Du lịch Việt Nam: Tăng trưởng vượt bậc nhưng chưa xứng tầm

(PLO) - Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, những chỉ tiêu đặt ra đến năm 2020 thì năm 2017 cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Du lịch vẫn trăn trở bởi nhiều tiềm năng vẫn chưa được khai thác…
Du lịch trải nghiệm được nhiều khách nước ngoài quan tâm. (Ảnh minh họa)
Du lịch trải nghiệm được nhiều khách nước ngoài quan tâm. (Ảnh minh họa)

9 tháng đầu năm nay, Việt Nam đón được hơn 11,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo đến cuối năm 2018, lượng khách quốc tế sẽ đạt được 15,6-15,7 triệu lượt.

Tương ứng với lượng khách, thu nhập từ du lịch cũng tăng trưởng khả quan với tỉ lệ trung bình cho cả giai đoạn 2011-2017 đạt xấp xỉ 25%/năm. Trong 2 năm trở lại đây, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của cả khách du lịch quốc tế và du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đã đạt kết quả ấn tượng với 417.300 tỉ đồng năm 2016 và tăng lên 541.000 tỉ đồng năm 2017. Đóng góp trực tiếp từ du lịch vào GDP năm 2017 là 7,9%.

Song, dù đạt được những kết quả vượt bậc nhưng thực tế phát triển du lịch Việt Nam còn những hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.“Du lịch Việt Nam vẫn chưa tạo được nhiều sản phẩm khác biệt, tầm cỡ, có thương hiệu du lịch quốc gia, chưa tập trung cho sản phẩm có giá trị gia tăng cao, trong khi giá cả so sánh trong một số khâu dịch vụ còn cao. Khả năng cạnh tranh chưa cao về chất lượng du lịch, xúc tiến, quảng bá. Nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu; DN chủ yếu là vừa và nhỏ trong khi vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế. Vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch cũng chưa được phát huy” – ông Nguyễn Văn Tuấn cho thừa nhận.

Thực tế, Việt Nam vẫn tự hào có bãi biển đẹp đồi núi hùng vĩ và một hệ thống di sản văn hóa phong phú, ấn tượng thế nhưng việc khai thác những tài nguyên này cho du lịch đến nay vẫn còn ở một khoảng cách khá xa. Phần lớn các sản phẩm du lịch hiện nay đều do tự DN làm mang tính tự phát nên còn trùng lặp và thiếu tính sáng tạo.

Ông Bùi Văn Mạnh – Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, việc xúc tiến du lịch tại địa phương thường do địa phương tự mò mẫm. Bên cạnh đó, vì nguồn kinh phí hạn chế nên đa phần phải huy động xã hội hóa dẫn đến chưa hiệu quả như mong muốn.

Để du lịch Việt Nam có thể cất cánh như kỳ vọng, theo ông Phạm Trung Lương – nguyên Phó Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch, cần quan tâm vào chất lượng hơn số lượng. Ông lấy ví dụ, năm 2016, Thái Lan đón 32 triệu lượt khách quốc tế trong khi Singapore chỉ bằng 1/2 nhưng thu nhập lại cao hơn. Điều đó cho thấy hiệu quả kinh tế lớn hơn nếu chú trọng vào thị trường khách du lịch cao cấp.

Về phía DN, ông Nguyễn Trung Thành – Giám đốc Công ty Du lịch Golden T Travel cho rằng, Chính phủ và các ban, ngành cần phải có chính sách nhất quán và dự báo được xu thế trong dài hạn trong công tác quy hoạch phát triển du lịch để tập trung nguồn lực đầu tư; tránh đầu tư dàn trải và đầu tư một cách cầm chừng, tạm thời. 

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý ngành tại địa phương cũng cần tăng cường công tác quản lý, thanh – kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm để giảm nạn chèo kéo, cướp giật và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các điểm du lịch. Ngoài ra, cần xác định đúng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, bởi đây là đầu ra trong chuỗi giá trị du lịch mang lại nguồn thu trực tiếp cho ngành.

“Sản phẩm phải mới, đặc trưng và có những phân phúc riêng hướng đến từng nhóm đối tượng khách khác nhau, trong đó tập trung hướng đến khách ở các thị trường có khả năng chi tiêu cao như châu Âu” – ông Thành nói. 

Đọc thêm