Kiện bỗng nhiên mất tích, cha mẹ anh lo lắng tìm kiếm khắp nơi, sợ rằng Kiện sẽ đi tới suy nghĩ sai lầm. Họ quyết định, nếu đến tối con trai vẫn chưa về thì sẽ đăng tin tìm người trên đài truyền hình. Trong lúc mọi người đang lo lắng thì khoảng 6h chiều Kiện bỗng xuất hiện, mẹ cậu phát hiện Kiện như thay đổi sang một con người khác, nét mặt vui vẻ giống như một đứa trẻ.
Thì ra, Kiện không muốn tiếp tục điều trị nữa là do muốn dùng số tiền mà mọi người quyên góp cho mình để hỗ trợ một học sinh nghèo cho tới khi cô bé tốt nghiệp đại học. Kiện cho rằng, những người tốt bụng giúp đỡ nhưng mình không thể giữ lại mạng sống thì có thể dùng tiền đó giúp đỡ người khác. Chỉ cần bỏ ra 500 tệ mỗi năm là có thể giúp một đứa trẻ đi học, số tiền này đối với mình thì một ngày trị liệu còn không đủ, nhưng đối với học sinh nghèo thì lại vô cùng lớn.
Nghĩ là làm, ngày 7/1/2007, Kiện lặng lẽ tìm tới tòa soạn báo Đông Phương Ngày nay gặp phóng viên Vương Huy Thành, hi vọng người này giúp mình hoàn thành tâm nguyện. Thành nghe xong vô cùng băn khoăn, không biết phải xử lý ra sao nên từ chối khéo.
Kiện thấy vậy giải thích, số tiền này là do mọi người quyên góp cho, nhưng mình không thể dùng được nữa, hi vọng có thể dùng để giúp đỡ những đứa trẻ nghèo. Nếu mình có từ giã cõi đời thì mấy người bạn cùng học đại học sẽ tiếp tục thực hiện tâm nguyện. Những đứa trẻ ấy được cảm nhận sự ấm áp của tình người, một việc làm ý nghĩa như vậy sẽ khiến Kiệt cảm thấy vui vẻ hơn… Sau một hồi thuyết phục, cuối cùng Vương Huy Thành cũng đồng ý.
Vay tiền chữa bệnh cho ân nhân
Ngày hôm sau, Thành liền liên lạc với cô bé Trương Hải Hà, học sinh lớp 6 của trường tiểu học thôn Trương Câu, xã Tam Lý Hà hẻo lánh. Sáng sớm 9/1, Kiện bỗng “mất tích”, anh giấu cha mẹ để cùng Thành tới thôn Trương Câu.
Trên đường Kiện dặn dò Thành đừng nói mình là một bệnh nhân, cũng đừng nói mình làm gì. Hi vọng như vậy sẽ khiến Hải Hà không gặp bất cứ sự áp lực nào khi nhận trợ giúp, dù sau này Kiện cho rời xa cõi đời thì cũng không muốn Hà biết chuyện này. Hai người phải ngồi xe hơn 2 tiếng đồng hồ, sau đó lại đi bộ mất hơn 3km đường đồi núi, cuối cùng cũng tới được thôn Trương Câu.
Tới nhà Hà, cảnh tượng trước mắt không khỏi khiến Kiện kinh ngạc. Bởi nóc nhà dột nát ngẫng lên nhìn thấy ánh sáng xuyên xuống nhiều chỗ, chiếc giường đơn giản ọp ẹp, toàn bộ quần áo đều vắt trên thành giường. Cô bé Hải Hà cùng cha chỉ có một chiếc chăn, một chiếc ti vi cũ người khác cho có lẽ là tài sản đáng giá nhất của họ.
Trước đó Kiện đã mua mì tôm, bánh ngọt, kem đánh răng, quần áo và một số đồ dùng học tập cho Hà. Bước vào bếp, thấy cha Hà là ông Trương Thái Dương đang nhóm bếp, ông nói Hải Hà đã 6 năm nay chưa từng biết tới mùi vị của chiếc bánh quy. Kiện đưa bánh cho cô bé, Hà liền vội vã lấy một miếng đưa vào miệng cho cha ăn.
Lúc dọn cơm, trong nhà không có bàn, họ phải đặt mâm dưới đất để ăn. Vừa ăn Kiện vừa hỏi tình hình của hai cha con. Theo đó, khi Hà được 4 tuổi thì bệnh phong thấp của ông Dương bắt đầu trở nặng, không thể đứng ngồi, chỉ có thể bò. Về sau thị lực cũng ngày càng kém.
Khi Hà 8 tuổi, người mẹ vì không chịu đựng được cảnh khổ nên bỏ đi. Từ lúc ấy, Hà phải phụ trách phần việc nấu cơm, giặt giũ, thái rau, nấu cám cho lợn ăn… Thế nhưng, vất vả là vậy mà thành tích của Hà vẫn rất tốt, luôn đứng đầu lớp. Nhìn những tấm bằng khen treo đầy trên vách tường, Kiện cảm thấy cô bé làm được như vậy hẳn phải có nghị lực và niềm lạc quan phi thường.
Kiện đưa 500 tệ cho Hải Hà rồi dặn dò: “Em nhất định phải học thật tốt, anh sẽ hỗ trợ cho tới khi Hà tốt nghiệp đại học và đi làm. Anh nhận em là em gái”. Hà vô cùng vui mừng bởi có số tiền trên cô có thể yên tâm đi học. Tuy nhiên, người đi cùng anh thì lại thấy trong lòng chua xót, nhưng không thể biểu lộ ra ngoài vì sợ Hà biết Kiện là bệnh nhân đang cận kề cái chết.
Khi quay về, Vương Huy Thành không sao kìm chế được nỗi xúc động trong lòng nên anh đã viết bài báo với tiêu đề: “Chàng trai mắc bệnh máu trắng từ bỏ điều trị để giúp đỡ cô học trò nghèo” đăng trên báo Đông Phương Ngày nay, hi vọng qua bài báo sẽ có nhiều người quan tâm giúp đỡ, cứu mạng Kiện.
Tiếp đó, tình trạng bệnh của Kiện chuyển biến xấu nhanh chóng, bác sĩ cho biết nếu không điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm tính mạng. Vậy là, Kiện được người nhà đưa trở lại bệnh viện.
Ngày 31/1, trời bên ngoài lạnh căm căm, phòng bệnh của Kiện bỗng xuất hiện hai vị khách. Kiện cố ngẩng đầu lên nhìn, anh sững người khi phát hiện ra đó chính là cha con Hải Hà. Anh băn khoăn không hiểu tại sao họ lại có thể tới đây?.
Thì ra, sau khi bài báo của Vương Huy Thành được đăng tải, một người chị họ của Hà đang làm việc tại Lũy Hà đọc được. Khi người chị gọi điện xác nhận thì cha con Hà mới biết chàng trai giúp đỡ mình là bệnh nhân mắc căn bệnh hiểm nghèo. Số tiền đó còn là tiền của người khác quyên góp cho anh. Lúc ấy, Hà bật khóc vì xúc động.
Trong lòng cô bé không sao bình tĩnh được nên bàn với cha, 500 tệ ấy mình không thể nhận bởi việc chữa bệnh còn quan trọng hơn. Tuy nhiên, khoảng cách từ nhà tới thành phố Lũy Hà hơn 100 cây số, cha lại bị tật tứ chi, Hà thì chưa đi xa bao giờ khiến hai cha con vô cùng bối rối không biết phải trả lại số tiền trên bằng cách nào.
Cuối cùng, sau khi bàn bạc hai cha con quyết định sẽ hỏi đường tới chỗ Kiện. Sáng 31/1, cha con Hà liền lên đường, sợ đi xe tốn tiền nên họ mượn một chiếc xe ba bánh của người thân, Hà đạp xe đưa cha đi. Theo tính toán của họ, chỉ cần 10 tiếng đồng hồ là có thể tới được Lũy Hà. Không may là giữa đường chiếc xe bị đứt xích, bất đắc dĩ họ phải vẫy xe đi nhờ.
Trong phòng bệnh, Kiện nghe nói họ tới để trả lại mình 500 tệ, nghĩ cảnh hai cha con người còn nhỏ tuổi, người tàn tật đi đường xa như vậy khiến Kiện không khỏi thương cảm. Trước sự cương quyết của Hà, Kiện cũng không biết phải làm thế nào.
Bất đắc dĩ anh phải gọi điện cho Vương Huy Thành tới khuyên nhủ thì Hà mới chịu nhận. Sau đó, Hà và Kiện nói chuyện với nhau rất lâu, rồi hai người ngoắc tay cùng hứa Kiện nhất định phải trị khỏi bệnh, còn Hà sẽ nỗ lực cao nhất để vào đại học.
Khoảng hơn một tiếng sau, Hải Hà chia tay Kiện nhưng trong lòng thì không muốn đi. Bước ra khỏi phòng, cô bé bí mật đưa cho Vương Huy Thành một tờ giấy bảo đây là bức thư mình đã mất hai ngày để viết, nhất định Thành phải giúp mình việc trong thư.
Sau khi tiễn cha con Hà đi khỏi, Thành quay lại mở thư ra xem, nội dung trong đó viết: “Bây giờ cháu đã học lớp 6 rồi, thêm 6 năm nữa sẽ tốt nghiệp cấp 3, rồi 4 năm nữa sẽ tốt nghiệp đại học, tổng cộng là 10 năm. Nhưng liệu thời gian này cháu còn có thể gặp được anh Kiện nữa hay không? Nghĩ đến đây trong lòng cháu rất buồn. Cháu đã suy nghĩ 2 ngày nay, cháu muốn vay một khoản tiền để cứu anh Kiện. Mong thông qua tòa soạn báo gửi tới tất cả những người hảo tâm hoặc ngân hàng, nếu ai có thể cho cháu vay 500 ngàn nhân dân tệ thì sau này cháu sẽ trả 1 triệu tệ. Sau khi tốt nghiệp đại học cháu sẽ nỗ lực làm việc suốt đời để trả món nợ này. Cháu nhất định sẽ làm được!”.
Kết thúc có hậu
Hành động của Hải Hà vượt qua dự liệu của mọi người, không biết Hà có hiểu được số tiền 500 ngàn tệ lớn tới mức nào hay không?. Đọc xong bức thư, Thành không cầm được nước mắt, tiếp đó Kiện rồi cha mẹ anh cũng khóc, những bệnh nhân cùng phòng cũng cảm động rớt nước mắt. Mọi người đều nghĩ Hải Hà thật đáng yêu nhưng cũng thật ngốc nghếch bởi làm gì có ai chấp nhận cho cô vay số tiền trên.
Tối hôm đó, Vương Huy Thành dùng mọi xúc cảm của mình viết bài báo với tiêu đề: “Cô bé nghèo 13 tuổi nguyện vay tiền lãi suất cao để báo đáp ân tình” rồi đăng tải trên trang mạng báo Đông Phương Ngày nay. Bài báo này đã gây xúc động mạnh tới người đọc và được hơn trăm trang mạng dẫn lại. Một đài truyền hình còn làm hẳn một bộ phim về câu chuyện của Kiện và Hải Hà. Đồng thời, sở giáo dục thành phố Lũy Hà cũng phát động học sinh toàn thành phố mỗi người quyên góp 1 nhân dân tệ để Hà thực hiện giấc mơ của mình.
4 nữ họa sĩ nổi tiếng của thành phố Nam Kinh là Từ Văn Như, Triệu Thục Nga, Lưu Phương Linh và Bành Quốc Lan còn vẽ một bức thư họa với tiêu đề “Bác ái”, sau đó tổ chức bán đấu giá để quyên tiền cho Trương Hải Hà. Ngoài ra, một tổ chức từ thiện nước ngoài cũng hứa sẽ quyên góp một khoản tiền cho cô bé.
Sau một tháng, điều khiến người ta không thể ngờ tới đã xảy ra. Đó là vào ngày 7/3/2007, một cuộc điện thoại từ nước ngoài gọi tới tòa soạn báo Đông Phương Ngày nay. Cuộc điện thoại trên là của bà Thôi Anh, giám đốc Công ty chứng khoán Vạn Thông tại Mỹ đồng ý sẽ giúp Hải Hà thực hiện tâm nguyện. Bà cho biết mình đọc được bài báo trên và vô cùng xúc động trước tình cảm của Vương Kiện và cô bé nghèo có tấm lòng nhân hậu.
Ngoài ra, còn một lý do nữa khiến bà quyết định giúp đỡ Hà là do, năm 1977, bà cũng có một người em trai qua đời vì bệnh máu trắng, năm ấy người em mới 18 tuổi, vừa tốt nghiệp cấp 3. Cuối cùng bà quyết định sẽ quyên góp cho Hà và Vương Kiện số tiền 30 ngàn nhân dân tệ. Số tiền này coi như cho Hà mượn để giúp cô bé hoàn thành nguyện vọng, tuy nhiên khoản vay này không định thời gian trả nợ.
Kết cục như trong mơ này có lẽ không ai có nghĩ tới. Hà tuy tin rằng ý nguyện của mình sẽ được thực hiện nhưng không ngờ lại có thể nhanh chóng như vậy. Người thân của Kiện cũng cảm giác giống như một câu chuyện cổ tích vậy.
Ngày 20/4, Kiện được chuyển tới thành phố Thượng Hải để điều trị, lần này Hà cũng tới để động viên anh. Cô bé đem theo một giỏ hoa lan mà cô đã mất 3 ngày để gom trên núi. Cô nói, giỏ hoa này thay cô gửi tới Kiện những lời chúc tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, do chi phí tại đây khá đắt, gấp đôi so với ở Lũy Hà nên Kiện quyết định quay lại quê để điều trị.
Tiếp đó, tháng 6/2007, bệnh viện giải phóng quân 301 ở Bắc Kinh đồng ý giảm chi phí phẫu thuật cho Kiện nên anh được chuyển tới đây để chuẩn bị phẫu thuật ghép tủy. Chi nhánh Công ty chứng khoán Vạn Thông cũng chuyển 250 ngàn nhân dân tệ vào tài khoản của bệnh viện. Sau khi công việc chuẩn bị hoàn tất, tháng 9/2007, Vương Kiện được phẫu thuật thành công. Tình người mà anh cho đi đã được đền đáp xứng đáng.