Tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em có thể bị phạt 15 triệu đồng

(PLO) - Hôm qua (4/10), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội thảo tham vấn hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) về bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, thay thế Nghị định số 144/2013/NĐ-CP.
Ảnh minh họa

Theo ông Hà Đình Bốn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH, Luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 thay thế Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004 có cách tiếp cận mới về quyền trẻ em. Trong đó bao gồm nhiều quy định mới về quyền và nghĩa vụ  như: cấm bạo lực đối với trẻ em; quyền trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, tham gia vào các vấn đề về trẻ em; trách nhiệm cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột trong gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền; hỗ trợ can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em; trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng...

Chính vì thế trong Chương 2 của dự thảo Nghị định này, Ban soạn thảo bổ sung các quy định phù hợp với quy định mới của Luật Trẻ em như: XPVPHC hành vi vi phạm quy định cấm bạo lực với trẻ em; vi phạm quy định về quyền bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, tham gia vào các vấn đề về trẻ em; vi phạm quy định cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em.

Theo dự thảo Nghị định thì hành vi vi phạm quy định về cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em có thể bị phạt từ 10-15 triệu đồng và buộc phải xin lỗi, thu hồi, xóa, gỡ bỏ các thông tin đã nêu.

Liên quan đến nội dung quy định này, năm 2017, khi Luật Trẻ em có hiệu lực, bà Nguyễn Thị Nga – Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH đã nêu quan điểm, mọi người nên hiểu luật một cách đầy đủ chứ không nên cứng nhắc nghĩ cha mẹ đăng ảnh con lên mạng là vi phạm pháp luật. Trên thực tế các thông tin về nhận dạng đặc biệt hoặc quyền thừa kế, thừa hưởng của trẻ từ ông bà, cha mẹ nên được giữ kín, chứ việc gia đình đi chơi, du lịch mà cha mẹ đăng bức ảnh có mặt con lên mạng bị hiểu sẽ phạm luật là không đúng. Quan điểm của Cục Trẻ em là để đảm bảo bí mật đời sống riêng tư và bí mật cá nhân của trẻ em thì các quy định của luật phải được hiểu một cách đầy đủ chứ không nên hiểu một cách máy móc.

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho rằng, hành vi đăng tải hình ảnh của trẻ em chỉ được xem là vi phạm pháp luật khi gây ra hậu quả. Việc xử lý đối với hành vi này không chỉ căn cứ vào Luật Trẻ em năm 2016, mà còn căn cứ vào các quy định khác có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự. Khi xác định có hành vi vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự./.

Đọc thêm