Cần tiếp thêm sức sống cho chợ quê giữa lòng thành phố Cảng

(PLO) - Chợ họp duy nhất một ngày trong tuần để mua bán các sản phẩm đậm chất quê, chợ Hàng (phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân) còn giữ được những nét chợ cổ xưa, mang đậm chất đồng quê thôn dã, đặc trưng của vùng nông thôn Bắc bộ giữa lòng đô thị công nghiệp hiện đại.
Người dân tham quan và mua sắm tại chợ Hàng
Người dân tham quan và mua sắm tại chợ Hàng

Chợ Hàng là một “thương hiệu bán lẻ” của người dân Hải Phòng đã có thời gian tồn tại đến hàng trăm năm. Trước đây, chợ Hàng được họp vào ngày các ngày mồng 5,10 và 15 âm lịch hàng tháng tại xã Dư Hàng, huyện An Hải. Sau này, do nhu cầu phát triển kinh tế, quy hoạch dân cư, chợ Hàng được chuyển về vị trí khu vực giữa đường Hoàng Minh Thảo (phường Dư Hàng Kênh) và đường Nguyễn Văn Linh (phường Vĩnh Niệm) và được họp vào ngày Chủ nhật hàng tuần.

Chợ Hàng được người dân Hải Phòng và nhân dân các tỉnh thành khác biết đến bởi một phiên chợ có nét độc và lạ riêng, là nơi bày bán hàng trăm các mặt hàng truyền thống của người nông dân vùng đồng bằng sông Hồng như: các loại giống rau củ, vật nuôi; thúng, mủng, nong nia và các đồ dùng phục vụ sinh hoạt bằng tre, nứa; các loại nông cụ là cuốc, thuổng, cày, bừa. Đây là những gian hàng truyền thống của chợ Hàng qua hàng trăm năm nay.

Một góc chợ Hàng
Một góc chợ Hàng

Gần đây, để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, chợ Hàng còn bày bán những gian hàng quần áo, giầy dép, mũ, nón, chăn gối. Tuy nhiên những gian hàng này thường vắng khách bởi đa phần người dân ghé qua chợ này là để tìm mua những vật dụng đặc trưng của thôn quê.

Không chỉ có người Hải Phòng biết đến chợ Hàng mà rất nhiều người từ các tỉnh thành khác cũng đến chợ để mua, bán thậm chí để thăm quan chợ. Bên cạnh những gian hàng chật cứng kẻ bán, người mua thì còn có nhiều người chỉ đi chợ Hàng để tham quan những gian hàng bày bán những sản phầm mình ưu thích thậm chí mang đồ vật đến để giao lưu trao đổi với những người cùng sở thích. Đó là một nét văn hóa khó lẫn của chợ Hàng với các chợ khác.

Anh Hoàng Hữu Khương (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) cho biết, “từ nhỏ tôi đã được bố cho đi chơi ở chợ Hàng. Nên mỗi khi nhắc đến chợ Hàng tôi rất háo hức. Khi có gia đình riêng, tôi cũng hay dẫn vợ con đi chợ này để chọn mua cây cảnh và con giống về chăn nuôi. Ở đây dễ mua, dễ bán vì vậy dù cách nhà gần 50 km nhưng cứ thích đồ gì tôi lại đi xe máy ra mua”. 

Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi khi đến phiên chợ vào ngày chủ nhật hàng tuần, chợ Hàng có hàng nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm. Các gian hàng hút khách nhiều nhất là gian hàng bán cây cảnh, chim cảnh, các con giống, vật nuôi.

Ông Lê Viết Cường, Chủ tịch UBND phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân cho biết, người dân địa phương và các tỉnh thành khác đến với chợ Hàng trong ngày chủ nhật hàng tuần rất đông. Khách đến với chợ Hàng không chỉ để mua sắm mà còn để thăm quan, thưởng thức những gian hàng dân giã chỉ có ở chợ Hàng.

“Chúng tôi rất mong sớm quy hoạch lại chợ Hàng sao cho phù hợp để người dân Hải phòng cũng như du khách thập phương được thỏa sức thăm quan và mua sắm tại một phiên chợ quê giữa lòng đô thị hiện đại mà không phải chen lấn, xô đẩy”, ông Cường cho biết thêm.

Mua bán gia cầm tại chợ Hàng
Mua bán gia cầm tại chợ Hàng

Chợ tuy đông nhưng không có cảnh chèo kéo khách, lừa bịp hay móc túi. Tuy nhiên, do khuôn viên chợ chật chội, không được quy hoạch bài bản nên nhiều khu vực bán hàng còn xập xệ, mất vệ sinh nhất là các gian hàng bán con giống, vật nuôi. Đặc biệt, vào những giờ cao điểm tầm 8-9 giờ sáng ngày Chủ nhật thì lượng người đổ về chợ rất đông, nên hiện tượng chen lấn, xô đẩy vẫn thường xuyên diễn ra.

Trong cuộc sống hiện đại với sự xuất hiệu của nhiều trung tâm thương mại lớn, bán các loại hàng hoá hiện đại và sang trọng, vẫn rất cần một nơi để người dân trao đổi những món đồ bình dân, giản dị nhưng thiết yếu.

Chợ Hàng đang trở nên đặc biệt hơn khi trở thành một không gian văn hoá quan trọng của người dân bởi ở đó không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hoá mà còn là không gian văn hoá lưu giữ những thói quen, sinh hoạt của quá khứ và hiện tại, là nơi nhiều người muốn trở về. Để chợ Hàng không chỉ là một “thương hiệu bán lẻ” đồ dùng “nhà quê” mà còn là thương hiệu văn hoá, nơi lưu giữ những nét văn hoá thôn quê đang dần mai một, nên rất cần có giải pháp để quản lý chợ Hàng tốt hơn, tiếp thêm sức sống cho khu chợ rất đặc biệt này.

Đọc thêm