Tín dụng ưu đãi với chuyển đổi nghề sản xuất ở vùng biển Quảng Trị

(PLO) - Liên tục 14 năm hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, góp phần tích cực trong  thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Trị đã góp phần làm “thay da, đổi thịt” nhiều vùng quê nghèo.
Từ 50 triệu đồng vay NHCSXH, anh Dương Đức Quân đã xây dựng được mô hình chăn nuôi hiệu quả

Tính đến nay, NHCSXH tỉnh Quảng Trị có tổng vốn đạt trên 2.165 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cuối năm 2015, trong đó nguồn huy động tiết kiệm qua 2.121 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) của người nghèo và nhận tiền gửi tiết kiệm của người dân trên địa bàn dân cư tại 141 Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn đạt trên 100 tỷ đồng; nguồn vốn nhận uỷ thác của ngân sách tỉnh và huyện, thị xã, thành phố là 37 tỷ đồng; nguồn vốn bổ sung cho vay khắc phục sự cố môi trường biển trên 100 tỷ đồng.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Đồng cho biết: Để có được kết quả đó, đơn vị luôn bám sát mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể các cấp, các ngành thực hiện những giải pháp đồng bộ hỗ trợ giảm nghèo bền vững ở những địa bàn huyện vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, chung tay xây dựng nông thôn mới tại các xã trung du đồng bằng và chủ động đồng hành cùng ngư dân tạo cơ hội giúp họ chuyển đổi ngành nghề sản xuất, tăng thu nhập, từng bước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Được biết từ giữa tháng 4 vừa qua, vùng biển thuộc tỉnh Quảng Trị bị ô nhiễm nặng, cá chết hàng loạt, tàu thuyền công suất nhỏ tạm ngừng ra khơi, đa số người tiêu dùng trên địa bàn e ngại không dám sử dụng sản phẩm biển... khiến mọi hoạt động khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nghề cá trên địa bàn bị thiệt hại khoảng 140 tỷ đồng và hàng chục nghìn hộ ngư dân lâm vào cảnh hết sức khó khăn.

Trước thực trạng đó, NHCSXH tỉnh Quảng Trị đã rà soát các đối tượng bị thiệt hại, tổng hợp đầy đủ số liệu hộ vay vốn bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường biển. Cán bộ NHCSXH tỉnh, huyện xuống các xã ven biển, bãi ngang thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng kiểm tra thực tế các Tổ TKVV, thống kê xác định thiệt hại, tổ chức đối thoại và hướng dẫn bà con lập hồ sơ vay vốn bổ sung để chuyển đổi ngành nghề sản xuất cũng như đề nghị xử lý nợ rủi ro theo quy định.

Đây cũng là nguyên nhân quan trọng giúp việc giải ngân nguồn vốn ưu đãi bổ sung đầu tư chuyển đổi sinh kế khai thác ven biển ở Quảng Trị diễn ra nhanh chóng, công bằng, dân chủ và nhận được sự đồng thuận cao của chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương.

Sau một thời gian triển khai kê khai, xác định thiệt hại, huy động nguồn vốn, NHCSXH tỉnh Quảng Trị đã cho vay trên 1.890 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại 16 xã ven biển với tổng số tiền 72,3 tỷ đồng (từ nguồn vốn của Trung ương, nguồn vốn ngân sách tỉnh cấp thêm 3,7 tỷ đồng và nguồn vốn thu hồi cho vay quay vòng).

Việc giải ngân kịp thời nguồn vốn ưu đãi bổ sung đối với người dân ven biển bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển đã thể hiện sự sẻ chia, đồng cảm, đồng hành của NHCSXH với ngư dân, với nghề khai thác kinh tế từ biển. 

Đơn cử về xã Trung Giang, huyện Gio Linh nằm sát biển Cửa Việt, nơi có 100% hộ dân làm nghề đánh bắt cá ven bờ và nuôi trồng thuỷ sản đã lâm vào cảnh hết sức khó khăn do ô nhiễm môi trường biển, nhưng đến nay cùng với việc nhận tiền bồi thường, nhiều hộ ngư dân đã được vay vốn ưu đãi bổ sung hơn 7 tỷ đồng để đầu tư chuyển đổi ngành nghề sản xuất, nâng dư nợ với NHCSXH lên 18,6 tỷ đồng. Một số gia đình đã sử dụng vốn vay ưu đãi xây dựng mô hình trang trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Điển hình là Bí thư Chi đoàn thôn Cang Giáng, xã Trung Giang, Dương Đức Quân từ 50 triệu đồng vay của NHCSXH huyện Gio Linh và 1ha đất thuê của xã đã xây dựng được mô hình chăn nuôi với 2 dãy chuồng trại kiên cố và 180 con lợn thịt, lợn nái,  mới đây xuất bán lứa lợn đầu tiên, thu lãi ngót 40 triệu đồng.

Tương tự, gia đình bà Phạm Thị Xanh cũng sử dụng 45 triệu đồng vốn ưu đãi chuyển đổi nghề nuôi tôm biển quảng canh sang chăn nuôi gà ấp trứng, bò sinh sản và cải tạo mảnh đất sình lầy thành khu vườn trồng rau xanh, hành tỏi. 

Hiện NHCSXH tỉnh Quảng Trị đang tập trung tư vấn định hướng cho bà con vùng ven biển bãi ngang sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư chuyển đổi ngành nghề, phát triển thêm trồng trọt, chăn nuôi, nhất là chăn nuôi bò, lợn theo hình thức gia trại, đồng thời triển khai lồng ghép với các chương trình, dự án, kể cả số tiền nhận bồi thường sự cố môi trường biển vào việc đầu tư mua sắm ngư cụ, tàu thuyền, cải tạo ao hồ nuôi trồng thuỷ sản theo hướng thâm canh để tiếp tục vừa khôi phục nghề biển, vừa mở mang ngành nghề sản xuất.

Có thể khẳng định, cùng với các chương trình tín dụng ưu đãi khác, việc chủ động cho vay bổ sung  ở vùng ven biển bãi ngang bị ô nhiễm của NHCSXH tỉnh Quảng Trị đang mở ra cơ hội cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn có vốn chuyển đổi ngành nghề sản xuất, có việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần ổn định tình hình chính trị, kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng tại địa phương được vững chắc. 

Đọc thêm