Tìm đầu ra cho hàng thổ cẩm

(PLO) - Là sản phẩm truyền thống độc đáo của vùng đồng bào dân tộc nhưng thực tế rất nhiều làng nghề thổ cẩm không tồn tại được vì thiếu thị trường. Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) sốt ruột: “Nếu không làm sớm thì sẽ mất đi cơ hội...”.
Nhiều du khác chọn được sản phẩm ưng ý tại Pà Cò
Kỳ vọng
Đông Lai (huyện Tân Lạc), Nà Phòn (huyện Mai Châu) là 2 trong 5 xã của tỉnh Hòa Bình thuộc vùng Dự án Cải thiện sinh kế phụ nữ nghèo thông qua chuỗi giá trị hàng dệt thủ công do Cơ quan Phát triển Thụy Sỹ (SDC) tài trợ trong 3 năm (2013-2016). 
Nếu như tại Đồng Lạc các hộ dân trồng lanh, dệt thổ cẩm thì tại Nà Phòn bà con chủ yếu thực hiện công đoạn nhuộm. Tất cả đều sử dụng nguyên liệu từ cỏ cây, hoa lá để tạo ra màu sắc tự nhiên và rất bền màu. Tuy nhiên, vải nhuộm ngoài số ít vải lanh sản xuất tại địa phương, chủ yếu vẫn phải nhập vải lụa tơ tằm của làng nghề Vạn Phúc, Mỹ Đức (Hà Nội)... 
Bà Hà Thị Xuyên ở xã Nà Phòn chia sẻ: “Còn rất ít hộ dân trồng lanh…”.
Ông Võ Đông Phi, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế xã Đồng Lai ví dụ: “Một chiếc túi bằng vải lanh thô không hề có bất cứ hoa văn, họa tiết nào có giá 300 nghìn đồng. Mặc dù chiếc túi được du khách truyền tay xem nhưng không ai mua, kể cả khách nước ngoài”. 
Một mét vải thổ cẩm tùy từng họa tiết có giá 160 - 200 nghìn đồng, một chiếc khăn thổ cẩm trung bình cũng có giá 200 nghìn đồng, sản phẩm làm ra chủ yếu theo đơn đặt hàng của Dự án. Ông Phi cho biết, cả xã có 161 hộ thì 63 hộ làm hàng dệt thổ cẩm, tuy nhiên thu nhập chính vẫn từ nghề nông. “Mong sau Dự án bà con có đầu ra ổn định…”, ông Phi chia sẻ.
Cùng tâm trạng với Phó Chủ tịch xã Đồng Lai, bà Hà Thị Xuyên cho biết, từ khi triển khai Dự án thu nhập của chị em có tăng, nhưng cũng chỉ tranh thủ làm giữ nghề, thu nhập chủ yếu vẫn từ nghề nông.
Trăn trở lớn nhất của những người dân vùng Dự án vẫn là đầu ra cho sản phẩm khi hàng hóa hiện làm ra chủ yếu theo đặt hàng của Dự án…
Nỗ lực “cứu” làng nghề
Nếu như ở Đồng Lai, Nà Phòn, sản phẩm làm ra khá đơn giản, nhà trưng bày sản phẩm cũng nằm trong nhà dân thì ở Pà Cò (Mai Châu) đã hình thành một chợ thổ cẩm nhỏ liên kết từ nhà này sang nhà khác. Thổ cẩm được treo khắp hàng rào, rải xuống đất, rực rỡ sắc màu, phong phú, từ khăn, váy, áo, mũ, túi, gối, đệm, khăn trải bàn, tấm treo tường, dây lưng… đến những quả còn xinh xắn. 
Sản phẩm sử dụng các kỹ thuật khác nhau như nhuộm chàm, vẽ sáp ong, thêu… Tùy theo sản phẩm, họa tiết, giá bán từ 30 nghìn đồng đến 700 nghìn đồng, thậm chí có chiếc váy có giá tiền triệu. Khá nhiều du khách đã mua được sản phẩm ưng ý từ khu chợ độc đáo này…
Xã Pà Cò có trên 750ha đất canh tác nhưng trước khi có Dự án, người dân chủ yếu trồng ngô, chỉ có một diện tích trồng lanh rất nhỏ, chưa đến 0,5ha. Do không biết được hiệu quả kinh tế của trồng lanh, không biết tiềm năng của thị trường nên bà con không có ý định mở rộng trồng loại cây này dù lanh đã gắn bó mật thiết với người H’Mông từ lâu. Thêm vào đó là thiếu vốn, thiếu kiến thức trồng lanh. Dự án đã chuyển giao kỹ thuật trồng, hỗ trợ giống và hỗ trợ tham quan các mô hình trồng lanh... 
Ban Dân tộc tỉnh cũng triển khai hỗ trợ 200kg giống nên diện tích trồng lanh đã tăng từ 0,5ha lên gần 4ha sau 2 năm triển khai Dự án. Số hộ trồng lanh tăng từ 25 lên trên 100 hộ. Nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác mới, năng suất lanh cũng  tăng gần gấp 3 lần. Chị Bùi Thị Xơ ở xóm Pa Háng Lớn cho biết, gia đình chị đã thu được 41 bó/sào trong khi bình thường chỉ đạt dưới 15 bó/sào.
Theo tính toán của PGS Hà Văn Phúc, trồng lanh có thu nhập cao hơn trồng ngô từ 6 - 13 lần. Khảo sát của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft), đơn vị triển khai Dự án cho thấy phát triển nghề trồng lanh, dệt vải, lợi nhuận có thể lên tới 100%. Số liệu của Vietcraft từ các vùng dự án (ngoài 5 xã của Hòa Bình còn có 1 xã của Thanh Hóa, 4 xã của Nghệ An) cho thấy doanh thu bán hàng 2 năm 2013 và 2014 đạt 5,66 tỷ đồng (riêng năm 2014 là 3,54 tỷ đồng) trong khi chi phí bỏ ra chỉ hơn 2 tỷ đồng. 
“Có thể khẳng định tiềm năng của nghề dệt thổ cẩm là vô cùng lớn. Ai cũng nói đầu ra cho sản phẩm song vấn đề phải làm “đến đầu đến đũa”, từ khâu nguyên liệu, thiết kế, thị trường…, thậm chí mỗi sản phẩm phải có một câu chuyện để kể…”, ông Lê Bá Ngọc quả quyết. 
Theo ông Ngọc, khó khăn lớn nhất đối với các làng nghề hiện nay là thay đổi tập quán làm ăn xưa cũ, kết hợp được nét truyền thống với hiện đại và chất lượng sản phẩm phải ổn định, tất nhiên đó là cả một quá trình…  “Đã có trường hợp bà con mải lễ hội nên giao hàng chậm và bị phạt…”, ông Ngọc cho biết.
Hỏi về triển vọng của Dự án sau khi kết thúc, ông Ngọc chia sẻ: Mục tiêu của Dự án không chỉ giúp cho 500 hộ trồng và chế biến nguyên liệu dâu và lanh có thu nhập tăng tối thiểu 30%; 500 hộ sản xuất hàng tơ lụa và lanh thủ công có thu nhập tăng tối thiểu 50% mà quan trọng những bài học kinh nghiệm được chia sẻ làm tiền đề cho việc nhân rộng dự án trong khu vực. 
Ngoài Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An - những địa phương nằm trong vùng Dự án, Vietcraft vừa ký biên bản ghi nhớ và hợp tác phát triển vải dân tộc với 14 tỉnh và một số nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanmar… 
“Đầu ra không quan trọng, vấn đề phải có sản phẩm đẹp. Đây là cả một quá trình. Nếu chúng ta không làm sớm thì dù tiềm năng đến mấy cũng mất cơ hội. Có sự hỗ trợ của Nhà nước là rất tốt nhưng vấn đề quan trọng vấn là ý thức của bà con. Một khi người dân thấy được có hiệu quả kinh tế thì họ sẽ đầu tư…”, ông Ngọc quả quyết. 

Đọc thêm