Tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc quốc tịch của trẻ em

(PLO) - Ngày 28/7, tại Cần Thơ, Bộ Tư pháp phối hợp với Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) tổ chức Hội thảo “Rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 liên quan đến quốc tịch của trẻ em”.
Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực - Bộ Tư pháp (thứ hai từ phải sang) đồng chủ trì Hội nghị.
Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực - Bộ Tư pháp (thứ hai từ phải sang) đồng chủ trì Hội nghị.

Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực - Bộ Tư pháp cho biết, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 đã quy định khá rõ về nguyên tắc, căn cứ xác định quốc tịch Việt Nam cho trẻ em trong những trường hợp cụ thể. Luật đã đưa ra nhiều tình huống để xác định quốc tịch Việt Nam cho trẻ em, nhằm hạn chế tối đa tình trạng trẻ em không quốc tịch cư trú tại Việt Nam. 

Sau gần 10 năm thực hiện Luật và các văn  bản hướng dẫn thi hành, quyền có quốc tịch cho trẻ em tại Việt Nam tiếp tục được bảo đảm, nhận thức các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và nhân dân về quyền có quốc tịch của trẻ em Việt Nam được nâng lên rõ rệt.

Điều đó thể hiện ở những biện pháp tích cực mà các bộ, ngành và chính quyền địa phương đã triển khai nhằm thúc đẩy việc thực thi các quyền của trẻ em tại Việt Nam, bảo đảm cho trẻ em thụ hưởng một cách tốt nhất quyền sống, quyền được học tập, vui chơi, bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Luật Quốc tịch và các văn bản thi hành vẫn bộc lộ một số hạn chế gây khó khăn vướng mắc khi xác định quốc tịch cho trẻ em. 

Vì vậy, theo đại diện Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), xử lý, tháo gỡ vấn đề vướng mắc để đảm bảo quyền của trẻ em tốt nhất trong vấn đề quốc tịch, “nên theo hướng cho trẻ em có cha hoặc mẹ là người Việt Nam sinh ra ở nước ngoài được đăng ký hộ tịch có quốc tịch Việt Nam mà không phụ thuộc vào đã đăng ký hộ tịch, quốc tịch ở nước ngoài hay chưa?”.

Trình bày về kinh nghiệm giải quyết vấn đề quốc tịch của một số nước trên thế giới, đại diện UNHCR đánh giá, Luật Quốc tịch của Việt Nam đã phù hợp với quy định quốc tế. Tuy nhiên đại diện UNHCR lưu ý, Việt Nam cần có giải pháp hỗ trợ cho trẻ em được nhập quốc tịch trong trường hợp trẻ em có bố mẹ bị tước hoặc từ bỏ quốc tịch.

Đồng thời, Việt Nam cần có những quy định cụ thể để người phụ nữ lấy chồng nước ngoài và trẻ em được sinh ra trong hôn nhân có yếu tố nước ngoài có 2 quốc tịch để đảm bảo quyền có quốc tịch của trẻ em. Ngoài ra, Việt Nam nên xem xét sửa quy định về thời gian sống thực tế ở Việt Nam để được công nhận có quốc tịch Việt Nam (hiện nay là 20 năm) rút ngắn thời gian xuống ở mức phù hợp với quy định của quốc tế.

Cùng với đó, các đại biểu cũng sôi nổi thảo luận về các vấn đề về nguyên tắc xác định quốc tịch Việt Nam, vấn đề xác định quốc tịch của trẻ em, việc công nhận và xử lý hệ quả của tình trạng hai quốc tịch, một số thủ tục hành chính quy định tại Luật chưa bảo đảm tính khả thi, cấp Giấy xác nhận có quốc tịch... cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc, thấu đáo cũng như có hướng giải quyết, khắc phục, đáp ứng yêu cầu bảo đảm tốt nhất quyền con người, quyền công dân.

Đọc thêm