Tìm giải pháp để du lịch golf thành thế mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Du lịch golf được xác định rất tiềm năng tại Việt Nam, có khả năng thu hút dòng khách hạng sang, chi trả cao. Tuy nhiên, loại hình du lịch này đang đứng trước nhiều thách thức để nâng cao khả năng cạnh tranh, quảng bá nhằm hút khách quốc tế và phát triển bền vững.
Tìm giải pháp phát triển du lịch golf thành thế mạnh của du lịch Việt Nam. Ảnh minh họa (Nguồn: Asia View Travel)
Tìm giải pháp phát triển du lịch golf thành thế mạnh của du lịch Việt Nam. Ảnh minh họa (Nguồn: Asia View Travel)

Tiềm năng lớn

Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam, ước tính mỗi khách du lịch đến Việt Nam chơi golf sẽ chi tiêu 40 triệu/5 ngày, chưa kể vé máy bay. Trong khi đó, theo số liệu Báo cáo thường niên du lịch 2019 của Tổng cục Du lịch, khách du lịch quốc tế thông thường ước tính chi tiêu bình quân khoảng 130 USD/ngày (tương đương khoảng 3 triệu đồng). Như vậy, du khách golf thường có năng lực chi tiêu cao hơn, góp phần tăng nguồn thu từ hoạt động du lịch, tạo thêm việc làm cũng như thu nhập cho người dân địa phương.

Sản phẩm du lịch golf đóng góp quan trọng để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Cơ hội lớn cho việc phát triển du lịch golf là châu Á đang dẫn đầu thị trường golf toàn cầu, với hai thị trường golf lớn là Nhật Bản và Hàn Quốc - đồng thời là các thị trường trọng điểm thu hút khách của ngành du lịch nước ta.

Ngoài ra, nhóm khách từ các nước châu Âu, Mỹ cũng là đối tượng thu hút của loại hình du lịch này. Minh chứng là trong hai tháng đầu năm, ước tính có 1,8 triệu du khách quốc tế thì có khoảng 800.000 là khách du lịch golf (theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam).

Về thế mạnh nội tại, Việt Nam được World Golf Award chọn là Điểm đến tốt nhất golf thế giới và châu Á 2019, 2021, 2022. Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam được World Golf Award bình chọn là Hiệp hội Du lịch golf tốt nhất năm 2022. Ngoài ra, sản phẩm du lịch golf Việt Nam đến nay đã phát huy được những tiềm năng về vị trí địa lý và cự ly bay lý tưởng; khí hậu thuận lợi cho phép khách du lịch golf hoạt động cả năm; các sân golf được thiết kế và đầu tư chuyên nghiệp; kết hợp với bản sắc du lịch địa phương như tài nguyên, thiên nhiên, văn hoá, ẩm thực phong phú, hấp dẫn;…

Đáng chú ý, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã cho phép đào tạo Cử nhân thực hành và Trung cấp KTV golf và Du lịch golf từ 12/2020 với mục đích nâng cao về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực golf để phục vụ du khách.

Hà Nội và TP HCM được đánh giá là hai trung tâm du lịch golf hấp dẫn nhất Việt Nam, với các lợi thế sân bay gần trung tâm thành phố, khách sạn, nhà hàng sang trọng, sân golf đẹp, nhiều khu tham quan hấp dẫn... Trong tháng 3/2023 đã diễn ra hai sự kiện lớn là Giao lưu golf Việt Nam - Singapore và Lễ hội du lịch golf TP HCM, đều thu hút đông đảo vận động viên và du khách golf đến tham dự.

Còn tại Hà Nội, hạ tầng golf ngày càng được cải thiện và phát triển, với nhiều sân golf lớn, chuyên nghiệp, đạt chuẩn quốc tế với cảnh quan tự nhiên đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu phong phú của người chơi. Đơn cử, 6 cụm sân golf với 10 sân golf tiêu chuẩn như: Long Biên, Vân Trì Golf Club, Kings Island Golf, Minh Trí, Legend Hill… và khoảng 10 sân tập như: Đảo Sen, Phương Đông, Hanoi Club… Về cơ sở hạ tầng phụ trợ, hệ thống cơ sở lưu trú hiện nay của Hà Nội đa dạng, chuyên nghiệp, nhất là các khách sạn nghỉ dưỡng 4 - 5 sao được đầu tư đồng bộ, hiện đại với nhiều thương hiệu lớn như: JW Marriot, Sheraton, Metrople,…

Mặt khác, các tỉnh lân cận hai thành phố này cũng có thể hưởng lợi qua hoạt động liên kết du lịch. Đơn cử, các tỉnh lân cận TP HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Lâm Đồng… và lân cận Hà Nội như Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nam… cũng xây dựng và phát triển nhiều sân golf chất lượng cao. Được biết, trong năm 2023, tại các tỉnh Hà Nam, Hải Phòng, Hoà Bình sẽ bắt đầu cho ra các sân mới, cùng các khách sạn, resort cao cấp mới được đưa vào hoạt động, các hãng hàng không mở nhiều đường bay mới…

Nhiều thách thức

Dù du lịch golf tại Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển nhưng thách thức lớn nhất là làm sao để thu hút du khách quốc tế trước sự cạnh tranh trực tiếp và mạnh mẽ từ các thị trường du lịch khác.

Tại Hội nghị du lịch toàn quốc ngày 15/3/2023, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đã đề xuất với Chính phủ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho golf. Đề xuất này cũng được rất nhiều doanh nghiệp ủng hộ.

Còn theo đánh giá của ông Phạm Thành Trí - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Hà Nội, hàng loạt thách thức đối với du lịch golf Việt Nam nói chung và tại Hà Nội nói riêng có thể kể tới: mức thuế cao, hầu hết các công ty lữ hành chưa quan tâm đến du lịch golf, nhân lực du lịch golf còn hạn chế, sản phẩm du lịch golf nghèo nàn và đơn giản, du lịch golf vẫn chưa kết nối được với các thành phần khác của ngành Du lịch Việt Nam, truyền thông về du lịch golf còn thiếu và yếu, chưa sử dụng công nghệ trong du lịch golf.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, các sân golf cần nâng cao khả năng liên kết với nhau, cùng nhau đưa ra các giải pháp để giải quyết các thách thức nêu trên, góp phần thúc đẩy các sản phẩm du lịch golf bài bản, chuyên nghiệp và có sức hút hơn. Sức hút này không chỉ đối với du khách quốc tế mà cả với du khách trong nước và nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.

Đọc thêm