Không nên chủ quan khi mua thú cưng

(PLO) - Khi cuộc sống đã ổn định và khá giả, nhiều hộ dân bắt đầu giải trí bằng hình thức mua và nuôi thú cưng. Tuy nhiên việc tùy tiện mua các loài thú cưng có thể tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh, hủy hoại môi trường
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều loại thú cưng được chọn mua nuôi nhiều hiện nay như: chó, mèo, chim, cá cảnh… đó là chưa kể đến một số động vật lạ như: rồng Úc, sóc bay Úc, giông Axolotl, bọ cạp đen, ếch pacman, cua ma cà rồng, chuột Hamster, Bear, Campel, Robo… 

“Nghề chơi thú cưng” vì thế cũng lắm công phu. Khi nuôi thú cưng phải kèm theo hàng loạt món đồ như: chuồng nuôi, thức ăn, đồ đựng thức ăn, thuốc thú y, áo quần, dây đeo lục lạc và một số dụng cụ thiết yếu khác trang bị cho thú cưng sẽ ngốn một khoản kinh phí đầu tư để nuôi thú cưng không hề nhỏ. Tuy nhiên, có cầu ắt phải có cung.

Theo chân một gia đình nuôi thú cưng đến một Phòng khám thú y ở ngang chợ Mỹ Ngãi (đường 30/4, Phường 1, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), nơi đây có rất nhiều dịch vụ từ việc mua bán thú cưng, chuồng, các loại đồ dùng của thú cưng đến việc tiêm phòng, chăm sóc và điều trị cho thú cưng. Quan sát phía trước cửa vào phòng khám là những chú chó kiểng các loại được chủ Phòng khám treo bảng “Chó bán”, bước vào bên trong là các lồng kiếng bày bán những chú Chuột Hamster các loại. Những chú chó kiểng được kêu giá thấp nhất là vài trăm ngàn/con còn cao nhất lên đến năm, bảy triệu đồng/con.

Đối với Chuột Hamster (vòng đời khoảng 2 năm) như: Bear, Campel, Robo… có giá bán thấp nhất là 70.000đồng/con và cao nhất là 60.000đồng/con… Không chỉ có điểm bán này, chúng tôi có dịp đi một số nơi như: thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ… còn bày bán một số loài thú độc, lạ và giá cả cũng không thấp. Nhiều loài có giá bán từ vài triệu đến cả chục triệu đồng/con như: tép ong đỏ, rồng Úc, sóc bay Úc, giông Axolotl... nhưng không ít người vẫn chi tiền để mua cho bằng được.  

Khi đã chọn được một hoặc hai con thú cưng vừa ý, người nuôi còn phải đầu tư thêm một khoản kinh phí không nhỏ để mua chuồng, thức ăn, xà phòng chuyên dụng để tắm thú rồi chích thuốc ngừa… Tuy nhiên, vì đam mê nuôi thú cưng song lại không am hiểu về đặc tính sinh học, nguồn gốc động vật đó dễ dẫn tới chủ quan với các nguy cơ tiềm ẩn bệnh truyền nhiễm. Thậm chí, có những thú cưng như: chó, mèo… tấn công gây thương tích nặng cho con người. Trước đây, đã có nhiều sinh vật ngoại lai khi nhập vào nước ta đã phá hoại môi trường sống như ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, cá lau kiếng, cá chim trắng, cá rô phi vằn, bọ cánh cứng hại dừa… 

Mặc dù, nhiều người ra sức tiêu diệt, tốn rất nhiều công sức, tiền của nhưng chúng vẫn tồn tại, sinh sôi và tràn lan rất nhanh. Thiết nghĩ, mọi người - nhất là những người đam mê nuôi thú cưng nói riêng và đam mê nuôi trồng sinh vật cảnh nói chung nên cẩn trọng, cảnh giác, không chủ quan khi mua, nuôi trồng các loài sinh vật ngoại lai mà mình chưa am hiểu về đặc tính sinh học, nguồn gốc động - thực vật đó, nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc về sau. 

Đọc thêm