Ngày 12/3, tại Bảo tàng Quốc gia Hà Nội vừa diễn ra hội nghị về cuộc vận động sáng tạo và phát triển bộ sưu tập quà tặng thủ công mỹ nghệ, mang đặc trưng văn hóa Việt Nam do Công ty cổ phần Tiếp thị Làn sóng mới phối hợp với Qũy Văn hóa Hà Nội tổ chức.
Hội nghị lần này nhằm tìm kiếm hướng đi cho việc sáng tạo và phát triển bộ sưu tập quà tặng thủ công mỹ nghệ mang đặc trưng văn hoá Việt Nam. Tham dự hội nghị có hàng trăm các nghệ nhân đến từ các làng nghề thủ công mỹ nghệ trong khắp cả nước cùng các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực văn hoá, lịch sử, khảo cổ.
“Theo thống kê có khoảng 2.000 làng nghề, trong đó có 277 đơn vị được công nhận là làng nghề và 198 làng nghề truyền thống. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ là tinh hoa văn hóa của dân tộc, đó chính là tài nguyên vô giá trong việc phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh dân tộc. Làm thế nào để sản phẩm của làng nghề trở thành sản phẩm mang đậm văn hóa của dân tộc, đòi hỏi sự sáng tạo nghiêm túc của các nghệ nhân. Đây là một việc làm thiết thực để tạo dựng giá trị xứng tầm cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ" - ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao du lịch, Hà Nội phát biểu tại hội nghị.
Hàng trăm chuyên gia, nghệ nhân tham dự hội nghị đều bày tỏ sự mong muốn hướng tới một bộ sưu tập quà tặng mang đặc trưng văn hóa Việt (Ảnh: Anh Vũ). |
Tại hội nghị, các chuyên gia cũng như các nghệ nhân, đại biểu đều hướng tới việc xây dựng một bộ sưu tập quà tặng thủ công mỹ nghệ cao cấp Việt Nam được lấy cảm hứng sáng tạo từ 8 di sản thế giới tại Việt Nam như: Hoàng thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ, Vịnh Hạ Long, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An và nhiều danh thắng, biểu tượng khác mang đặc trưng văn hoá Việt Nam như: Chùa Một Cột, Cầu Thê Húc, Tháp Rùa, áo dài, hoa sen…
Theo đánh giá của các chuyên gia, để có thể xây dựng được sưu tập quà tặng thủ công mỹ nghệ mang đặc trưng văn hóa Việt Nam cần rất nhiều thời gian, công sức và tâm huyết của nhiều cá nhân, nhiều tổ chức,...
Một số chuyên gia, khách mời tham dự hội thảo cho rằng việc làm ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa của Việt Nam là rất cần thiết (Ảnh: Anh Vũ). |
Theo ông Nguyễn Ngọc Quang - Giám đốc Công ty TNHH Anh Nguyễn, trước tiên dự án cần tạo ra những sản phẩm Việt để bán cho người Việt và nhân rộng ra mọi vùng miền trong cả nước sau đó mới tính đến việc quảng bá, giới thiệu tới cho du khách nước ngoài.
Ông Bùi Văn Mạnh - Phó Giám đốc Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) trăn trở, hiện nay tại nhiều danh lam, thắng cảnh cũng như di tích, di sản chủ yếu bày bán các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm do nước ngoài sản xuất nên việc làm ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa của Việt Nam là rất cần thiết. Ngoài ra, việc khuyến khích tạo ra những sản phẩm mang tính bình dân để bất cứ du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan, du lịch tại các danh lam, thắng cảnh, di tích đều có thể mua được một món quà lưu niệm.
Ông Nguyễn Trung Thành - Tổng giám đốc Công ty Tiếp thị Làn song mới cho biết, dự án xây dựng bộ sưu tập quà tặng mang đặc trưng văn hoá Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu 1.000 mẫu quà tặng nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015).