Tìm đến cái chết vì 'bệnh' cô độc

(PLVN) - Bé gái 11 tuổi tử vong khi rơi từ tầng 39 chung cư tại Hà Nội và nữ ca sĩ trẻ Sulli rồi tới Goo Hara của Hàn Quốc treo cổ tự vẫn gây đớn đau, bàng hoàng với không chỉ người hâm mộ. Trước đó, nhiều thần tượng Hàn Quốc của giới trẻ cũng chọn kết thúc cuộc đời bằng tự vẫn. Tuy nhiên, khủng hoảng với người trẻ không chỉ là câu chuyện ở một nơi rất xa...
Ca sỹ trẻ Goo Hara của Hàn Quốc treo cổ tự vẫn chỉ sau hơn 1 tháng người bạn thân “nữ thần” Julli ra đi.
Ca sỹ trẻ Goo Hara của Hàn Quốc treo cổ tự vẫn chỉ sau hơn 1 tháng người bạn thân “nữ thần” Julli ra đi.

Có thể là chính bạn

Mới đây thôi, tại TP HCM, hai chị em sinh đôi học lớp 10 đã nhảy từ nhà riêng là căn hộ tầng cao ở  Q 2, TP HCM. Bề ngoài, cuộc sống của các em dường như có tất cả những thứ là mục tiêu của rất nhiều người: Sống ở căn hộ cao cấp, học tại một trường quốc tế đắt đỏ hàng đầu TP HCM... Nhưng các em đã chọn kết thúc cuộc đời với cách bi thảm nhất!

Năm trước, một học sinh lớp 10 tại một ngôi trường nổi tiếng TP HCM cũng nhảy lầu tự vẫn. Em được đánh giá là một người hiền lành, học giỏi. Em ra đi để lại lá thư tuyệt mệnh bày tỏ áp lực học tập, áp lực điểm số và kỳ vọng em đạt kết quả thi tốt hơn từ gia đình.

Một học sinh lớp 9 nhảy lầu sau khi đạt điểm 3 môn Tiếng Anh. Trước đó, trong một thời gian dài em đã có những biểu hiện bất ổn vì áp lực học tập. Quanh ta, còn vô số bạn trẻ như một quả bom nổ chậm với những áp lực từ cuộc sống, xã hội, vì sự mất định, vì những hoang mang, trống trỗng và cả bơ vơ. 

Tại một trang fanpage về giáo dục có hàng trăm ngàn thành viên chủ yếu là học sinh, sinh viên, admin đăng trạng thái hỏi: Các bạn đang mong muốn điều gì? Trạng thái đó được đăng vào lúc 2h sáng. Và chỉ sau đó, khoảng một giờ đồng hồ thôi, đã có hàng chục ngàn lượt bày tỏ cảm xúc và cả ngàn bình luận. Lướt một dọc mà không khỏi run rẩy: Rất nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên nói rằng muốn có ai đó để tâm sự và rất nhiều người nói... chỉ muốn chết!

Nhiều bạn trẻ rơi vào vòng xoáy ma túy đá, bỏ nhà đi bụi, quan hệ tình dục tập thể, sống bất cần, buông thả, đánh lộn... Họ gánh điều tiếng hư, không ra gì nhưng phía sau những biểu hiện này là một sự đổ vỡ. Người lớn quen với các nhận định, bọn trẻ bây giờ sướng!

Cái này thường là cách nghĩ của những người trải qua giai đoạn thiếu thốn về vật chất, về cơm ăn, áo mặc. Không phủ nhận, người trẻ bây giờ nhiều cơ hội, kết nối nhanh hơn nhưng đi cùng đó cũng là những áp lực và thách thức đòi hỏi, kỳ vọng cao hơn. 

Có thể nói, trầm cảm là căn bệnh đã có từ lâu, tuy nhiên trong xã hội hiện đại với nhiều áp lực thì ngày càng có nhiều người bị trầm cảm có xu hướng muốn tự sát. Ồn ào nhất là sự ra đi mới đây của hai nghệ sĩ trẻ người Hàn Quốc Sulli và Goo Hara do bị trầm cảm kéo dài bởi áp lực của sự nổi tiếng.

Ở nước ta những năm gần đây cũng xuất hiện không ít thông tin về các vụ tự tử do nạn nhân rơi vào trạng thái trầm cảm sau một biến cố nào đó trong cuộc sống, như chia tay người yêu, khủng hoảng sau sinh, công việc căng thẳng, thiếu sự thấu hiểu, chia sẻ của người thân...

 Nghệ sỹ nói chung và các “Idol” nói riêng luôn có những góc khuất, những nỗi niềm riêng mà không phải ai cũng biết được. Đó là sự cô đơn, cô đơn đến cùng cực, cô đơn trong chính hàng triệu fan hâm mộ, cô đơn trong chính sự nổi tiếng tung hô và những hào quang lấp lánh của bản thân mình...

Trầm cảm có thể là bất kì ai.
 Trầm cảm có thể là bất kì ai.

Và tới một lúc nào đó, nhiều người cũng nhận ra, mình đã từng trải qua một giai đoạn như thế! Những cảm xúc chìm xuống vực sâu, tới mức bạn muốn chết. Bảo Anh, một cô gái trẻ xinh đẹp chia sẻ, cô đã đau khổ đến cùng cực, không ăn, không ngủ. Cô ngồi trước gương nhìn mình tiều tụy hằng đêm, cô khóc rất nhiều. Và rồi, cô đã viết.

Những cuốn sổ nhòe nhoẹt nước mắt. Và đến cuốn sổ thứ ba, cô bắt đầu đọc được những dòng chữ, những cảm xúc dữ dội trên trang giấy… Đến lúc đó, cô mới dần bình tâm trở lại và vùng vẫy ra khỏi khoảng trống tối tăm ấy. Sau đó hai năm, cô đã có tấm bằng thạc sỹ tại Anh và hiện giờ đang công tác trong ngành Giáo dục…

Có một nỗi đau mang tên trầm cảm

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa từng là Giám đốc Trung tâm ứng dụng và thực nghiệm Tâm lý học, Viện Tâm lý học Việt Nam, đồng thời cũng là một người mẹ đồng hành cùng con trai chiến đấu với bệnh trầm cảm suốt 6 năm. Nỗi cô độc, yếu ớt, bất lực của loại cảm xúc này cứ thế tiếp tục gây ra nhiều hệ lụy không giới hạn cho bất kỳ độ tuổi nào, đặc biệt là đối với giới trẻ. Và không gì hơn, đó là lòng yêu thương và sự kiên nhẫn của người thân, PGS.TS Phương Hoa chia sẻ.

Chẳng hạn như người bị bệnh rất sợ phải đương đầu với trầm cảm một mình. Dù họ luôn muốn trốn vào bóng tối, nép mình sâu trong vỏ ốc của mình, nhưng thực sự họ cần chúng ta giúp đỡ. Thậm chí, nếu con chúng ta thể hiện sự phản kháng, khóc lóc không ngừng, lên án cha mẹ, lên án bản thân chúng hay đòi tự tử… thì đó không phải là “làm màu” để gây chú ý mà là hành động kêu cứu trước khi chúng có thể gây ra nhiều hành vi nguy hiểm hơn. 

PGS.TS Phương Hoa từng tham gia một nghiên cứu về thực trạng các rối nhiễu hành vi của học sinh THPT trên địa bàn Hà Nội. Kết quả là cứ ba em thì có một em bị rối nhiễu hành vi như lo âu, buồn chán, thậm chí có ý định tự tử nhiều lần. Trầm cảm thật sự nguy hiểm hơn chúng ta nghĩ rất nhiều, chứ không chỉ là nỗi buồn hiện diện thường trực trong cuộc sống.

 Và việc đối phó với những cơn kịch phát về trầm cảm là vô cùng khó khăn… Chị Phương Hoa vẫn còn nhớ cả cảm giác khi nghe tin con bệnh, mặt đất như nứt ra và vợ chồng chị rơi thẳng xuống tầng sâu nhất của địa ngục.

PGS TS Phương Hoa chia sẻ câu chuyện “vượt qua giông bão” của chính gia đình mình.
PGS TS Phương Hoa chia sẻ câu chuyện “vượt qua giông bão” của chính gia đình mình.

Chị kể: “Con tôi là một chàng trai giỏi giang nhưng hết sức nhạy cảm. Con không bằng lòng với tất cả các kết quả học tập khá cao mà con đạt được. Vì vậy, ngưỡng cảm giác trước tác động của bên ngoài rất thấp, một tác động rất nhỏ từ bên ngoài như ánh mắt, lời nói, cử chỉ của người khác cũng khiến con lo âu. Và thường nỗi lo âu đi kèm với nỗi sợ, cáu giận, mệt mỏi… Có những giai đoạn con tôi cũng bị trầm cảm nặng nề đến nỗi phải nghỉ học.

Thật may, đến khi bệnh được kiểm soát rất tốt thì cháu mới đi học trở lại, thi vào đại học và thậm chí được học bổng 100% và việc học của cháu kết quả rất là tốt. Mặc dù con vẫn còn có những “ngày xấu”, nhưng cuộc chiến mỗi ngày với những cơn giận dữ, với sự kích động của con nhẹ nhàng hơn và niềm vui đến với chúng tôi ngày càng thường xuyên”. 

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh gây hại đến sức khỏe của con người đứng thứ 2, chỉ sau bệnh tim mạch. Cũng theo WHO, có hơn 400.000 người tự tử mỗi năm do trầm cảm, tức là cứ mỗi giờ lại có 45 người chọn cách từ giã cõi đời. Tại Việt Nam, bệnh trầm cảm hiện cũng có chiều hướng gia tăng.

Thế nhưng, nhiều người cho rằng phải bệnh rất nặng, thậm chí là “bị điên” thì mới phải đi khám bác sĩ. Bác sĩ Vũ Quốc Bình, nguyên Cục trưởng Cục Quân y cho biết: “Trầm cảm với các nước phát triển trên thế giới rất phổ cập và được giáo dục trong trường học từ rất sớm. Còn ở Việt Nam, để tìm hiểu về trầm cảm khá khó khăn vì thiếu thông tin. Bên cạnh đó, từ lâu ngành Y đã bỏ việc đào tạo bác sĩ tâm lý, vai trò bác sĩ tâm lý bị lãng quên và được nhìn nhận chưa đúng mức, vì thế người bệnh đang rất thiệt thòi”.

Cụ thể hơn, theo nhà văn Hoàng Anh Tú: “Cha mẹ hãy trò chuyện với con nhiều hơn chút nữa. Dừng lại những rao giảng đạo đức hay “con nhà người ta” hoặc những kế hoạch cho con học tiếng Anh, đi du học… Hãy trò chuyện với con và đừng vừa nói vừa liếc mắt vào điện thoại nữa. Hãy trò chuyện với con bằng việc trở thành một nhân vật trong những câu chuyện của con.

Tôi vẫn luôn tha thiết kêu gọi các bậc làm cha, làm mẹ về việc hãy để con tự hào về mình chứ đừng bắt con phải khiến mình tự hào nữa. Bằng việc hãy trở thành ông bố, bà mẹ hạnh phúc trước nhất. Chỉ khi bạn là một bà mẹ hạnh phúc, con bạn mới hạnh phúc. Chỉ khi bạn là một ông bố hạnh phúc, con bạn mới hạnh phúc. Mà muốn thế, cần lắm mỗi người bớt một ly bia, bớt một cú vuốt điện thoại, nhìn sâu vào mắt con mình khi trò chuyện…”.  

Với chị Phương Hoa, sau 6 năm cùng con vượt qua biết bao ngày “giông bão” thì cái tết đầu tiên trong an bình đã đến với người mẹ, với cái ôm thật chặt và “Mẹ ơi, con cảm ơn mẹ” từ cậu con trai chị tưởng chừng đã đánh mất trước kia.

“Chúng ta sẽ học nhiều điều trong cuộc sống này trong suốt những tháng năm mình sống. Không vội vã, quan trọng là hiểu, chấp nhận bản thân mình, cảm giác bình an chính là hạnh phúc”. Và, chỉ có sự bình yên trong tâm hồn cha mẹ mới đưa con được đến bến bờ bình yên… 

Đã bao lâu rồi, chúng ta không dừng lại giữa những hối hả, những ngón tay cô độc lướt trên bàn phím? Tại sao chúng ta không nhìn vào mắt nhau để thấu hiểu buồn vui, hạnh phúc, thay vì ngày đêm “bận rộn” trên thế giới ảo?... 

Đọc thêm