“Có vốn để nuôi bò, không còn nghèo nữa”

(PLO) - Mặc dù thời tiết Tây Nguyên tại thời điểm này đang vào mùa mưa dầm nhưng cũng không ngăn cản được những bước chân của cán bộ tín dụng NHCSXH đến những buôn làng vùng sâu, vùng xa để tận tay trao những đồng vốn nhân văn cho người dân còn khốn khó, vất vả.
Chị Ka Sel ở xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương sử dụng vốn vay vào nuôi bò
Chị Ka Sel ở xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương sử dụng vốn vay vào nuôi bò

Đạ Ròn là xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo cao của huyện Đơn Dương, nhưng nhờ có tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo nơi đây đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá giàu. Hộ gia đình chị Ka Sel là một ví dụ.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Ròn - cho biết, xác định nguồn vốn ủy thác từ NHCSXH là kênh cấp vốn quan trọng cho hội viên nông dân để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống nên hội đã đẩy mạnh việc tập huấn nâng cao kiến thức về hoạt động ủy thác vay vốn cho cán bộ thôn, xóm.

Hội Nông dân xã phối hợp với NHCSXH huyện tạo điều kiện thuận lợi trong giải ngân nguồn vốn, nâng cao năng lực quản lý và sử dụng vốn vay cho hội viên, hầu hết hội viên nông dân chịu khó, sử dụng vốn vay một cách hữu ích trong sản xuất, chăn nuôi. Gia đình hội viên Ka Sel trước kia nghèo lắm, bởi sinh đẻ không có kế hoạch, ruộng đất canh tác ít, thu nhập chính của gia đình chủ yếu từ những đồng tiền ít ỏi đi làm thuê nhưng không ổn định. Gần đây, Hội Nông dân và NHCSXH cho vay tiền về đầu tư nuôi bò cùng sự chăm chỉ, chịu khó làm ăn nên thu nhập của gia đình đã bứt phá lên rất nhiều.

“Bên cạnh việc cho vay, Hội Nông dân còn thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ theo đúng quy định, đảm bảo không có nợ quá hạn phát sinh. Nguồn vốn nhận ủy thác của NHCSXH đã góp phần tạo ra nhiều việc làm mới và giúp nhiều hội viên nông dân thoát nghèo bền vững mỗi năm...” - ông  Nguyễn Văn Thanh khẳng định.

Còn chị Ka Sel tâm sự: “Tôi may mắn được chính quyền, NHCSXH cho vay tiền và tôi luôn ý thức cố gắng làm sao làm ăn có lãi trả hết vốn vay, tạo điều kiện cho bà con nghèo khác vay”.

Cũng giống như chị Ka Sel đã vươn lên khá giả từ nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi bò sữa hay sản xuất hoa màu. Thông qua Hội Cựu chiến binh, năm 2002 cựu chiến binh Lê Văn Khanh ở thôn Suối Thông B2, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương vay 30 triệu đồng để chăn nuôi bò sữa. Từ 2 con bò sữa hiện nay gia đình đã phát triển lên thành đàn, trong đó có tới chục con đang khai thác sữa.

“Chăn nuôi bò sữa hiện được xem là nghề đem lại thu nhập khá ổn định cho người nuôi. Với 10 con bò đang khai thác sữa, cho năng suất 2 tạ sữa/ngày, giá bán 14.000 đồng/kg, doanh thu mỗi ngày bình quân 3 triệu đồng” - ông Lê Văn Khanh cho hay.

Là hộ cận nghèo ở thôn Suối Thông B2, xã Đạ Ròn, gia đình anh Trần Nam Phi vay 30 triệu đồng từ NHCSXH đã đầu tư trồng chuối đặc sản Laba. Hiện doanh thu từ bán chuối Laba bình quân mỗi tháng 60 triệu đồng. 

Còn ông Nguyễn Văn Thanh khoe về hiệu quả tín dụng chính sách ở địa phương mình: “Mỗi gia đình, mỗi cách làm riêng, nhưng điểm chung là họ không chỉ đã thoát nghèo mà còn trở nên khá giả”.

Ông Huỳnh Thanh Lân - Giám đốc NHCSXH tỉnh Lâm Đồng cho biết, thông qua 13 chương trình tín dụng ưu đãi, 14 năm qua đơn vị đã cho vay tới 2.572 tỷ đồng cho hàng trăm nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn để phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất.

“Để có được kết quả tốt như vậy, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến chính quyền cấp xã để chuyển tải vốn đến các đối tượng chính sách. Thông qua đó, đã bình xét đúng đối tượng, đôn đốc thu hồi nợ khó đòi, bố trí giao dịch thuận lợi...” - Giám đốc Huỳnh Thanh Lân thông tin.

Có thể nói, với phương thức cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng không những chuyển kịp thời đồng vốn đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách để tổ chức sản xuất, vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu mà còn góp phần vào việc củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội tham gia các phong trào khác. 

Tín dụng chính sách được NHCSXH tỉnh Lâm Đồng thực hiện đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 12,6% năm 2011 xuống còn 1,74% vào cuối năm 2015. Điều đó cho thấy tính hiệu quả, bền vững trong việc triển khai các chương trình giảm nghèo tại địa phương.

Đọc thêm