Tìm lời giải cho “bài toán” thiếu cán bộ THADS ở miền Tây

 Khu vực miền Tây (đồng bằng Sông Cửu Long) với địa hình nhiều sông rạch, chia cắt, giao thông cách trở, lũ lớn thường xuyên. Thêm vào đó, số lượng, cán bộ chấp hành viên lại quá mỏng, dẫn đến án dân sự chưa có điều kiện thi hành ngày càng nhiều.

Khu vực miền Tây (đồng bằng Sông Cửu Long) có địa hình nhiều sông rạch, chia cắt, giao thông cách trở, lũ lớn thường xuyên. Thêm vào đó, số lượng, cán bộ chấp hành viên lại quá mỏng, dẫn đến án dân sự chưa có điều kiện thi hành ngày càng nhiều.
Một buổi THADS. Ảnh minh họa
Một buổi THADS. Ảnh minh họa

Kiêm nhiệm và quá tải

Một cuộc hội thảo mới đây, đại diện cho thi hành án (THA) các tỉnh miền Tây- Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Bến Tre Phạm Hoài Thuận đã cho biết: số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay bình quân THA mỗi tỉnh miền Tây có khoảng 120 biên chế, trong đó cấp tỉnh có khoảng 23 biên chế (trong đó chấp hành viên có khoảng 4 người), cấp huyện có khoảng 9 biên chế (trong đó khoảng 2 - 3 chấp hành viên); thẩm tra viên cấp tỉnh có khoảng 2 người, cấp huyện thì mấy đơn vị mới có 1người.

Ước tính: mỗi năm bình quân một chấp hành viên các tỉnh miền Tây được giao từ 350 đến 450 vụ việc phải thi hành; con số này với một biên chế cán bộ là từ 100 đến 150 vụ việc/năm. Ông Thuận làm phép so sánh: biên chế cán bộ có chức danh tư pháp  của viện kiểm sát và tòa án gấp nhiều lần cơ quan THA, trong khi đó, trình tự thủ tục để tổ chức thi hành xong một vụ án của chấp hành viên đòi hỏi trải qua nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian, với sự phối hợp của nhiều ban ngành.

Cũng theo ông Thuận, tổ chức bộ máy các phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc cục THADS cũng không được thống nhất, nhiều phòng phải kiêm nhiệm, chồng chéo như văn phòng phải “gánh” cả công tác tổ chức cán bộ, lao động tiền lương, thi đua khen thưởng, kế toán tài vụ, hành chính tổng hợp; hay phòng nghiệp vụ thì chịu trách nhiệm thi hành tất cả các loại án…, như vậy hoạt động của cán bộ không chuyên sâu.

Tương tự, chi cục THA cấp huyện không có cơ cấu tổ chức bộ máy, chi cục trưởng còn phải thực hiện chức trách của một chấp hành viên trực tiếp tổ chức thi hành vụ việc.

Chi cục nên có các đội chuyên môn

Với những bất cập nêu trên, theo ông Thuận, cơ cấu bộ máy cơ quan THA tỉnh, huyện cần xác định rõ chức năng nhiệm vụ quyền hạn của từng phòng, từng bộ phận chuyên môn nghiệp vụ theo hướng chuyên môn hóa  chuyên sâu nghiệp vụ thuần túy ở tầm vi mô, giúp công tác lãnh đạo quản lý điều hành được dễ dàng, thuận lợi. Cụ thể, cần tổ chức lại theo hướng: ở cục có văn phòng và ít nhất 4 phòng chuyên môn (trừ các thành phố lớn); chi cục THA có đội kiểm tra và tổng hợp tương tự như các đội chuyên trách của công an hay chi cục thuế.

Với số lượng cán bộ, chấp hành viên cả cấp tỉnh và huyện ở các THA  ông Thuận kiến nghị, cục cấp tỉnh nên có ít nhất 35 biên chế, chi cục có ít nhất 15 biên chế (trừ các thành phố lớn) và cơ cấu chức danh công chức có khoảng 30% chấp hành viên (trong đó có cả lãnh đạo); 10% thẩm tra viên; 35% thư ký; 30% các chức danh công chức hành chính văn phòng, nhưng mỗi cơ quan THA cấp huyện phải có thủ quỹ, thủ kho và 2 kế toán; riêng văn lưu trữ có thể thủ kho hoặc thủ quỹ kiêm nhiệm. Tuy vậy, số lượng vụ việc /1  biên chế cán bộ cụ thể cần giảm xuống còn từ 100 đến 150 vụ việc/chấp hành viên và từ 30 đến 50 vụ việc/biên chế cán bộ.

Ông Thuận cũng cho rằng cần tăng cường công tác lãnh đạo, điều hành, phân cấp mạnh cho tỉnh và huyện chủ động về biên chế cán bộ, tự chủ về tài chính, cho quyền các cơ quan THA sử dụng một phần kinh phí hoạt động thường xuyên tiết kiệm được và phí THA được trích lại tùy theo khả năng hiện có của mỗi cơ quan THA mà bồi dưỡng một khoản tiền nhất định cho chấp hành viên và thư ký THA khi thi hành xong vụ việc như thẩm phán và thư ký tòa án.

Một số án chưa thi hành ở khu vực THA các tỉnh miền Tây xuất phát từ nguyên nhân số vụ việc và tiền có điều kiện thi hành nhưng do công việc quá tải, số lượng vụ việc án quá nhiều /chấp hành viên hoặc chấp hành viên thiếu trách nhiệm nên chưa tổ chức thi hành. Nhóm án này thông thường chiếm tỷ lệ từ 10 đến 20% số vụ việc tồn chuyển kỳ sau.

Thắng Chung

Đọc thêm