Sau khi hoàn thành thử nghiệm, Quân ủy và các cơ quan hữu quan bày tỏ hài lòng về tính năng kỹ thuật của FJ-1 nên quyết định triển khai kế hoạch xây dựng trận địa tên lửa đánh chặn FJ-1 đầu tiên ở khu vực phụ cận Bắc Kinh, bước đầu hình thành “Khu phòng không chống tên lửa đạn đạo”.
“Công trình 640-1”
Đồng thời với việc nghiên cứu chế tạo đạn FJ-1, Phân viện 2 từ năm 1970 cũng bắt đầu luận chứng và nghiên cứu hệ thống vũ khí đánh chặn tầm thấp FJ-2 với chỉ tiêu chiến thuật là: tầm bắn 50km, độ cao đánh chặn từ 20-40km. Từ tháng 10/1971 đến tháng 4/1972, đã 4 lần thử nghiệm đạn FJ-2 với kích cỡ bằng 1/5 mẫu thật, trong đó 5 lần thành công, 1 lần thất bại.
Tháng 6/1971, Ủy ban KHKT& Công nghiệp QP cùng quân chủng Không quân họp, quyết định bắt đầu nghiên cứu vũ khí đánh chặn tầm cao, sau xác định tên là “Phản kích-3” (FJ-3). Đó là hệ thống vũ khí dùng để đánh chặn tên lửa đạn đạo của đối phương ở độ cao mấy trăm cây số, bên ngoài tầng khí quyển.
Nó bao gồm đạn tên lửa, radar điều khiển 715, radar báo động 7010, sở chỉ huy và các thiết bị mặt đất. Đạn tên lửa “FJ-3” sử dụng nhiên liệu rắn 3 tầng, đường kính lớn nhất 1,4m, sử dụng phương thức phóng từ giếng ngầm. FJ-3 sử dụng phương thức đánh chặn 2 lần khá phổ biến lúc đó, tức là quả đầu không trúng mục tiêu thì quả thứ 2 đánh tiếp để đảm bảo mục tiêu bị diệt.
Thực tế cho thấy, “Công trình 640-1” này mang đậm sắc thái chính trị, yêu cầu kỹ thuật đề ra quá cao. Ý tưởng của Bộ Cơ khí 7 đề ra cho kế hoạch 5 năm lần thứ 4 là: đến 1974 đuổi kịp trình độ Mỹ, Liên Xô về hệ thống vũ khí chiến lược chủ yếu (tên lửa vượt đại châu, tên lửa phóng từ tàu ngầm và tên lửa chống tên lửa, tên lửa chống vệ tinh).
Nhiệm vụ giao cho Phân viện 2 là “mỗi năm 1 loại đạn, 4 năm xây dựng được khu vực phòng không chống tên lửa đạn đạo”; thậm chí yêu cầu năm 1974 xây dựng được Khu phòng không chống tên lửa đạn đạo và vệ tinh đầu tiên, có thể ngăn chặn cùng lúc 15 đến 30 đầu đạn của đối phương. Thực tế chứng minh đó là chỉ tiêu quá cao, xa rời thực tế, không thể thực hiện được.
Hoặc đặt ra yêu cầu đối với đạn FJ-3 là đánh chặn 2 lần – đó là vấn đề khi đó người Mỹ cũng vẫn đang nghiên cứu. Rõ ràng là nhìn nhận không đúng, không đầy đủ về khó khăn, phức tạp kỹ thuật. “Công trình 640-1” là hạng mục quá cấp tiến, không phù hợp với thực lực kỹ thuật và kinh tế của Trung Quốc khi đó nên đành phải bỏ dở giữa chừng.
Hệ thống Radar báo động 7010 |
Tham vọng dùng siêu pháo bắn hạ tên lửa đạn đạo
“Công trình 640-2” là hạng mục nghiên cứu phát triển loại siêu pháo mang tên “Tiên Phong” chống tên lửa, được giao cho Sở 210 trực thuộc Viện 2 thực hiện. Do đầu đạn hạt nhân của đối phương phóng có tốc độ rất nhanh, độ cao lớn nên yêu cầu kỹ thuật đặt ra cho loại pháo Tiên Phong là tốc độ đạn phải nhanh, xạ trình (tầm bắn) cũng phải lớn.
Trước yêu cầu đó, Sở 210 tiến hành nghiên cứu phương án 1, đề ra phương án sử dụng pháo 85mm nòng trơn, đầu đạn 4kg. Bắn thử nghiệm sơ tốc đạn đạt 1.200m/s, tăng 50% so với trước khi cải tiến, nhưng vẫn không đủ nhanh để có thể chống đầu đạn đối phương.
Tiếp đó, Sở 210 nghiên cứu phương án 2 sử dụng pháo nòng trơn cỡ 140mm, đầu đạn 18kg. Kết quả thử nghiệm: sơ tốc đạn đạt 1.600m/s, độ cao đạt 74km, xạ trình đạt 130km, độ chính xác khi bắn bia đạt trình độ quốc tế lúc đó.
Tháng 1/1967, hội nghị luận chứng về “Công trình 640-2” được triệu tập. Hội nghị đã xác định phương án “Siêu pháo Trung Quốc” với mục tiêu thiết kế rất rõ: phấn đấu đến năm 1969 thử nghiệm đánh chặn tên lửa “Đông phong - 3”. Khẩu pháo này là loại siêu pháo chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc, nên được đặt tên là “Tiên Phong”.
Tiên Phong là loại pháo được đặt cố định trên mặt đất; việc giữ cho pháo ổn định là cả một vấn đề kỹ thuật cần giải quyết… Đầu những năm 1970, siêu pháo Tiên Phong đã nhiều lần bắn thử, tuy có đạt yêu cầu về xạ trình, nhưng đầu đạn không điều khiển nên rất khó bắn trúng mục tiêu, khó đạt được yêu cầu thực chiến.
Mặt khác nó chỉ có thể đặt cố định theo hướng nhất định nên muốn bảo vệ 1 mục tiêu phải bố trí rất nhiều khẩu pháo. Đó là gánh nặng vượt quá khả năng kinh tế của Trung Quốc khi đó. Vì vậy, năm 1977, “Công trình 640-2” bị đình chỉ, tháng 3/1980 bị chính thức hủy bỏ.
Hệ thống pháo laser chống vệ tinh của Trung Quốc thử nghiệm |
Dùng tia laser bắn hạ tên lửa đạn đạo
Phương thức đánh chặn thứ 3 là công trình nghiên cứu sử dụng tia laser chống tên lửa đạn đạo, được đặt tên là “Công trình 640-3”. Đơn vị được giao thực hiện là Sở nghiên cứu quang học cơ khí chính xác cao Thượng Hải trực thuộc Viện khoa học Trung Quốc (gọi tắt Sở quang cơ Thượng Hải).
Công trình này dự định chế tạo những nguồn phát laser năng lượng cao để chặn đánh tên lửa đạn đạo. Năm 1964, Sở quang cơ Thượng Hải khởi động chương trình nghiên cứu hệ thống laser thủy tinh Neodymi (Nd).
Đến giữa thập niên 1970 “Công trình 640-3” đã đạt được thành quả tốt trong việc dùng tia laser bắn bia ở khoảng cách xa và chống tên lửa AIM-9 “Sidewinder” (Rắn đuôi kêu), giành được giải thưởng về khoa học kỹ thuật của Ủy ban KHKT & Công nghiệp Quốc phòng Trung Quốc.
Tuy việc nghiên cứu chế tạo pháo laser giành được một số tiến triển, nhưng giám định kỹ thuật cuối cùng kết luận: “hệ thống laser gặp trở ngại kỹ thuật có tính cơ bản” nên “Công trình 640-3” cũng bị đình chỉ vào năm 1976. Tuy nhiên, “Công trình 640-3” đã đưa trình độ nghiên cứu kỹ thuật laser của Trung Quốc lên tầm cao mới, làm cơ sở cho việc phát triển sau này.
Ngoài 3 công trình kể trên, trong “Chương trình 640” còn có “Công trình 640-4” nghiên cứu chế tạo radar báo động 7010 và radar bám sát mạch xung 110 có hiệu quả thiết thực; “Công trình 640-5” nghiên cứu về vật lý của đầu đạn có điều khiển, cũng có đóng góp quan trọng cho việc phân biệt mục tiêu thật giả và sản xuất đầu đạn giả.
“Công trình 640” theo đánh giá của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trương Ái Bình là “cao, đại, tinh, tiêm” (kỹ thuật cao, lớn, chính xác, mũi nhọn), có độ khó kỹ thuật rất lớn, nhưng trình độ kỹ thuật, điều kiện sản xuất và tiềm lực kinh tế Trung Quốc khi đó đều không đủ để triển khai hệ thống nghiên cứu chế tạo to lớn, toàn diện như thế.
Vì vậy trong quá trình thực thi đã xuất hiện rất nhiều khó khăn lớn. Năm 1972, Mỹ và Liên Xô ký kết Hiệp ước ABM (Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo), hạn chế việc triển khai các tên lửa chống tên lửa đạn đạo chiến lược giữa Liên Xô và Mỹ. Sau đó, 2 nước này cắt giảm hoặc tạm dừng các chương trình phòng thủ tên lửa của họ. Điều này tác động đến việc Trung Quốc có tiếp tục thực hiện Công trình 640 hay không.
Một vụ thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn chống tên lửa đạn đạo |
Tháng 3/1980, do Trung Quốc chuyển hướng ưu tiên chiến lược cho xây dựng kinh tế nên nhà lãnh đạo trên thực tế Đặng Tiểu Bình, khi đó là Phó Thủ tướng đã chính thức ký lệnh đình chỉ “Công trình 640” tốn kém mà không đạt yêu cầu dự kiến.
Giới bình luận quân sự Trung Quốc cho rằng, tuy “Công trình 640” bị hủy bỏ giữa chừng, không đạt yêu cầu đề ra nhưng nó đã đặt nền móng và là bài học để Trung Quốc tái khởi động “Kế hoạch 863” – Kế hoạch nghiên cứu phát triển kỹ thuật cao, được chính phủ Trung Quốc phê duyệt ngày 3/3/1986, trong đó bao gồm tái khởi động chương trình phòng thủ chống tên lửa đạn đạo.
“Công trình 640” được coi là có ý nghĩa lớn lao đối với sự phát triển kỹ thuật hàng không vũ trụ, chống tên lửa và chống vệ tinh của Trung Quốc sau này.