Tiêu thụ nông sản miền núi qua thương mại điện tử gặp khó

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thương mại điện tử (TMĐT) đang giữ vị trí quan trọng, là giải pháp hiệu quả thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, giữ vững chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, tiêu thụ nông sản miền núi qua TMĐT vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Nhiều nông sản miền núi được bán trên sàn thương mại điện tử Postmart.
Nhiều nông sản miền núi được bán trên sàn thương mại điện tử Postmart.

Hàng loạt rào cản

Hiện Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chính sách và triển khai các giải pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương thông qua TMĐT. Nhiều hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với những nền tảng TMĐT lớn như Postmart, Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada… đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hoá trên TMĐT.

Nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản như miến dong Cao Bằng, Hồng trà Phìn Hồ (Hà Giang), gạo Séng Cù (Lào Cai), nấm hương Cao Bằng… đã được đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh TMĐT, mang đến làn sóng mới trong sản xuất kinh doanh và giảm sự phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống. Tuy nhiên, theo báo cáo chỉ số TMĐT năm 2022, lượng trung bình tổng giao dịch của TMĐT tập trung ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn An Sơn - Trưởng phòng Phát triển dự án, Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khẳng định, giữa các thành phố lớn và địa phương có một sự chênh lệch rõ rệt, từ nhiều yếu tố trong TMĐT, ví dụ như trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, rồi hạ tầng liên quan đến logistics. “Rõ ràng là việc vận chuyển một đơn hàng từ các thành phố xung quanh Hà Nội về Hà Nội sẽ dễ hơn so với việc là từ khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số xuống các thành phố lớn…” - ông Sơn đánh giá.

Theo ông Sơn, khó khăn đầu tiên là về cạnh tranh giữa doanh nghiệp (DN), các DN với nhau trên các sàn TMĐT, liên quan nhiều đến vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và công tác chống hàng giả, hàng nhái. Tiếp theo là nguồn nhân lực để chuẩn bị cho quá trình “go online” (nền tảng hỗ trợ TMĐT quốc gia) bởi nhân lực của vùng núi còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó là chi phí liên quan đến chuyển đổi về mặt mô hình, quy trình sản xuất, quy trình bán hàng. Đây là nguồn chi phí tương đối lớn.

Chưa kể, khó khăn về phương thức cạnh tranh, hiện nay trên TMĐT, hầu hết là tập trung vào khuyến mại và về giá. Hình thức cạnh tranh bằng tín nhiệm cũng như việc đánh giá chất lượng sản phẩm còn chưa được phổ biến. Tình trạng này về lâu dài sẽ khiến cho thị trường TMĐT phát triển không được lành mạnh và không bền vững, sẽ hạn chế sự lớn mạnh của những DN, cơ sở sản xuất uy tín liên quan và cả những sản phẩm vùng miền.

Bà Hoàng Thị Huyền - Trưởng phòng Kinh doanh Online - Trung tâm kinh doanh và phân phối (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) lại dẫn một khó khăn điển hình khi tiêu thụ nông sản miền núi, đó là vấn đề logistics. “Vận chuyển nông sản miền núi, đặc biệt là nông sản tươi gặp rất nhiều khó khăn bởi nếu có cẩn thận đến đâu thì tỉ lệ hao hụt vẫn rất cao và không thể kiểm soát được hết” - bà Huyền nói.

Cần phát triển hạ tầng logistics

Theo bà Huyền, Bưu điện Việt Nam (BĐVN) và sàn TMĐT Postmart đang thực hiện nhiệm vụ chính trị 1034 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đó là giúp các hộ nông nghiệp mở tài khoản trên sàn TMĐT. Cùng với đó là các chiến dịch hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản. Trong chiến dịch 1034 có sự kết hợp của Bộ TT&TT, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT nên công tác tiêu thụ nông sản của BĐVN gặp khá nhiều thuận lợi.

Ngoài ra, lợi thế của BĐVN là có mặt tại 63 tỉnh, thành nên có thể “bao” được tiêu thụ nông sản cho 63 tỉnh trên toàn quốc và BĐVN cũng giao luôn nhiệm vụ cho 63 đơn vị tại từng tỉnh “phải hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương cho bà con nông dân”. Dự kiến, trong quý IV/2023, BĐVN sẽ mở thêm một kênh ưu tiên các sản phẩm nông sản, đặc sản OCOP trên sàn TMĐT Postmart.

Bà Huyền nhấn mạnh, tại các vùng miền núi, khi hợp tác xã, người nông dân tham gia bán hàng trên sàn TMĐT của BĐVN sẽ được hỗ trợ đến tận địa bàn xã. Bởi BĐVN có độ phủ đến tận tuyến văn hóa xã nên sẽ có người của Bưu điện đến tận nơi để đóng gói thành những gói hàng theo đúng quy chuẩn bảo quản rồi vận chuyển đến tay người tiêu dùng. Bằng cách này sẽ giữ được chất lượng cho nông sản vùng núi. Do đó, những bưu cục xã này cũng được xem như giải quyết được một phần vấn đề logistics cho sản phẩm miền núi.

Ông Nguyễn An Sơn cho biết thêm, đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa thì việc phát triển hạ tầng logistics là rất cần thiết và quan trọng, Cục TMĐT và Kinh tế số cũng sẽ tích cực phối hợp với cả các đơn vị, ví dụ như BĐVN và các đơn vị cung cấp, cung ứng dịch vụ chuyển phát khác trên thị trường để có thể hình thành được mạng lưới và hỗ trợ chuyên biệt cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng như người nông dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.