Trước những ý kiến đề xuất của đại diện các đơn vị, Bộ trưởng yêu cầu đơn vị được giao chủ trì soạn thảo Dự án Bộ luật sửa đổi tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình để có những quy định phù hợp đáp ứng thực tiễn và tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực Tư pháp.
Chưa đảm bảo mục tiêu có lợi cho người bị kết án
Một trong những dự kiến đổi mới đáng chú ý của Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi là quy định việc chuyển hình phạt tiền là hình phạt chính sang hình phạt tù đối với tội phạm bị áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính mà cố tình không chấp hành án. Theo góp ý trước đó, việc chuyển hình phạt như vậy là không đảm bảo công bằng và khó áp dụng.
Giải trình về vấn đề trên tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính Trần Văn Dũng cho rằng, để thực hiện chủ trương giảm hình phạt tù, tăng cường áp dụng các biện pháp không giam giữ thì phải mở rộng khả năng áp dụng các hình phạt không tước tự do như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ.
Theo quy định của BLHS, khi phạt tiền, Tòa án căn cứ vào tình hình tài sản của bị cáo để tuyên nhưng thực tế cho thấy, việc bị cáo sau khi bị áp dụng hình phạt tiền lại có biểu hiện chây ỳ, không thi hành án phạt tiền, làm giảm hiệu lực của bản án. Do vậy, cần có cơ chế giải quyết bất cập này.
Qua thực tiễn tổng kết thi hành BLHS, nếu có quy định chuyển đổi hình phạt tiền thành hình phạt tù thì chỉ áp dụng đối với người bị kết án cố tình chây ỳ không thi hành án mà không áp dụng đối với người không có khả năng thi hành án bởi trước khi tuyên án, Tòa đã xét đến tình hình tài sản của người phạm tội nên Vụ đề nghị giữ nguyên như Dự thảo.
Đại diện một số đơn vị vẫn băn khoăn cho rằng nếu bổ sung quy định chuyển đổi thì sẽ có mối quan hệ thế nào với tội “Không chấp hành án” của BLHS. Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Văn Thị Khanh Thư đề nghị cân nhắc trong việc bổ sung và cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm của các nước khác.
Bà Thư lý giải, đây là việc chuyển đổi hình phạt theo hướng tăng nặng hơn. Hơn nữa, một trong những chủ trương, định hướng hoàn thiện BLHS sửa đổi lần này là đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội thì việc bổ sung quy định chuyển đổi là không phù hợp với mục tiêu có lợi cho người bị kết án.
Đáp ứng nhu cầu quản lý và thực tiễn
Tại cuộc họp, các đơn vị được giao nhiệm vụ giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực cụ thể đã đưa ra những đề xuất tương ứng nhằm hoàn thiện Dự thảo BLHS sửa đổi. Theo Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến, tỷ lệ thương tích cần được đánh giá lại xem còn phù hợp hay không bởi hiện có Thông tư số 20/2014 của Bộ Y tế quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.
Ngoài ra, các khái niệm sử dụng trong Dự thảo như thương tích, thương tật, tổn hại sức khỏe, mất khả năng lao động thì khác nhau ra sao bởi thương tích xảy ra cần được giám định ngay, nhưng có khi đến thời điểm giám định thì đã điều trị ổn định, các thương tật không còn nhiều.
Bà Yến cũng kiến nghị bổ sung luật sư là đối tượng được giảm nhẹ trách nhiệm Hình sự đối với tội “Che giấu tội phạm” và không phải chịu trách nhiệm Hình sự đối với hành vi “Không tố giác tội phạm” cho phù hợp với thông lệ quốc tế; bổ sung tội cản trở hoạt động hành nghề của luật sư, tội thông đồng, dìm giá làm sai lệch kết quả hoạt động bán đấu giá tài sản.
Cục trưởng Cục Con nuôi Nguyễn Văn Bình phân tích, hành vi “chuyển giao trẻ em hoặc tiếp nhận trẻ em có giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác” còn chung chung, chưa rõ ràng mà cần xác định có hành vi mua bán trẻ em mới phạm tội mua bán trẻ em, vì thực tế nhiều trường hợp người mẹ do hoàn cảnh khó khăn đưa con vào cơ sở nuôi dưỡng và được nhận tiền hỗ trợ tàu xe hoặc người nước ngoài nhận con nuôi có quà tặng cho cơ sở nuôi dưỡng. Bên cạnh đó, cần xử lý Hình sự hành vi nhận nuôi con nuôi không vì mục đích nhân đạo mà để lạm dụng, bóc lột trẻ em…
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường chỉ đạo các đơn vị có ý kiến đóng góp cần thiết kế các điều khoản cụ thể để Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính tổng hợp chung, xây dựng các quy định đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp.
“Tất nhiên không phải hành vi nào cũng cần phải xử lý hình sự như hôn nhân – gia đình, tôi đồng tình với quan điểm là không nên can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của cá nhân” – Bộ trưởng chia sẻ. Ngoài ra, Bộ trưởng còn yêu cầu phải xử lý, răn đe những cán bộ, công chức cố tình, ngang nhiên vi phạm pháp luật đang gây bức xúc hiện nay.