Sau nhiều ngày báo chí đưa tin cảnh báo về việc xuất hiện chất gây ung thư trong món ăn khoai tây chiên, phần lớn khách hàng đã bắt đầu ngưng sử dụng món “đặc sản” này của hãng KFC.
Ngày 16/7, ghi nhận thực tế tại một số cửa hàng của KFC, như ở phố Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) lượng khách hàng vào ăn tại quán vẫn rất đông đúc. Tuy nhiên, thực tế trong hoá đơn của khách hàng đều không thấy xuất hiện món khoai tây chiên.
Thay vì sử dụng khoai tây chiên, nhiều người lựa chọn ăn gà rán hoặc một số loạt sa lát có trong thực đơn của cửa hàng. Như chị Huyền Anh (30 tuổi) dẫn theo con nhỏ đi ăn KFC cho biết: “Đọc được tin về chất ung thư có trong khoai tây chiên nên hôm nay đưa các cháu đi ăn tôi cũng thôi không gọi, chưa biết là có đúng hay không nhưng cứ tạm ngừng sử dụng cho chắc”.
Một số tỏ ra nghi ngại trước thông tin có chất gây ung thư |
Theo khảo sát của phóng viên, thông tin món khoai tây chiên có chứa chất gây ung thư không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống cửa hàng của KFC mà một loạt cửa hàng bán đồ ăn nhanh khác như Lotteria hay BBQ cũng gặp tình trạng tương tự. Lượng tiêu thụ món khoai tây chiên đã giảm đi đáng kể so với trước khi cơ quan y tế đưa ra khuyến cáo.
Bên cạnh đó, một số khách hàng khi được hỏi về thông tin chất gây ung thư trong món khoai tây chiên tỏ ra thắc mắc rằng không hiểu cụ thể đó là chất gì và tại sao bao nhiêu năm món ăn này được bày bán trên thị trường không sao, đột nhiên lại có thông tin gây xôn xao như vậy.
Theo các chuyên gia về công nghệ thực phẩm, chất gây ung thư vừa được tìm ra có tên là acrylamide. Thực tế acrylamide được tạo ra khi đường và một số axít amin thành phần chính của protein có trong các thực phẩm tự nhiên bị nóng lên trong quá trình nướng bánh. Loại hoá chất có hại này thường có trong các loại thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây và các sản phẩm từ khoai tây hoặc các đồ nướng như bánh mì. Hàm lượng acrylamide trong các loại thực phẩm này tăng lên khi nhiệt độ tăng và thời gian nấu nướng kéo dài.
Ở các hộ gia đình khi chế biến các loại thực phẩm chỉ cần để ở nhiệt độ cao như chiên trong nhiệt độ 150 độ C thì các protein có trong tự nhiên có thể tự chuyển hóa thành acrymide.
Từ trước đến nay, các chuyên gia thực phẩm đều khuyến cáo sản phẩm thực phẩm chiên làm gia tăng nguy cơ phát triển ung thư, đặc biệt là khi chúng chứa các loại dầu hydro hóa - chất béo transfat. Hóa chất acrylamide cũng sản sinh ra khi chúng ta chiên kĩ hoặc chiên đi chiên lại nhiều lần.
Các nhà khoa học gọi acrylamide là một khối u chứa chất độc thần kinh mạnh, có tác dụng phụ không chỉ trên não, mà cả đối với hệ thống sinh sản. Đối với sản phẩm bim bim được chiên giòn từ tinh bột cũng tương tự.
Trước thông tin gây nhiều hoang mang, các chuyên gia cho rằng người dân cần bình tĩnh chờ kết quả kiểm nghiệm cụ thể và có thói quen trong nấu nướng tránh biến thực phẩm thành thuốc độc. Người dân hạn chế sử dụng các đồ ăn chiên hay nướng ở nhiệt độ cao từ 150 đến 250 độ C.
Trước đó, Cục an toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y Tế vừa gửi đi văn bản đề nghị Viện kiểm dịch an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia triển khai gấp một số nội dung liên quan đến việc giám sát mẫu khoai tây chiên, bim bim không đảm bảo an toàn thực phẩm. Cụ thể, Cục yêu cầu Viện lấy ngẫu nhiên 03 mẫu sản phẩm khoai tây chiên tại các cửa hàng thuộc hệ thống của KFC và 03 mẫu sản phẩm bim bim đang lưu thông trên thị trường. Mỗi cơ sở giám sát lấy 1 mẫu. Các mẫu này sẽ được đem đi xét nghiệm các chỉ tiêu về chất acrylamide và chất polycyclic aromatic hydrocarbons (PAH).
Các xét nghiệm phải được hoàn tất nhanh chóng và gửi báo cáo kết quả về Cục An toàn thực phẩm trước ngày 21/7/2014. Theo chỉ đạo của Cục, quá trình kiểm tra này sẽ sử dụng nguồn kinh phí kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường năm 2014. Yêu cầu kiểm tra được lãnh đạo Cục an toàn vệ sinh thực phẩm gửi đi sau khi cơ quan này tiếp nhận thông tin cảnh báo của Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA), vừa phát hiện một hóa chất có tên là acrylamide gây ung thư được tìm thấy trong bim bim, cà phê, khoai tây chiên, bánh mì nướng bị cháy, khoai tây chiên giòn và một số loại thức ăn nhanh của trẻ em gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu EFSA còn đưa ra đề xuất, các chính phủ cần phải thiết lập các khung kiểm soát pháp lý mới đối với ngành công nghiệp thực phẩm, nhằm cố gắng giảm lượng hóa chất dễ gây ung thư trong các sản phẩm bày bán ở nhà hàng và siêu thị.