Người tiêu dùng thiệt hại trong “mê cung” trà sữa

(PLO) - Với “cơn sốt” trà sữa trong giới trẻ Việt hiện nay, trà sữa có vẻ như là một mặt hàng kinh doanh rất dễ sinh lợi. Đó chính là lý do khiến hàng loạt thương hiệu trà sữa nhập ngoại vào Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, rắc rối cũng đã xảy ra chung quanh câu chuyện “đâu là chính hãng”, khiến người tiêu dùng lo lắng.
Một cửa hàng Royal Tea tại Việt Nam mua nhượng quyền từ Trung Quốc
Một cửa hàng Royal Tea tại Việt Nam mua nhượng quyền từ Trung Quốc

Rắc rối chính hãng, không chính hãng

Mới đây nhất, người tiêu dùng đã ngỡ ngàng khi cửa hàng Royal Tea mở ở Đà Nẵng tuyên bố là cửa hàng nhượng quyền chính thức tại Việt Nam. Trên trang web chính thức của Royal Tea Đài Loan đã đăng tải địa chỉ chi nhánh ủy quyền chính thức của thương hiệu này tại Việt Nam là tại phố Yên Bái, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.

Theo chủ của cửa hàng trà sữa Royal Tea “độc quyền” mới mở ở Đà Nẵng, phía Royal Tea “chính gốc” ở Đài Loan không có chủ trương mở rộng ở các nước nên chi nhánh của anh là đầu tiên tại Việt Nam, trà sữa được chế biến đúng chuẩn công thức cửa hàng phía bên Đài Loan và thiết kế cũng tuân thủ nguyên mẫu.

Trước đó, Royal Tea đã hoạt động trên nhiều tỉnh, thành cả nước, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM. Đây cũng là thương hiệu trà sữa được giới trẻ rất ưa chuộng. Sự việc bất ngờ đặt ra câu hỏi, thế thì các cửa hàng Royal Tea đang hoạt động mạnh tại nhiều thành phố rất có thể không phải “chính hãng”, vậy thì đến từ đâu?

Mới đây, chủ của chuỗi cửa hàng Royal Tea tại Hà Nội lại cho biết, Royal Tea Hà Nội mua nhượng quyền từ một công ty của Trung Quốc nên không thể nói là không chính hãng, đồng thời thương hiệu Royal Tea không được bảo hộ thương hiệu, nên ai cũng được quyền kinh doanh (!) Những thông tin khác nhau nói trên làm người tiêu dùng khá hoang mang.

Theo một chuyên gia về nhượng quyền thương hiệu, những trường hợp như thế này rất có thể các cửa hàng trà sữa mở trước đã mua nhượng quyền của một “đại lý cấp 2”. Có điều, quan trọng là kí kết thỏa thuận giữa đôi bên thế nào, có đảm bảo công thức trà sữa gốc, đảm bảo các quy định thương hiệu đặt ra hay không thì là chuyện của hai bên, chưa ai nắm rõ được.

Thậm chí, chuyên gia này cho biết, thực tế nhiều người kinh doanh mua nhượng quyền thương hiệu các nhãn trà sữa mà cũng không biết rõ mình đang mua của đại lý cấp 2, cấp 3. Một khi lao vào “cơn sốt” mà không nắm rõ tình hình, người kinh doanh rất có thể mua nhượng quyền với một cái giá cao, nhưng dễ rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” như câu chuyện Royal Tea hiện nay.

Cạnh đó, không chỉ có những người kinh doanh nhầm lẫn, nhiều trường hợp người mua nhượng quyền biết mà vẫn “đánh lận con đen”. Trước đây, có nhiều trường hợp thương hiệu trà sữa tự xưng mình là “cửa hàng độc quyền”, cửa hàng đầu tiên, chính hãng… để rồi cuối cùng phải đóng cửa vì… mở lậu.

Một nhãn hiệu trà sữa tự xưng là mua nhượng quyền chính hãng, sánh tầm thương hiệu Mỹ cũng từng bị người tiêu dùng “vạch mặt” là một nhãn hiệu trà sữa “tầm tầm”, ít tên tuổi xuất xứ từ Trung Quốc. Nhiều người từng đến Trung Quốc, Đài Loan, có sự tìm hiểu sẽ thấy tại các nước này, thương hiệu nổi tiếng về trà sữa của họ hoàn toàn khác, hầu hết không phải là các thương hiệu đang nổi tại Việt Nam và được quảng bá là “hàng đầu” của các nước chính gốc.

Người tiêu dùng chịu thiệt

Hiện, tại Việt Nam có tầm trên 20 thương hiệu trà sữa nhập ngoại, còn nhãn hiệu trong nước thì… vô số kể. Về các thương hiệu nhập ngoại, có khoảng 10 thương hiệu được cho là đình đám trong giới trẻ như Gong Cha, Koi, Royal, Ding Tea, Toco, Share Tea, R&B… Trước các sự cố xảy ra gần đây, câu hỏi được đặt ra là, liệu trong số các thương hiệu đang được đẩy lên nhờ xu thế đám đông và bàn tay truyền thông, có bao nhiêu thương hiệu “mua chính hãng”, có bao nhiêu thương hiệu thực sự có tiếng tăm, uy tín nước bạn?

Điều quan trọng khi người tiêu dùng chọn mua trà sữa của các thương hiệu ngoại, bất chấp mức giá cao hơn “hàng nội”, đó là khẩu vị và sự an tâm. Tuy nhiên, với nghi vấn “mua không chính hãng” và “thương hiệu chưa chắc uy tín” đang đặt ra như hiện nay, rất có thể nhiều người tiêu dùng đã bị “ăn quả lừa” ngoại mục khi tin vào một số thương hiệu trà sữa đình đám. Cần phân biệt việc mua nhượng quyền chính hãng và không chính hãng sẽ đem lại nhiều yếu tố rất khác biệt, cho dù cùng một sản phẩm.

Một điều có thể thấy rõ, là khi mua nhượng quyền chính hãng, người mua buộc phải tuân thủ sự kiểm tra chất lượng và kiểm định đầy đủ từ công ty mẹ và các bên liên quan. Đồng thời, các nguyên liệu và dụng cụ cũng được nhập khẩu, có nguồn gốc rõ ràng. Còn mua nhượng quyền không chính hãng, các yếu tố này không chắc có thể đảm bảo được. Đã có trường hợp xảy ra tại Việt Nam, một nhãn trà sữa nhập ngoại nổi tiếng bị cơ quan chức năng phát hiện dùng nguyên tiệu trôi nổi, độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Thị trường trà sữa trong nước hiện nay quả thật đã trở thành một “mê cung” mà các tín đồ trà sữa rất dễ “lạc lối” trong đó. Nếu không tỉnh táo, phần thiệt rất có thể hoàn toàn thuộc về người tiêu dùng mà thôi.

Đọc thêm