Giải thích luật kiểu… cơ quan quản lý “nắm đằng chuôi”

(PLO) - Để dễ bề quản lý, cơ quan hữu trách đã giải thích luật bằng những quy định “cụ thể” hơn, mà không dự liệu đến quy định đó bất cập trong thực tiễn, dẫn đến quyền lợi của người lao động bị xâm hại. Nhưng điều không thể chấp nhận được là thái độ vô cảm khi sự việc xẩy ra. 
Giải thích luật kiểu… cơ quan quản lý “nắm đằng chuôi”
Quy định “tháng liền kề” xuất hiện trong hệ thống điều kiện hưởng bảo BHTN từ sau khi Nghị định số 100/2012/NĐ-CP ngày 21/11/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm Xã hội về BHTN được ban hành. Tiếp đó, quy định này được cụ thể hóa tại Thông tư số 04/2013/TT-BLĐTBXH về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2010 của LĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP. Quy định này đi vào thực tiễn từ ngày 15/4/2013.
Theo các văn bản này, người đang đóng BHTN được hiểu là người có tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đó đóng BHTN. Có thể hiểu, khái niệm “tháng liền kề” để “làm rõ” thế nào là một người lao động “đang” đóng BHTN.
Với giải thích này, cơ quan quản lý Nhà nước, mà trực tiếp ở đây là ngành LĐTBXH, sẽ dễ dàng xử lý các tình huống người lao động nào được hưởng BHTN.  
Tuy  nhiên, trao đổi với Pháp luật Việt Nam, nhiều luật gia không đồng tình với cách xây dựng quy định này. Cụ thể, chiểu theo Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội, người thất nghiệp được hưởng BHTN khi có đủ các điều kiện sau đây: Một, đã đóng BHTN đủ 12 trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi thất nghiệp.
Hai, đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức BHXH.
Ba, chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp theo quy định pháp luật. 
Và Điều 15 của Nghị định 127/2008/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể điều kiện hưởng BHTN theo Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội cũng ghi nhận đồng nhất các điều kiện đã quy định trong Luật: 
Đã đóng BHTN đủ 12 trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; đã đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động theo quy định pháp luật.
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội luật gia TP.Hà Nội thẳng thắn: Thông tư 04/2013/TT-BLĐTBXH quy định "Người đang đóng BHTN là người có tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng BHTN" làm điều kiện để đăng ký hưởng BHTN là trái với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHTN. 
Quy định này gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Quy định này không phù hợp với tinh thần Luật Bảo hiểm xã hội và bất cập so với thực tiễn, không có tính khả thi vì vậy cần sớm được xem xét, sửa đổi.
“Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, và các văn bản dưới luật, dù là nghị định hay thông tư, nếu quy định không phù hợp với các quy định của luật, thì không có hiệu lực” – ông Tuyến nói – “Ở đây, quy định đó còn ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng ngàn lao động, nên càng cần sớm được xem xét, chỉnh sửa cho hợp lý”.
Luật sư Trần Mạnh Thắng - Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng quy định như vậy là trái với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật:
Quy định “tháng liền kề” trong Thông tư 04/2013/TT-BLĐTBXH đã “hạn chế” đối tượng hưởng BHTN. Quy định này chẳng những trái pháp luật mà nó còn thiếu cả tình người khi hạn chế quyền được trợ cấp thất nghiệp của những NLĐ nghèo trong cơn bĩ cực nhất. 
Trong khi Nghị định số 127/2008 của Chính phủ và Luật BHXH là những văn bản pháp lý cao hơn đều không bắt buộc NLĐ phải đáp ứng điều này. Chính vì thế, việc nhiều cơ quan chức năng cố tình ban hành các văn bản hướng dẫn có hàm chứa nội dung theo kiểu “giấy phép con” làm khó NLĐ  mà không tuân theo các văn bản pháp quy cao hơn đều trái với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đọc thêm