[links()]
Tiến sỹ Phạm Gia Yên – Chánh thanh tra Bộ Xây dựng trao đổi xung quanh việc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thông báo danh sách 75 đồ án, dự án cần điều chỉnh quy hoạch để tiếp tục được triển khai và 16 đồ án, dự án tạm dừng chờ quy hoạch phân khu.
- Tiến sỹ có ý kiến gì về thông báo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội danh sách đồ án, dự án cần điều chỉnh quy hoạch để tiếp tục được triển khai và đồ án, dự án tạm dừng mới đây?
- Như đã nói ở trên, doanh nghiệp tiến hành làm dự án thì đã trải qua không ít các cuộc bảo vệ trước hội đồng liên ngành. Bởi vậy, cách rà soát rồi đưa lên phương tiện thông tin đại chúng của một số Sở, ngành của Hà Nội đã tạo ra sự nghi ngờ trong công luận là có cơ sở.
Tôi nghĩ, cơ quan chuyên môn của Hà Nội chưa nên đăng tải thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng như vừa qua bởi việc rà soát mới là bước đầu. Nếu không dư luận sẽ cho rằng đây chỉ là trò “rung cây doạ khỉ” mà thôi.
Việc đăng tải như cách làm của Sở quy hoạch - kiến trúc Hà Nội vừa rồi còn gây phản cảm cho công luận. Bởi lẽ các dự án được đăng tải Thủ tướng đã cho phép tiếp tục triển khai thì có được rà soát nữa không?.
- Vậy theo ông, cần có cách rà soát như thế nào để có hiệu quả trong việc xây dựng các khu đô thị hiện nay?
- Công việc này không cần ồn ào mà chúng ta chỉ đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng khi các chủ đầu tư cố tình vi phạm pháp luật xây dựng và buộc phải xử lý hoặc chủ đầu tư và các cấp chính quyền công khai minh bạch dự án theo quy định của pháp luật dưới các hình thức khác nhau.
Trong khi hơn 700 dự án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn Hà Nội và Hà Tây cũ thì có trên 80% dự án chưa triển khai trên thực tế hoặc trên giấy, hoặc đang giải phóng mặt bằng. Số còn lại triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng và công trình thô.
Qua kiểm tra các dự án đang triển khai, chúng tôi thấy một việc cực kỳ quan trọng trong công tác rà soát mà chúng ta không quan tâm đó là việc xác định cốt chuẩn của khu vực và cốt san nền thoát nước mưa trong từng dự án. Điều này gây ra tình trạng nước mưa, nước thải sinh hoạt dự án này chảy vào dự án kia theo kiểu “bình thông nhau” và sẽ là một nguy cơ gây úng lụt khi các dự án hình thành.
Tôi nghĩ các cơ quan chuyên môn của Hà Nội cần quan tâm số một vấn đề này. Theo tôi, việc rà soát quy hoạch xây dựng là việc làm thường xuyên, hàng ngày của chính quyền các địa phương và của các cơ quan chuyên môn giúp việc nhằm hướng dẫn, chấn chỉnh các chủ đầu tư thực hiện đúng như quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
- Xin cảm ơn ông!
T.A