Sửa quy định để gỡ khó cho đóng tàu theo Nghị định 67

(PLO) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ (về một số chính sách phát triển thủy sản) với mong muốn giải quyết những bất cập của chính sách này trong gần 3 năm qua.
Hạ thủy tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ở Bình Thuận
Hạ thủy tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ở Bình Thuận

Hơn 930 tàu đã được đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67

Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, cùng với Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015, Nghị định số 172/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP được đánh giá là đã tạo hành lang gồm nhiều nhóm chính sách phát triển thủy sản mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản, phát triển bền vững. 

Ba năm qua, mục tiêu của chính sách về hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được thể hiện thông qua kết quả thực hiện chính sách vay vốn tín dụng để đóng mới, nâng cấp tàu cá. Cụ thể, có trên 50% là tàu đóng mới vỏ thép, vỏ vật liệu mới, với trên 52 % tàu có công suất trên 800CV được trang bị hiện đại. 

Tính đến 28/02/2017, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 932 tàu, chiếm 48 % tàu cá được phê duyệt đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu, với số tiền cam kết cho vay khoảng 9.139 tỷ đồng. Hiện đã có 557 tàu cá đóng mới và 104 tàu nâng cấp đi vào hoạt động tại các tỉnh trong đó có 188 tàu vỏ thép, 22 tàu composite và 347 tàu vỏ gỗ và nâng cấp 105 tàu. Các tàu này chủ yếu làm nghề lưới vây, rê, chụp. Tính đến ngày 28/02/2017, các chủ tàu đã trả nợ gốc cho ngân hàng đạt 65 tỷ đồng, tổng dư nợ còn 7.963 tỷ đồng.

Trong 2 năm 2015 – 2016, tổng giá trị bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên là hơn 25.616 tỷ đồng. 

Không ít vướng mắc ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách

Quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP cho thấy tồn tại một số khó khăn, vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, việc cân đối, bố trí kinh phí đối với các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành thủy sản chưa đúng quy định tại Điều 3 Nghị định 67/2014/NĐ-CP, ảnh hưởng tiến độ và khả năng đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đặc biệt là nơi neo đậu đối với các tàu cá có kích thước lớn, tàu vỏ thép... Nguồn vốn để thực hiện đầu tư hạ tầng cho ngành thủy sản còn dàn trải, chưa tập trung để đáp ứng được trực tiếp sản xuất.

Về chính sách tín dụng hỗ trợ lãi suất vốn vay, chưa có quy định đối với ngư dân đang đóng hoặc mới đóng xong nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên không tiếp tục thực hiện dự án đóng tàu nữa muốn chuyển nhượng cho chủ tàu khác.

Trường hợp ngư dân đề nghị được vay vốn bổ sung vượt dự toán ban đầu do có sự điều chỉnh thiết kế hoặc do khối lượng vật tư thực tế vượt dự toán chưa được thực hiện. Trường hợp tàu đóng xong đi vào hoạt động bị bắt, bị xử phạt, một số trường hợp bị tịch thu tàu nhưng chưa có phương án xử lý thu hồi vốn để bảo toàn vốn vay cho ngân hàng thương mại.

Trong khi đó, chính sách bảo hiểm (nhằm hỗ trợ người dân giảm bớt khó khăn và yên tâm khi hoạt động sản xuất trên biển, bảo đảm tài sản thế chấp cho nguồn vốn vay) thì thời gian hỗ trợ chỉ đến hết năm 2016, trong khi các khoản vay kéo dài từ 10 đến 15 năm nên khó khăn cho ngân hàng thương mại để bảo toàn nguồn vốn vay.

Bên cạnh đó, mức ưu đãi đối với ngư dân vay vốn lưu động là chưa cao trong khi cơ chế cho vay vẫn là cơ chế cho vay thương mại thông thường và phải phê duyệt qua nhiều cấp nên chưa tạo được sức hút đối với ngư dân.

Gỡ nhiều “nút thắt”

Thời gian thực hiện một số chính sách tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP đến hết năm 2016, và mặc dù đã được Chính phủ thống nhất kéo dài thực hiện đến hết 31/12/2017. Nhưng theo Bộ NN&PTNT, vẫn cần thiết ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung để cho phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2014/NĐ-CP đang được xây dựng, chính sách tín dụng hỗ trợ lãi suất vốn vay đóng mới, nâng cấp tàu cá được đề xuất sửa đổi theo hướng chỉ hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu cá từ lớn hơn 90CV  đến nhỏ hơn 400CV lên tàu trên 800CV, không làm tăng số lượng tàu xa bờ và chuyển đổi nghề lưới kéo sang các nghề cần khuyến khích phát triển. Vì số lượng tàu khai thác xa bờ đến nay đã cơ bản đạt theo quy hoạch phát triển tàu khai thác xa bờ tại Quyết định Quyết định 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030. 

Bổ sung một số quy định để xử lý các trường hợp phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định 67 như: thay đổi chủ thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu; vay vượt mức dự toán; tàu cá bị bắt giữ xử lý.

Đối với chính sách cho vay vốn lưu động, Bộ NN&PTNT đề xuất sửa đổi bổ sung theo hướng tăng hạn mức cho vay tối đa cho một chuyến biển; sửa đổi, bổ sung thêm cơ chế cho vay (theo hình thức vay tín chấp và bỏ thủ tục UBND cấp tỉnh phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện được vay vốn).

Chính sách bảo hiểm cũng được đề xuất sửa đổi, bổ sung thời gian thực hiện chính sách bảo hiểm phù hợp với thời gian hợp đồng tín dụng vay vốn đóng tàu, nâng cấp tàu giữa chủ tàu và các ngân hàng thương mại, thay thế chính sách hỗ trợ bảo hiểm đang thực hiện theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ... Đồng thời, dự thảo cũng đề nghị quy định rõ thời gian thực hiện các chính sách, để khắc phục các vướng mắc trong thời gian vừa qua.

Đọc thêm