Tiểu thương chợ Cầu Vồng – Đồ Sơn bức xúc với dự án xây trung tâm thương mại

 Những ngày gần đây, nhiều hộ kinh doanh tại chợ Cầu Vồng (Đồ Sơn – Hải Phòng) liên tục kiến nghị chính quyền địa phương xem xét lại các chế độ, chính sách của họ khi thu hồi đất tại chợ Cầu Vồng để xây dựng trung tâm thương mại...

Những ngày gần đây, nhiều hộ kinh doanh tại chợ Cầu Vồng (Đồ Sơn – Hải Phòng) liên tục kiến nghị chính quyền địa phương xem xét lại các chế độ, chính sách của họ khi thu hồi đất tại chợ Cầu Vồng để xây dựng trung tâm thương mại...

Khu chợ Cầu Vồng dự kiến được xây mới
Khu chợ Cầu Vồng dự kiến được xây mới

Dân ủng hộ nhưng... vẫn lo

Theo các hộ dân, năm 1990, trên cơ sở quyết định của UBND TP Hải Phòng về việc sử dụng 7.764m2 đất nông nghiệp phía Tây nhà nghỉ Bưu điện để xây dựng chợ Đồ Sơn, UBND TX Đồ Sơn đã giao UBND phường Vạn Sơn huy động vốn của nhân dân cũng như các đơn vị kinh tế để xây dựng chợ Đồ Sơn; Các hộ dân đã góp tiền san lấp ruộng, ao để xây dựng chợ rộng 7.764m2 (Cốt 1,25m). Sau khi đóng tiền, ngày 7/8/1992 các hộ dân được nhận hợp đồng sử dụng mặt bằng kinh doanh: Không quy định rõ thời hạn sử dụng mặt bằng mà chỉ ghi số tiền đầu tư được hoàn lại bằng cách khấu trừ vào tiền sử dụng mặt bằng kinh doanh hàng tháng; Khi trừ hết số tiền đóng góp, bên đầu tư được ưu tiên sử dụng mặt bằng cũ, song phải đóng lệ phí sử dụng mặt bằng hàng tháng theo quy định.

Năm 2005, UBND TX Đồ Sơn lập Ban quản lý chợ đã nâng từ chợ cấp 4 lên chợ cấp 2, mặc dù không có đầu tư gì mới nhưng các hộ dân vẫn phải đóng tiền thuê mặt bằng kinh doanh với giá 30.000 đồng/m2. Ngày 13/1/2011, UBND quận Đồ Sơn ra Quyết định số 23 thu hồi, giải phóng mặt bằng chợ Cầu Vồng để giao cho Cty cổ phần Thương mại Hải Hưng Thịnh làm chủ đầu tư xây dựng và khai thác chợ thời hạn 50 năm.  

Nhận thấy việc thu hồi đất và các quyền lợi chưa được công bằng, đảm bảo nên các hộ dân đã kiến nghị chính quyền địa phương cho được đóng cổ phần để xây dựng chợ; Chợ xây dựng phải có dự án, thiết kế, kế hoạch khai thác và phải được công khai; các hộ được tái kinh doanh tại chợ mới theo vị trí cũ với giá tiền thuê theo đơn giá của Nhà nước và thời gian, tiến độ thi công phải bảo đảm đúng cam kết để chợ đi vào hoạt động nhằm ổn định đời sống cho các hộ dân.

Sau nhiều lần đơn thư được trả lời và các cuộc họp được tổ chức, gần đây nhất ngày 15/7/2011, UBND quận Đồ Sơn đã có Văn bản số 219 trả lời nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng tình của người dân.

Cần có tiếng nói chung

Trao đổi với chúng tôi, phần lớn các hộ dân đều ủng hộ chủ trương xây mới chợ Cầu Vồng và ngay từ đầu, họ đã đề nghị UBND quận cùng các phòng, ban chức năng xem xét quyền lợi chính đáng khi họ đã bỏ tiền san lấp mặt bằng, xây dựng ki ốt để tạo dựng nên thương hiệu chợ Cầu Vồng.

Theo ông Hoàng Đình Tiệp – hộ dân có đơn: Dự án xây dựng chợ Cầu Vồng mới là để cho thuê kinh doanh, làm kinh tế của doanh nghiệp mà không thuộc dự án phát triển kinh tế quan trọng của Nhà nước, nên việc giao đất phải tuân thủ Điều 34 và Điều 35 của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/05/2007 của Chính phủ về việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế quan trọng, thu hồi đất để xây dựng các khu kinh doanh tập trung có cùng mục đích sử dụng. Do dự án không thuộc dự án phát triển kinh tế quan trọng, nên người dân bị ảnh hưởng của dự án có quyền thương thảo với chủ đầu tư về bồi thường và hỗ trợ theo Khoản 2 Điều 40 Luật Đất đai năm 2003.

Theo Tiến sỹ Luật học Trần Quang Huy (Trường Đại học Luật Hà Nội), việc các cơ quan chức năng quận Đồ Sơn có văn bản trả lời kiến nghị và tổ chức họp với người dân thể hiện thiện chí của chính quyền địa phương trong giải quyết vụ việc. Vấn đề đặt ra là quyền lợi của các hộ kinh doanh đã được đảm bảo đúng pháp luật chưa? Thực tế cho thấy, các cơ quan chức năng quận Đồ Sơn cần phân biệt nguồn gốc đất và sự đóng góp của các hộ kinh doanh trong từng trường hợp cụ thể để giải quyết thoả đáng quyền lợi của người dân. Nguồn gốc đất cũng như quyền lợi của các hộ dân khi giải phóng mặt bằng phải được xem xét kỹ lưỡng... không thể đánh đồng các trường hợp.

Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh này cần nhận được sự bảo đảm từ doanh nghiệp hoặc UBND quận Đồ Sơn sau khi dự án hoàn thành. Một mặt, giá trị thương mại không thể tính hết ra tiền sau khi các hộ tiểu thương đã bỏ công của san lấp tạo nên sự khang trang, bề thế của chợ hiện tại; mặt khác họ là các hộ buôn bán cơ hữu tại chợ, là người góp vốn đầu tư cũng là người lao động nên cần thu xếp công ăn việc làm khi chợ mới hoàn thành. Nếu với lý do quy hoạch ngành hàng mà không bố trí nơi kinh doanh cho các hộ kinh doanh là đi ngược lại chính sách an sinh đối với người lao động.

“Thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng chợ Cầu Vồng mới là điều không thể tránh khỏi. Vấn đề người dân còn băn khoăn là việc giải quyết hậu quả của việc giải phóng mặt bằng. Theo tôi, trước mắt cần giải quyết tái định cư cho các hộ gia đình kinh doanh không có chỗ ở nào khác sau khi triển khai việc thu hồi đất, hỗ trợ việc di dời đến điểm kinh doanh tạm thời. Việc thực hiện các chính sách trên phải phù hợp với quy định của Luật Đất đai, Nghị định số 84/2007; Nghị định số 69/2009/NĐ-CP và các văn bản cụ thể hoá của TP Hải Phòng. Các hộ dân phải được thu xếp đến nơi kinh doanh tạm thời mới và phải được bố trí nơi kinh doanh phù hợp trên cơ sở ngành hàng được phê duyệt bởi quy hoạch chợ Cầu Vồng mới”, ông Huy nói.

Việc đưa ra một ngày cố định để nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và ngày phải hoàn thành việc bàn giao mặt bằng là khiên cưỡng. UBND quận Đồ Sơn, UBND phường Vạn Sơn cần thống nhất  phương án bồi thường và hỗ trợ phù hợp quy định của pháp luật với các hộ kinh doanh để đảm bảo người dân được nhận các khoản bồi thường hỗ trợ và tái định cư đúng luật, ủng hộ các chính sách của địa phương để đảm bảo tiến độ của dự án.

An Bình

Đọc thêm