Hội nghị do Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành chủ trì, các Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Thủy, Nguyễn Văn Sơn, Mai Lương Khôi cùng tham dự.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Mai Lương Khôi, bên cạnh những kết quả đạt được, thi hành án (THA) 5 tháng đầu năm vẫn còn tồn tại: đó là chưa có sự đột phá, vẫn còn một số đơn vị có kết quả đạt tỷ lệ rất thấp; số chưa thi hành xong chuyển sang kỳ sau vẫn còn rất lớn (gần 320 ngàn việc, tương ứng với số tiền gần 75 ngàn tỷ đồng).
Chỉ tính riêng số chuyển kỳ sau của 23 địa phương cũng là gần 210 ngàn việc, tương ứng số tiền gần 60 ngàn tỷ đồng; tỷ lệ việc và tiền có điều kiện giải quyết tuy đạt tương đối cao nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ 2014. Đặc biệt, công tác giải quyết các vụ việc trọng điểm, các vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng chưa thực sự hiệu quả.
Ngoài các nguyên nhân chủ quan, Tổng cục THADS cũng chỉ rõ nguyên nhân khách quan là số lượng việc, tiền thụ lý của toàn quốc tiếp tục tăng so với cùng kỳ 2014, trong khi biên chế không tăng, nhiều địa phương vẫn còn thiếu chấp hành viên dẫn đến tình trạng quá tải công việc, việc tổ chức thi hành nhiều vụ việc THA bị chậm trễ và không tránh khỏi sai sót, vi phạm.
Bên cạnh đó, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng chiếm tỷ lệ lớn. Chỉ tính riêng số việc và tiền trong các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng năm 2014 chuyển sang năm 2015 của 23 địa phương trên đã là gần 8.500 việc, tương ứng với số tiền 28 nghìn tỷ đồng (chiếm trên 41% tổng số tiền phải thi hành của các địa phương này), trong khi đó việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp (chủ yếu là bất động sản) gặp rất nhiều khó khăn do thị trường bất động sản còn trầm lắng, người dân có tâm lý e ngại khi mua tài sản liên quan đến THA.
Trong số việc còn đang tổ chức thi hành, có nhiều việc có giá trị phải thi hành lớn, tính chất phức tạp, khó thi hành. Điển hình như vụ Vinashin, riêng tại 23 địa phương trên, tổng số tiền phải thi hành có liên quan đến Tập đoàn này là trên 2.200 tỷ đồng, trong đó tập trung nhiều nhất là Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng; đến nay, số tiền giải quyết được đạt tỷ lệ rất thấp (gần 80 tỷ đồng); tổng số tiền còn phải thi hành rất lớn (trên 2.100 tỷ đồng); quá trình THA mất nhiều thời gian, gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xử lý số tiền bị phong tỏa tài khoản, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, nhiều tài sản là nhà xưởng, hệ thống thiết bị máy móc… rất khó bán, dù giảm giá nhiều lần nhưng không có người mua.
Tăng cường chấp hành viên cho các địa bàn có lượng án lớn
Các giải pháp được Tổng cục THADS xác định trong thời gian tới là tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực, kỹ năng làm việc của Thủ trưởng các đơn vị; Tổng cục trưởng THADS thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương; các Cục trưởng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS (có hiệu lực từ 1/7/2015); tiếp tục triển khai có hiệu quả việc điều động, luân chuyển, biệt phái chấp hành viên, đặc biệt tăng cường cho các địa bàn có lượng án lớn.
Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu tập trung vào việc phân tích các nguyên nhân dẫn đến kết quả THADS 5 tháng đầu năm chưa đạt như mong muốn. Trong đó tập trung vào các vấn đề như tổ chức bộ máy, bất cập trong quy định của pháp luật hiện hành, trong quản lý chỉ đạo điều hành, phối hợp…
Theo Cục trưởng Cục THADS Kiên Giang Phan Bửu Đường thì “nhiều chấp hành viên năng lực rất kém, có anh Phó Chi cục trưởng viết cái biên bản chưa nổi. Nhiều chấp hành viên cả đời chưa dám đi cưỡng chế vụ nào. Trước tình trạng đó, Kiên Giang cũng đã chấn chỉnh nhưng đề nghị Tổng cục có biện pháp cụ thể để khắc phục”.
Đặc biệt, do khó khăn của nền kinh tế, thị trường bất động sản chưa thực sự “ấm” lên cũng gây những khó khăn nhất định cho công tác THA. Cục trưởng Cục THADS Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Kiên Giang, Long An, Nghệ An… đều chung phản ánh nhiều tài sản kê biên nhưng không bán được. Có nhiều vụ đấu giá xong nhưng không giao được tài sản cho người trúng đấu giá, chấp hành viên thậm chí bị kiện ra tòa gây tâm lý bất an.
Chỉ ra nguyên nhân, đại diện của các địa phương cũng đề xuất với Tổng cục các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, trong đó có bổ sung biên chế, quan tâm điều kiện cơ sở vật chất, tăng cường tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt tăng cường vai trò của Tổng cục trong chỉ đạo các vụ án khó, phức tạp; tăng cường kiểm tra cơ sở; tăng cường phối hợp giữa các ngành…
23 địa phương tham dự buổi làm việc gồm TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, TP.Hải Phòng, Tiền Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Cần Thơ, Quảng Nam, Đà Nẵng, An Giang, Quảng Ngãi, Nghệ An, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Tháp.
Theo báo cáo của Tổng cục THADS, 23 địa phương đã giải quyết xong (trong số có điều kiện giải quyết) trên 98 ngàn việc, tăng gần 8 ngàn việc so với cùng kỳ 2014, chiếm tỷ lệ gần 58% số thi hành xong của cả nước, đạt tỷ lệ 45,03%, thấp hơn so với tỷ lệ chung của toàn quốc là 3,29%; đã giải quyết 8.834 tỷ đồng/số có điều kiện giải quyết; tăng trên 1.874 tỷ đồng so với cùng kỳ, chiếm tỷ lệ 76% số thi hành xong của toàn quốc, nhưng vẫn thấp hơn so với tỷ lệ chung của toàn quốc là 0,1%.