Tìm giải pháp tăng chi tiêu của du khách nội địa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Du lịch nội địa “bùng nổ” trong những năm qua được xem là “bệ đỡ” cho ngành Du lịch Việt Nam phục hồi nhanh chóng sau dịch. Đáng nói, nếu như số lượng du khách nội địa tăng lên là một dấu hiệu tích cực thì mức chi tiêu của họ tại điểm đến còn thấp lại là vấn đề đáng suy nghĩ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Du khách thiếu “cơ hội” chi tiêu?

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, lượng khách du lịch nội địa đạt đỉnh vào năm 2019 với 85 triệu lượt. Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch nội địa đã đạt 91,8 triệu lượt, vượt qua con số cả năm 2019. Mục tiêu chung mà du lịch Việt Nam đặt ra là năm 2022 phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 60 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 400 ngàn tỉ đồng. Như vậy, mức tăng trưởng đáng kinh ngạc của ngành du lịch nội địa đã vượt xa mong đợi ban đầu.

Theo nghiên cứu về thị trường khách nội địa giai đoạn 2016 - 2022 của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam trên phạm vi toàn quốc, khách nội địa ngày càng có đóng góp tích cực vào tổng thu của ngành Du lịch. Đến nay, thu từ khách nội địa chiếm khoảng 41 - 44% trong cơ cấu tổng thu toàn ngành.

Năm 2015, khách nội địa mới chỉ đóng góp 158.000 tỷ đồng vào tổng thu toàn ngành, đến năm 2019, tăng lên 334.000 tỷ đồng, gấp 2,1 lần, tăng trưởng bình quân đạt khoảng 20,5%/năm.

Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thì cả tổng lượng khách và tổng thu từ du khách trong nước vẫn chưa đạt hết tiềm năng vốn có. Đặc biệt, chi tiêu của khách du lịch nội địa trung bình 977.700 đồng/ngày vào năm 2011, nhưng đến năm 2020 cũng chỉ đạt 1,15 triệu đồng, tức là rất thấp so với du khách quốc tế và thị trường du lịch nội địa trong khu vực.

Chưa kể, chỉ có một số dịp tập trung du khách nội địa đông nhất như dịp nghỉ hè và những ngày lễ lớn, như Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, 30/4 và 1/5, cuối tuần. Các mùa khác trong năm, du lịch nội địa ở nhiều điểm đến tương đối vắng vẻ. Bên cạnh đó, các điểm đến mà khách du lịch nội lựa chọn phổ biến nhất là nghỉ dưỡng biển, cho thấy loại hình du lịch khách lựa chọn cũng không đa dạng, do đó họ cũng không có cơ hội chi tiêu vào những trải nghiệm khác.

Nâng chất lượng du lịch nội địa

Một trong những nguyên nhân khiến mức chi tiêu của du khách nội địa còn thấp là vấn đề chất lượng điểm đến du lịch chưa tương xứng với kỳ vọng của du khách, chưa thuyết phục được khách chi tiêu nhiều hơn tại điểm đến. Một số chuyên gia cũng đánh giá, trước dịch, du lịch Việt Nam đang bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu từ khách quốc tế, trong khi thị trường khách nội địa khổng lồ vẫn chưa được quan tâm khai thác tương xứng với tiềm năng.

Nhằm tạo ra các giá trị hữu ích cho du khách nội địa, các chương trình du lịch cần đổi mới, sáng tạo, hướng tới các nhu cầu thiết thực của khách nội địa, thậm chí phải vượt qua mong đợi của họ. Bên cạnh các dòng sản phẩm du lịch có tính đại chúng cao như du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội; du lịch đô thị; du lịch đêm; du lịch ẩm thực..., các dòng sản phẩm du lịch theo xu hướng mới cần được chú trọng phát triển nhiều hơn cho thị trường nội địa như du lịch chăm sóc sức khoẻ, du lịch chữa bệnh, sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, thể thao, du lịch thông minh.

Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù thị trường khách nội địa bùng nổ rất mạnh trong thời gian qua nhưng mới chỉ có những chiến dịch kích cầu, kêu gọi du khách đi du lịch trong nước. Các cơ quan Nhà nước quản lý văn hoá vẫn chưa đưa ra những cơ chế, chính sách riêng biệt và cụ thể đối với thị trường khách trong nước, để thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa phát triển mạnh và bền vững trong điều kiện mới. Đặc biệt tại những khu vực còn khó khăn nhưng có tiềm năng du lịch ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực nông thôn một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn chưa thu hút nhiều khách nội địa. Điều này được xem là một “thiệt thòi” so với du lịch quốc tế luôn nhận được sự quan tâm sâu sát hơn.

So với du lịch quốc tế, để phát triển du lịch nội địa bền vững, các địa phương cần tăng cường năng lực quản lý điểm đến, dịch vụ du lịch an toàn; Triển khai có hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch; Thiết lập, kết nối mạng lưới trong thúc đẩy du lịch nội địa; Đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và xúc tiến du lịch…

Đọc thêm