Cảnh báo nạn vé máy bay, vé tàu giả dịp Tết

(PLO) -  Trong những năm trước, đã có trường hợp vào dịp Tết, hành khách mua vé máy bay qua mạng nhưng bị lừa đảo, mua phải vé giả. Năm nay, lần đầu tiên lại xuất hiện thêm tình trạng vé tàu bị giả mạo. 
Một trang web giả mạo bán vé tàu với giá cao gấp 2, 3 lần cho khách nước ngoài
Một trang web giả mạo bán vé tàu với giá cao gấp 2, 3 lần cho khách nước ngoài

Cẩn trọng các website bán vé giả mạo

Mới đây, thông tin từ Cty Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, đường sắt Sài Gòn đã ghi nhận 8 trường hợp thẻ lên tàu giả. Trong số đó, có 4 vé tàu từ Sài Gòn đi Huế bị làm giả mã vạch. 4 vé còn lại không có tên hành khách và thông tin sai so với vé trên hệ thống. Được biết, các hành khách mua từ vé “chợ đen” hoặc các website giả mạo đang tràn lan trên mạng.

Trước đó, đường sắt Sài Gòn cũng đã cảnh báo tình trạng nhiều website bán vé tàu giả mạo đang xuất hiện trên mạng. Những trang này đa phần có tên miền nước ngoài, bán vé với giá đắt gấp nhiều lần so với giá vé niêm yết. Đối tượng mà các web này hướng đến lừa đảo chủ yếu là hành khách nước ngoài.

Theo cung cấp từ Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn, các website như vietnamrailways.net, cheapvietnamtrain.com, vietnam-railway.com, vietnamtrainticket.com… là các website giả mạo. Đăng nhập vào các website này vẫn thấy đang rao bán vé tàu cho du khách và quảng bá các chương trình du lịch xuân. Với vé tàu mềm, máy lạnh, trên website chính thức của đường sắt Việt Nam bán với giá từ 800- 900 ngàn cho thời điểm trong tháng 12 dương lịch. Giá vé trên các web giả mạo dao động từ 65USD – 100USD, nghĩa là gần gấp 2 lần.

Năm nay, tình hình vé tàu giả mới bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, vé máy bay giả mạo thì đã xuất hiện từ hơn hai năm nay. Xuất phát từ việc mua bán trực tuyến vé máy bay tiện lợi, nhiều đối tượng đã lập các website và đẩy mạnh xuất hiện trên thanh tìm kiếm google. Các website này rao bán vé với giá rẻ hơn hẳn so với giá vé máy bay chính hãng. Người mua vẫn vào đặt vé, sau đó chuyển khoản thanh toán hoặc vé giao đến tận nơi rồi thanh toán tại chỗ.

Dựa vào tình hình hiện nay vé máy bay không cần xuất vé, chỉ cần xuất mã code, tên tuổi khách hàng, in ra giấy A4 là được, nên khách hàng khó lòng phát hiện ra sự giả mạo, khi tờ giấy vẫn có thông tin chuyến bay, tên họ khách hàng, mã vạch… Thực chất, những kẻ lừa đảo mua một vé từ đại lý chính hãng, có được mã code, sau đó dùng phần mềm chỉnh sửa chỉnh hàng loạt tên khách hàng khác nhau, in ra và thu lợi. Đã có không ít hành khách Việt Nam và khách nước ngoài đến Việt Nam dính quả lừa như trên.

Ngành đường sắt và các hãng hàng không đều khuyến cáo, hành khách nên chọn đúng website để đặt vé, cẩn trọng với những website có tên miền lạ, từ nước ngoài. Ngoài ra, đối với vé tàu, hành khách có thể vào địa chỉ http://dsvn.vn/kiemtrave  để kiểm tra vé tàu có đúng hay không. Với vé máy bay, các hãng hàng không khuyến cáo khách hàng liên hệ đường dây nóng hoặc website chính thức của mỗi hàng để xác nhận trước khi mua vé.

Khó để “trị tận gốc”?

Nói cho cùng, việc xuất hiện tình trạng vé giả vào dịp cận Tết là do nhu cầu đi lại quá cao của người dân. Năm nào, các hãng vận tải cũng đưa thông tin tăng số chuyến, tăng lượng hành khách, thế nhưng, năm nào cũng diễn ra tình trạng cháy vé, thiếu vé, người dân nhốn nháo. Lý do, một phần là sự quản lý không chặt dẫn đến tình trạng vé tuồn ra “chợ đen”, bị một số kẻ đầu cơ thâu tóm, chờ thời điểm “nóng” tung ra bán với giá cao.

Cho đến thời điểm này, Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn đã mở bán 2 đợt vé, đợt 1: 300.000 vé đã nhanh chóng bán hết, đợt 2 vừa mới đây là 17.500 vé. Tuy nhiên, vé đợt 2 vừa mở bán, người dân đã than “hết vé”, đặt trên mạng không còn vé tốt, thậm chí chần chừ là cả vé vị trí bất tiện cũng không còn. Tại ga Sài Gòn, thời điểm mở bán đợt 2, giữa tháng 11, số người đến mua vé trực tiếp luôn gấp 3, 4 lần lượng phiếu chờ phát hành.

Trong khi đó, lực lượng vé “chợ đen” vẫn túc trực tại các quán café cách nhà ga không xa để gạ bán vé. Tuy nhiên, năm nay, với quy định mới của ngành đường sắt, mức phí đổi thông tin trên vé đã tăng từ 5% lên thành 30%, với mức chênh lệch này, nhiều có cũng không dám làm liều ôm nhiều vé. Tất nhiên, vẫn có trường hợp khách vì quá cần mà vẫn chấp nhận chênh lệch cao để mua lại vé. Ngoài ra, vé giả xuất phát từ “chợ đen” cũng không ít.

Về phía hàng không, cái khó nhất hiện nay là tình trạng các đại lý cấp 2, cấp 3, thậm chí cấp 4 (không có hợp đồng chính thức với hãng hàng không) mọc ra quá nhiều. Cạnh đó là các website vé rẻ tràn lan trên mạng, không được xác thực và khó kiểm soát. Ngoài ra, không giống vé tàu, vé máy bay hầu như không có giá niêm yết nào chính thức, mỗi trang bán vé ra một giá nhằm cạnh tranh nhau.

Thậm chí, với lượng đại lý dày đặc, thường xảy ra trường hợp hàng khách muốn vào web của hãng hàng không mua trực tiếp không còn vé, nhưng ra các web bên ngoài thì vẫn còn. Cộng với cách mua vé lỏng lẻo hiện nay, thì việc khách hàng mua phải vé giả vẫn khó lòng kiểm soát được.

Đọc thêm