Thách thức bài toán vận chuyển
Ông Phạm Văn Dũng - Giám đốc HTX Hồng Xuân ở Bắc Giang cho biết, Hồng Xuân vốn là một HTX nông nghiệp ở vùng cao. Trước khi tiếp cận được với sàn TMĐT, HTX chỉ sản xuất và bán hàng đơn thuần, do đó, khi tiếp cận với công nghệ còn gặp nhiều khó khăn, ngay từ quy trình chụp ảnh, up ảnh lên internet. Rồi chuyện xử lý ra sao với các đơn hàng nhỏ lẻ chỉ 1-2-3kg/đơn hàng. “Nhiều khi chúng tôi rất lúng túng trong việc xoay xở với các đơn hàng nhỏ vì kể cả là đơn hàng nhỏ thì cũng yêu cầu về các tiêu chuẩn giống các đơn hàng lớn”.
Chưa kể, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT đòi hỏi rất nhiều yêu cầu. Ngoài chất lượng sản phẩm, bao bì đẹp thì mẫu mã cũng phải đẹp. Và để đưa được nông sản lên TMĐT thì phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, các sản phẩm đều phải được các cấp giấy chứng nhận Viet GAP và Global GAP. Ngoài ra còn phải có nhật ký chăm sóc, tiến tới phải chuyển dần sang ghi nhật ký điện tử để khi khách hàng truy cập vào mã QR có thể nắm bắt được quy trình chăm sóc các sản phẩm.
Ông Dũng cho rằng, thách thức lớn nhất khi bán hàng trên TMĐT là vận chuyển bởi đa phần đều là các đơn hàng nhỏ lẻ. Do đó, Hồng Xuân luôn phải kết hợp với sàn giao dịch và nhà vận chuyển. Có được sự kết hợp của các nhà này, các đơn vị bán hàng chỉ cần đóng sẵn hàng theo từng đơn và vận chuyển đến kho trung chuyển, việc còn lại là của đơn vị vận chuyển. Theo ông Dũng: “Chỉ khi có sự kết hợp đầy đủ của các khâu, thuần thục thì việc kinh doanh trên TMĐT mới trở nên dễ dàng, đơn giản hơn”.
Ông Trần Văn Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp và Tư vấn Môi trường DACE cũng chia sẻ, bất kỳ một đơn vị nào muốn đưa hàng lên TMĐT, đặc biệt là tiến tới mục tiêu xuất khẩu qua TMĐT đều phải chuẩn bị những chứng nhận sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng và an toàn toàn thực phẩm. Ngoài ra, cần có thêm những tiêu chuẩn hữu cơ, thậm chí cả những tiêu chuẩn về công bằng xã hội, bảo vệ môi trường…
Để có được “hành trang” lên TMĐT, DACE nhận thấy hiện nay không chỉ là 4 nhà (nhà nông - Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp) kết hợp như trước đây mà cần đến 5-6 nhà. Trong đó, thêm yếu tố quan trọng là nhà vận chuyển. Theo ông Hiếu, phải đưa được nhà vận chuyển tham gia vào chuỗi sản xuất - chế biến - lưu thông nông sản vì vận chuyển rất quan trọng. “Một doanh nghiệp về chế biến thì không thể chuyên về vận chuyển được. Trong khi bán hàng qua kênh TMĐT lại rất nhỏ lẻ, có thể là 1kg, 2kg, 5 hay 10kg. Do đó, có nhà vận chuyển trong chuỗi thì chi phí được giảm đi nhiều, tăng được sự cạnh tranh” - ông Hiếu nói.
Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực
Giám đốc DACE cho rằng, để đáp ứng thói quen tiêu dùng thay đổi hậu đại dịch, hiện các đơn vị đã rất tích cực đưa hàng hóa lên TMĐT. Trước đây, các sàn TMĐT như Lazada, Shopee, Tiki rất thịnh hành và thu hút được lượng lớn khách hàng thì nay đang có sự dịch chuyển sang các hình thức kinh doanh TMĐT khác. Trong đó, bán hàng qua kênh tik tok tăng trưởng rất nhanh bởi có sự kết hợp giữa bán hàng với giải trí.
Ông Phạm Văn Dũng thông tin, trong thời gian tới HTX Hồng Xuân có thể thay đổi cách bán hàng mới. Ngoài việc bán hàng theo cách truyền thống sẽ tiếp tục đưa lên sàn TMĐT và youtube. Và để đưa được hàng hóa lên các kênh bán hàng TMĐT mới cần phải có lực lượng lao động trẻ trung, hiểu biết về khoa học kỹ thuật và có khả năng làm quen, thích ứng với các loại hình công nghệ nhanh chóng và cũng có kỹ năng giao tiếp với khách hàng qua mạng. Ngoài ra, Hồng Xuân cũng sẽ mở thêm một số các kho trung chuyển ở cả 3 miền.
“Nếu không làm chủ được con số trên Internet, không làm chủ được công nghệ sẽ không bao giờ phát triển tốt được… Chúng tôi thậm chí nhận được những đơn hàng qua website từ Mỹ, dù khá nhỏ, do đó, nếu không có nguồn lao động có kỹ năng, rất khó có thể trụ vững và thành công với TMĐT, đặc biệt là những công ty hướng đến TMĐT xuyên biên giới” - ông Hiếu chia sẻ.
Ông Nguyễn Bình Minh - Ủy viên BCH Hiệp hội TMĐT Việt Nam cũng cho biết, ngoài việc đào tạo cho những người nông dân hay các doanh nghiệp trong việc ứng dụng TMĐT một cách có hiệu quả thì Hiệp hội cũng đang tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội cũng như doanh nghiệp. Hiện Hiệp hội đã kết nối được tất cả mạng lưới các trường đại học ở Việt Nam về đào tạo TMĐT với khoảng hơn 40 trường tham gia.