Cá đông lạnh nhiễm chất cấm
Trước đó, ngày 11/6, đoàn liên ngành của tỉnh Quảng Trị đã tiến hành kiểm tra thực tế tại kho lạnh của bà Lê Thị Thuộc (TT.Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị). Qua xét nghiệm, 1 mẫu cá có hàm lượng Phenol là 0,037 mg/kg. Đây là chất dùng trong công nghiệp để tẩy uế, sát khuẩn, tuyệt đối không được có trong thực phẩm, kể cả bao bì thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
Ông Hồ Sỹ Biên - Chi cục trưởng chi cục ATVSTP Quảng Trị cho biết, chất phenol là loại chất cực độc, có thể gây chết người trong khoảng thời gian sau 10 ngày sử dụng. Ông Trần Văn Thanh – Phó GĐ Sở Y tế Quảng Trị cũng khẳng định, đối với ngành y tế phenol là một chất độc không được phép có trong thực phẩm. Tỷ lệ cho phép trong thực phẩm là 0,001 mg/kg, trong khi kết quả xét nghiệm lên tới 0,037 mg/kg.
Trình bày với cơ quan chức năng, bà Thuộc cho hay lô cá nục này bà mua khoảng đầu tháng 5 và thực hiện các bước bảo quản đúng quy trình. “Sau khi rửa sạch cá, tôi cho vào khay và đưa vào tủ cấp đông với nhiệt độ -40 độ C. Sau 14 tiếng để “cá chín”, tôi đưa ra ngoài bảo quản ở tủ đông với nhiệt độ -20 độ C từ đó đến nay”, bà Thuộc nói.
Cũng theo bà Thuộc, bà không sử dụng bất kỳ một loại hóa chất nào trong công tác bảo quản và không biết chất cực độc đến từ đâu. Tuy vậy, dù chỉ căn cứ vào mẫu nghiệm duy nhất nhưng đoàn liên ngành đã có thông tin sẽ quyết định tiêu hủy gần 30 tấn cá nói trên. Về vấn đề này, nhiều cơ quan chức năng có ý kiến, cho rằng làm sai quy trình vì không thể căn cứ 1 mẫu xét nghiệm để đánh đồng cả lô cá.
Cơ quan chức năng “đá” nhau
Trong khi nguyên nhân dẫn đến việc lô cá nục nói trên nhiễm độc còn chưa tìm ra thì từ phía cơ quan chức năng lại “lòi” ra một vấn đề mới, 2 ngành nông nghiệp và y tế không thống nhất, cũng như không có hành lang pháp lý chung nào trong việc quản lý chất cấm độc hại này.
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho rằng, chất phenol không có trong các chỉ tiêu theo dõi an toàn thực phẩm của ngành nông nghiệp. Cũng theo ông Hưng trong điều kiện bình thường của tự nhiên, nước biển cũng như trong quá trình sử dụng, cấp đông, chế biến hay phân hủy thì cá cũng có thể phát sinh hàm lượng phenol.
Ngoài ra, ông Hưng còn thông tin rằng từ tháng 5 đến nay cơ quan chức năng đã cấp 181 giấy chứng nhận khai thác xa bờ với 4.300 tấn, lấy 36 mẫu cá đi kiểm tra và tất cả đều an toàn. Ông Hưng cũng thừa nhận việc cấp giấy chứng nhận không thể cho kết quả chính xác bằng việc đưa đi xét nghiệm mẫu.
Ông Hưng cũng khẳng định, ngành nông nghiệp không theo dõi về tiêu chí phenol trong thực phẩm: “Trong quá trình kiểm tra, theo cơ quan Y tế thì có 1 trong 6 mẫu là có hàm lượng phenol ở ngưỡng 0,037 mg/kg. Theo quy định đối với ngành nông nghiệp và chi cục quản lý chất lượng thì không theo dõi về tiêu chí này.
“Chúng tôi đề nghị chúng ta phải thông tin chính xác và phản ánh đúng đối tượng, tránh tình trạng chúng ta đưa thông tin gây ảnh hưởng đến đời sống cũng như việc kinh doanh và việc đánh bắt của ngư dân trên địa bàn tỉnh” - ông Hưng nói.
Trong khi đó, người đứng đầu ngành ATTP Quảng Trị cho hay, đến nay, đơn vị đã tiến hành kiểm tra 105 mẫu hải sản thì tất cả đều bình thường, trong ngưỡng an toàn. Riêng mẫu phát hiện chất phenol này là cá biệt. Mặc dù cá nhiễm hàm lượng phenol rất thấp nhưng đã có quy định không được phép có phenol trong thực phẩm nên nói ăn cá có nhiễm phenol sẽ ngộ độc ngay bây giờ thì không thể nhưng nó gây ảnh hưởng lâu dài về sau.
Để giải quyết tồn tại nói trên, lãnh đạo ngành y tế Quảng Trị cho rằng, trước tiên là cấm sử dụng, còn việc giữa Sở Y tế và Sở NN&PTNT còn tranh cãi, tới đây sẽ có văn bản báo cáo tỉnh và Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế để có sự thống nhất chung. Trước hết, sẽ tiếp tục lấy thêm mẫu ở lô cá nói trên gửi ra Hà Nội hoặc TP. HCM để kiểm nghiệm thêm.
Phenol là chất cực độc
Theo TS Lê Thanh Lựu - Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), chuyên gia đầu ngành về thủy sản cho biết, phenol là chất cực độc. Chất này là tên riêng của hợp chất cấu tạo bởi nhóm Phenyl kết với nhóm Hidroxyl, chất tiêu biểu cho các Phenol.
Do có tính diệt khuẩn cao nên Phenol được dùng trực tiếp làm chất sát trùng, tẩy uế, điều chế các chất diệt nấm mốc như Ortho; Para hay Nitrophenol...
Điều nguy hiểm là Phenol tác động thẳng lên cấu trúc não bộ và thần kinh như khiến tăng động, tăng sự hung hãn, suy giảm ý thức, dậy thì sớm, kích thích sự phát triển tuyến vú, rối loạn chu kỳ sinh sản, gây ra những hiệu ứng bất thường ở buồng trứng, gây vô sinh, kích thích các tế bào gây ung thư tiền liệt tuyến, suy giảm chức năng miễn dịch, đái tháo đường...
“Do Phenol rất dễ hòa tan trong các loại thực phẩm nên chủ yếu đi vào cơ thể người qua đường ăn uống. Một khi Phenol vào cơ thể thì rất khó để có thể đẩy, thải ra ngoài được” – TS Lê Thanh Lựu nói.
Tiểu thương điêu đứng
Một ngày sau khi Chi cục ATVSTP, Sở Y tế Quảng Trị có văn bản báo cáo UBND tỉnh Quảng Trị về kết quả kiểm nghiệm 30 tấn cá nục trong kho cấp đông của vựa cá Dũng Thuộc có hàm lượng phenol, ngày 11/6, toàn bộ cảng cá Cửa Tùng vắng tanh, gần như không có bất kỳ hoạt động mua bán nào diễn ra.
|
Chợ cá Cửa Tùng vắng bóng người mua kẻ bán |
Trong khi cơ quan chức năng đang cố truy tìm nguồn gốc chất phenol trong lô cá nục này thì bà Thuộc cho hay thiệt hại của gia đình là rất nặng nề. Theo bà ngoài 30 tấn cá bị cho là nhiễm phenol phải tiêu hủy bà đã thu mua với giá 25.000 đồng/kg thì hàng chục tấn còn lại trong kho lạnh của bà cũng khó mà tiêu thụ được.
Ngoài bà Thuộc, hầu hết các tiểu thương và các cơ sở kinh doanh cá trên địa bàn TT.Cửa Tùng và tỉnh Quảng Trị đều ế ẩm vì thông tin nêu trên. Giá cá nục cũng chạm đáy khi chỉ còn 8.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Tiến Long, Trưởng cảng cá Cửa Tùng cho biết ngày vài ngày qua, hầu như không có tàu nào vào bờ bán cá. Có thể, do thông tin cá nục bị nhiễm độc khiến ngư dân lo ngại, hoặc họ cập bờ nơi khác...