Cát khan hiếm
Lâu nay, nguồn cung cát trên các con sông ở Thừa Thiên - Huế được bồi đắp sau các mùa lũ, tính ra, mỗi năm có khoảng từ 1,3-1,7 triệu m3 do mưa lũ trôi về bổ sung vào lòng sông. Từ khi các đập thủy điện được xây dựng và đi vào hoạt động, lượng cát sỏi từ thượng nguồn bổ sung về hạ nguồn các con sông không còn nhiều như trước.
Theo quy hoạch vật liệu xây dựng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tổng trữ lượng cát trên các con sông ở Thừa Thiên - Huế như: sông Bồ, sông Hương, sông Truồi hiện còn 2,75 triệu m3. Với lượng cát hữu hạn như thế chỉ có thể đáp ứng nhu cầu làm vật liệu xây dựng trong một vài năm tới.
Trước đây, ở sông Hương có 3 doanh nghiệp gồm Công ty CP TMDV Hồng Phát, Công ty CP Châu Thành Phát, Công ty CP XD 939 khai thác cát ở khu vực bãi bồi Lương Quán để cung cấp nguyên liệu xây dựng công trình dân sinh.
Tuy nhiên, vào cuối năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đình chỉ khai thác và thu hồi giấy phép do vi phạm về độ sâu khai thác, xử phạt 3 công ty trên 2,4 tỷ đồng. Hiện tại, trên con sông này không còn mỏ cát nào được cấp phép.
Như vậy, hiện trên địa bàn chỉ còn sông Bồ là nguồn cung ứng chính cát xây dựng nhưng cung không đủ cầu. Ngoài ra, một số doanh nghiệp lại dùng “chiêu” tích trữ cát, không bán ra thị trường khiến cho cát xây dựng rơi vào tình trạng khan hiếm. Tình hình này khiến “cát tặc” xuất hiện trên các dòng sông tại Huế là rất nhiều.
Thông thường trong xây dựng, vật liệu cát chiếm khoảng 5-10% kết cấu. Giá cát tăng vọt như hiện nay ảnh hưởng trực tiếp đến mức đầu tư dự án, gây khó khăn cho nhà thầu, đơn vị thi công lẫn chủ đầu tư. Nếu tình trạng này kéo dài có thể kéo theo hàng loạt công trình xây dựng bị chậm tiến độ.
Sản xuất cát xay từ đá
Cát xây dựng trên địa bàn hiện đang được khai thác chủ yếu dưới các lòng sông vì kích thước hạt lớn, chất lượng tốt, được sử dụng làm cát bê tông, xây, trát. Tuy nhiên, theo cảnh báo, nếu khai thác nhiều, không có quy hoạch sẽ ảnh hưởng tới dòng chảy, đất đai và môi trường. Tình trạng khan hiếm cát, giá cát cao như hiện nay là rất phổ biến không chỉ Huế mà nhiều nơi trên cả nước.
Thời gian vừa rồi UBND tỉnh đã quyết liệt ngăn chặn tình trạng khai thác cát lậu trên các sông; vì vậy theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng tại đây dự báo giá cát sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Trước thực trạng này gần đây, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã làm việc với Hiệp hội khai thác đá, các Sở: Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Công Thương; Tài chính; Cục Thuế tỉnh và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác đá, vật liệu xây dựng.
Tỉnh giao Sở Xây dựng thống kê số doanh nghiệp đăng ký sản xuất cát nghiền (cát nhân tạo) được xay từ đá. Đồng thời yêu cầu các sở, ngành liên quan tham mưu lộ trình sử dụng loại cát nhân tạo này đối với các dự án xây dựng sử dụng vốn từ ngân sách. Đến năm 2020, tỉnh sẽ có loại cát này nhằm thay thế cát khai thác từ lòng sông.
Chia sẻ về những khó khăn của thị trường vật liệu xây dựng hiện nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định lưu ý các doanh nghiệp trong Hiệp hội cần giữ mức giá đá, bột đá làm vật liệu xây dựng ở mức vừa phải, ổn định giá. Đồng thời có kế hoạch triển khai, tính toán phương án đầu tư, sản xuất cát nhân tạo.
Sử dụng cát nội đồng, tận thu cát từ khe suối
Ngày 8/4, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, địa phương này đã đưa ra phương án cho TP, thị xã và các huyện tận thu nguồn cát ở các khe suối để tăng nguồn cung. Đồng thời, tỉnh cũng đã có phương án thu mua cát từ các tỉnh lân cận để đáp ứng nhu cầu.
Ngoài ra, nhằm tận thu nguồn cát làm vật liệu xây dựng tại các khe, suối đổ vào các hồ thủy điện, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương và các thủy điện kiểm tra, nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh phương án xây dựng các đập chắn tại các khe suối trước khi đổ vào các hồ thủy điện.
Một phương án khác đó là khai thác cát nội đồng. Giám đốc Sở TN&MT khẳng định tiềm năng, trữ lượng cát nội đồng trên địa bàn tỉnh chắc chắn là có. Vấn đề kết quả như thế nào sẽ được đơn vị tiến hành điều tra khảo sát, đánh giá lại trữ lượng thực tế và đưa ra giải pháp khai thác hợp lý, hiệu quả nhất.
Theo quy hoạch khai thác cát xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, việc khai thác cát nội đồng gồm 4 khu vực, tập trung tại huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang với khối lượng khai thác dự báo lên tới 18,28 triệu m3.
Qua nghiên cứu, có thể dùng cát nội đồng này phối trộn các loại vật liệu khác như đá mi (là loại đá có kích cỡ 5-10mm, là phụ phẩm trong quá trình nghiền đá xây dựng-PV), cát nghiền để thay thế cát lòng sông làm vật liệu xây dựng và cho chất lượng sản phẩm tương đương không kém.
Ông Nguyễn Đại Viên (Phó Giám đốc Sở Xây dựng) cho biết, trên địa bàn tỉnh có 4 loại vật liệu có thể nghiên cứu thay thế cát ở lòng sông gồm: cát mịn (cát nội đồng), đá mi, cát nghiền (cát nhân tạo) được nghiền từ đá xây dựng và cát trong các lòng hồ thủy điện. Các loại vật liệu thay thế này rất phong phú, đáp ứng được nhu cầu trong tương lai.
Bà Trần Thị Hoài Trâm (Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa yêu cầu Sở TN&MT khẩn trương rà soát, lên phương án đấu giá quyền khai thác cát sỏi ở các vị trí đã được quy hoạch. Việc đấu giá này sẽ được thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.